(Tiếp theo kỳ trước…)

CHƯƠNG 3

 NGHI THỨC SÁM HỐI

 Tha thứ là điều chính yếu trong quá trình chữa lành của chúng ta, vì thế, tôi cho rằng nghi thức sám hối là một trong những phần chữa lành nhất của thánh lễ.

Trước hết, tâm điểm của việc chữa lành bao quanh một sự thật rằng Cha chúng ta ở trên trời tha thứ cho chúng ta một cách vô điều kiện. Người tha thứ, chữa lành các thương tích và chờ đón chúng ta trở về nhà (Lc 15, 11-32). Trong thánh lễ, khi chúng ta tụ họp lại để cử hành Thánh Thể, để tạ ơn, cử hành một nghi lễ của sự tha thứ, hãy nhớ rằng chỉ nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và tâm trí của chúng ta sẽ dẫn đưa chúng ta tới điểm mà có thể nói rằng: “Vâng, tôi thật sự tin rằng Chúa Cha tha thứ tất cả những điều sai trái mà tôi đã làm”. Khi chúng ta mở lòng ra để đón nhận Thánh Thần của Thiên Chúa vào trong lòng mình, chúng ta mới có thể đón nhận tình yêu của Người cách đúng mực như chúng ta là.

Thứ hai, thái độ tha thứ của chúng ta thì có điều kiện. Chúng ta bị giới hạn về khả năng tha thứ bởi vì chúng ta là con người. Tha thứ vô điều kiện và trọn vẹn là một hành động thiêng liêng cần đến sự trợ giúp của Chúa Giêsu. Khi chúng ta trở về với Ngài, tình yêu của Chúa Giêsu trào qua chúng ta, cho chúng ta sức mạnh cần thiết để tha thứ hoàn toàn và vô điều kiện. Nghi thức sám hối là điều quan trọng bởi khi chúng ta bày tỏ hành động yêu thương của sự tha thứ, chúng ta đang gội rửa con tim và mở lòng ra hơn nữa cho tình yêu của Chúa Giêsu Kitô.

Trước đây, tôi không lấy làm hài lòng về một thực tại là lúc bắt đầu thánh lễ, khi chúng ta tụ họp với tư cách là một cộng đoàn Kitô hữu, ngay lập tức, chúng ta bắt đầu thú nhận tội lỗi của mình. Lúc đó, dường như nó là sự bắt đầu tiêu cực. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng phần này của thánh lễ là lúc rất lý tưởng về mặt tâm linh và tâm lý để chúng ta thưa lên với Chúa: “Xin tha thứ cho con lạy Chúa, như con tha thứ cho những người xúc phạm đến con”. Tôi tin rằng nghi thức sám hối là chìa khóa để chữa lành ngang qua thánh lễ, vì nơi đây, chúng ta mở lòng mình để đón nhận ơn tha thứ của Chúa và quan trọng hơn, là tìm đến sự tha thứ cho nhau và cho chính chúng ta.

Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Sự nhấn mạnh của Đức Giêsu về sự tha thứ lý giải tại sao chúng ta có Nghi Thức Sám Hối khi bắt đầu thánh lễ. Sự tha thứ được tiếp nhận và đặt ở trước phần chuẩn bị lễ vật của thánh lễ trong đó chúng ta dâng chính bản thân, cuộc sống của chúng ta lên Chúa.

Sau mười tám năm trong sứ vụ chữa bệnh, tôi thấy thật bổ ích và được thúc giục để đọc sách về y học tổng quát với những phương pháp chữa bệnh mới. Khi tôi đọc, tôi xem các lĩnh vực mà các tác giả viết về sự tha thứ, đặc biệt là trong các mối tương quan giữa cá nhân với nhau. Chính tại đây mà việc chữa lành tinh thần đã diễn ra.

Cách đây một vài năm, khi tôi ở Washington, D.C. để làm nhiệm vụ lãnh đạo giáo xứ, tôi có một người bạn cũng đang phục vụ ở đây. Trong thời gian đó, anh đã tham gia các lớp dạy về tâm thần học. Ngày hôm sau, khi trở lại lớp học, anh đã đề cập đến sự hiện diện của tôi trong giáo xứ của anh và lời cầu nguyện của tôi cho sự chữa lành bao gồm nhiều khía cạnh tương tự mà đã được đề cập trước đây trong các bài thuyết trình và thảo luận của họ. Họ nói về các mối tương quan và sự cần thiết của việc tha thứ. Sự tha thứ là rất quan trọng trong quá trình chữa lành mà tôi luôn cho nó là điều đặc biệt, nếu không muốn nói là phải nhấn mạnh hàng đầu. Tôi không thể nhấn mạnh vấn đề này đủ đâu! Trong tất cả những người tôi đã cầu nguyện qua nhiều năm, tôi ước tính 90% cần đến sự tha thứ. Sự không tha thứ có thể ngăn chặn các huyết mạch của cuộc sống, các kênh của tình yêu. Những nơi không hiện hữu tha thứ, cay đắng hoặc oán giận là nguyên nhân của nhiều loại vấn đề: thể chất, tâm lý, cảm xúc và tinh thần. Sự tha thứ là tác nhân làm sạch mà tháo gỡ bế tắc linh hồn chúng ta, giải phóng chúng ta để cho và nhận tình yêu.

Sự tha thứ dành cho tất cả mọi người. Nhiều anh chị em tôi có dịp gặp nói rằng họ không có ai để tha thứ. Đó là kinh nghiệm của tôi, tuy nhiên, tất cả chúng ta cần phải mở rộng sự tha thứ, đặc biệt là tập trung vào sự tự tha thứ tội lỗi trong quá khứ. Chúng ta cũng cần phải tha thứ cho chính bản thân về một vài sự oán giận vô thức mà chúng ta có thể có đối với Chúa vì những thương tổn, đau khổ, cái chết của một tình yêu hay một lời cầu nguyện chưa được trả lời. Một cách ý thức, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo và không áp đặt những gánh nặng này lên chúng ta, tuy nhiên, một cách vô thức, chúng ta có thể lại oán giận. Một khía cạnh khác cần có sự tha thứ liên tục là mối quan hệ với cha mẹ chúng ta. Có người gần đây đến gặp tôi và nói: “Cha  biết, con đã không nhận ra cho đến ngày hôm nay khi Chúa chạm vào con, con đã phẫn nộ đến mức nào đối với mẹ của con. Trong những năm con làm việc cùng với sứ vụ của cha và trong nhiệm vụ chữa bệnh, trước đây con chưa bao giờ nghĩ đến điều đó như hôm nay con cần phải tha thứ cho bà ta như thế nào”. Tha thứ cho cha, mẹ, chị em, anh em, người thân và bạn đời của mình, đó luôn là điều cần thiết. Có thể bạn cũng cần phải tha thứ cho con cái của mình nữa. Cha mẹ luôn nghĩ một cách chắc chắn và xác quyết rằng con của họ không cho họ đủ tình yêu. Cha mẹ cũng cần tha thứ cho con mình vì chúng không còn là thành viên của Giáo Hội. Một phụ nữ nói với tôi: “Thưa cha, con chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ tha thứ nổi cho đứa con trai của mình vì đã kết hôn với một người con gái Mormon mãi cho đến hôm nay khi nghe cha nói. Nó đã rời bỏ Giáo Hội Công giáo để gia nhập vào giáo phái Mormon. Bây giờ con nhận ra rằng con đã phẫn nộ như thế nào và không bao giờ tha thứ cho nó. Điều đó đã làm con đau khổ rất nhiều cho đến khi con nghe cuộc nói chuyện của cha, và con tha thứ cho nó”. Chúng ta cũng cần tha thứ cho họ hàng ruột thịt. Sẽ có sự can thiệp trong gia đình bằng cách nào đó và đặc biệt là dâu rể của mình.

Các đồng nghiệp cần phải được tha thứ vì gây ra bất đồng trong văn phòng hoặc trong công việc. Trên thực tế, những người trong ban quản trị nói với tôi rằng gìn giữ mối hòa khí giữa các đồng nghiệp là một trong những vấn đề chính và khó khăn nhất của họ. Ông chủ, nhân viên, hàng xóm và những người trong giáo xứ cần được tha thứ. Chúng ta cần tha thứ cách đặc biệt cho Giáo Hội. Tôi không tin bạn có thể được nuôi dạy trong bất cứ tôn giáo nào mà tránh khỏi bị tổn thương. Trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta cần tha thứ cho các giám mục, linh mục, nữ tu, thành viên hội đồng giáo xứ, bề trên vì những tổn thương của mình trong quá khứ và hiện tại.

Bản chất của việc chữa bệnh hiệu quả là sự tha thứ. Chúng ta có thể cần phải tha thứ cho những người thực hành nghề chuyên môn: bác sĩ, y tá, luật sư, thẩm phán, giáo viên. Chúng ta có thể cần tha thứ cho bạn bè. Cũng có thể một người trong cuộc sống đã làm bạn tổn thương nhiều nhất. Người đó là ai? Tôi nghĩ rằng khi bạn kết thúc khóa học về quá trình chữa bệnh này, bạn sẽ biết tên của một người đã làm bạn tổn thương nhiều nhất. Nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ ai, hãy cầu nguyện và cầu xin Chúa Thánh Thần mạc khải danh tính của người đó. Sau đó bạn có thể biết người cụ thể đó trong tâm trí bạn và đưa ra một quyết tâm tha thứ. Để thực hiện quyết tâm, bạn hãy lãnh nhận Thánh Thể vì người đó vào lần tiếp theo bạn tham dự thánh lễ.

Để mở lòng mình cho sự tha thứ, chúng ta sẽ nói lời cầu nguyện tha thứ. Thật ra, lời cầu nguyện sau đây không phải là một phần của nghi thức sám hối, tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm là nếu chúng ta có thể dành thời gian để nói lời cầu nguyện tha thứ bên ngoài thánh lễ, thật hữu ích trong việc mở lòng mình để xứng đáng đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Cũng trong việc cử hành Thánh Thể chúng ta có thể tập trung vào một người hoặc một khu vực trong cuộc sống mà chúng ta vẫn cảm thấy không thoải mái hoặc xung đột trong nghi thức sám hối. Nhiều người sẽ nhận thấy việc thực hành này có tác dụng chữa lành và giải thoát bản thân.

Hãy hình dung Đức Giêsu với đôi bàn tay của Ngài đặt trên đầu bạn khi Ngài nói: “Hôm nay, Ta đến để giải thoát con. Hãy đi sâu vào trong thung lũng của sự tha thứ và sẽ được giải thoát”.


Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập