(Tiếp theo kỳ trước…)

 

 

      CHƯƠNG 11A

NGHI THỨC TRUYỀN PHÉP

Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.”

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.”

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

 

Nghi thức truyền phép trong thánh lễ phải được nhìn dưới ánh sáng của Tin Mừng Gioan từ chương 14 đến chương 16. Đây là một trong những chương kinh thánh đẹp nhất ở Tân Ước. Chúng ta không chỉ được mời gọi cho phụng vụ mà còn cho cả việc thánh hiến. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3). “…. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Đây chỉ là một vài lời ủi an mà Chúa Giêsu nhắn nhủ với các tông đồ. Đó là một sự mở đầu cho việc truyền phép bánh và rượu. Khi bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu thì có một sự biến đổi thiêng liêng nơi mỗi cá nhân đang tham dự thánh lễ.

Trích dẫn lời của Cha George Maloney, SJ (Dòng Tên): “Thánh Thể: Chóp đỉnh của tất cả sự chữa lành Kitô giáo, đặc biệt trong một đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc hơn trên phương diện thiêng liêng, phải được nhìn thấy trong việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể của chúng ta một cách thường xuyên và sốt sắng. Qua Giao Ước Mới, Thiên Chúa tiếp tục trao ban Máu Người để rửa sạch tội lỗi và sự sống thế gian (Hr 9, 15; 25-28). Nơi Bí Tích Thánh Thể, với tư cách là những tư tế chúng ta trao ban cho những người khác và cũng đón nhận mỗi ngày trong Phụng Vụ Thánh, chúng ta tiến gần đến Thiên Chúa – là một ngọn lửa thiêu (Hr 12, 29), cùng với một sự trông đợi lớn lao rằng tất cả mọi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta sẽ được lau sạch, những gốc rễ của sự dữ nơi chúng ta sẽ được thay thế bằng một sự trào dâng mới của sự sống phục sinh vĩnh cửu của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Giống như người phụ nữ bị bệnh bạch huyết trong câu chuyện của Tin Mừng Luca (Lc 8, 43-44), chúng ta chỉ cần chạm vào Chúa Giêsu, rồi thì quyền năng của Chúa sẽ chảy vào con người chúng ta, mang đến cho chúng ta một sự sống mới.

Trong tất cả các bí tích, Bí Tích Thánh Thể là đỉnh cao, bởi vì nơi đây chính Chúa Giêsu Kitô – một hình ảnh hoản hảo của Chúa Cha, trao bao chính mình cho sự sống vĩnh cửu. Chính nơi đây, chính sự hy sinh chính mình trên thập giá chỉ vì yêu thương chúng ta, Chúa đã chiến thắng mọi tội lỗi và sự chết đang tồn tại trong chúng ta. Và cũng chính nơi đây chúng ta sẽ trải nghiệm sự sẻ chia vào biến cố phục sinh vinh hiển của Người khi Thần Khí Chúa làm tan biến nơi mỗi chúng ta sự thiếu hụt tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.

Việc sử dụng sự hình dung thì rất hữu ích cho quá trình biến đổi. Cách đây một vài năm tôi có đến viếng một nhà nguyện tại Ann Arbor, Michigan. Trong lúc đang quỳ gối, tôi chú ý thấy có một vị linh mục đang dâng thánh lễ. Hiện lên trên vị linh mục là hình ảnh Chúa Giêsu. Dưới ánh đèn, tôi có thể nhìn thấy Người trong đường nét lờ mờ. Vì thế, trong lúc truyền phép, tôi khám phá ra rằng rất tuyệt vời khi nhắm mắt mình lại và hình dung thấy hình ảnh Chúa Giêsu đang nâng Mình và Máu của Người. Tôi hình dung có một luồng ánh sáng trắng phát xuất từ Mình và Máu Thánh Đức Kitô đi vào trong tim tôi, và làm tan chảy tim mình và dẫn tôi vào một mối quan hệ chữa lành với chính mình.


 

Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập