|
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH THÁNH GIA
Môi trường gia đình là mảnh đất đầu tiên để Ngôi Hai Thiên Chúa học cách làm người, học lối ứng xử của một con người. Để có thể là một con người trọn vẹn theo đúng nghĩa, Đức Giêsu cần có một người mẹ để có thể được cất khóc tiếng chào đời và cần một người cha để được bao bọc chở che. Nếu không có những giọt mồ hôi của Thánh Giuse và không có những hy sinh âm thầm của Mẹ Maria, chưa chắc Đức Giêsu có thể lớn khôn, trưởng thành trên mọi phương diện như Tin Mừng mô tả. Tin Mừng có nói đến việc Đức Giêsu trở về Nadarét, hằng vâng phục cha mẹ và ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. Như thế gia đình là trường học; nơi đó, Đức Giêsu đã sống 30 năm để chuẩn bị mọi mặt cho việc chu toàn bổn phận Thiên Chúa Cha đã trao phó. Bên cạnh đó, khi trở về Nadarét dưỡng nuôi Đức Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria cũng trở nên mẫu gương cho các bậc làm cha làm mẹ khi kiên nhẫn “suy niệm trong lòng” những điều chưa hiểu về chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi người con của mình. Những khía cạch đó cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi thánh ý Thiên Chúa. Thật là ý nghĩa khi vào lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia. Bởi vì, Thánh Gia làm sáng tỏ các chiều kích đã có trong mầu Giáng Sinh, đó là: 1/ Dù Hài Nhi Giêsu là “Ngôi Lời” được hoài thai, được cưu mang và sinh ra lạ lùng như thế nào đi chăng nữa, thì cũng phải được đón nhận vào trong một gia đình cụ thể, và qua một gia đình, Ngài được đón nhận vào một gia tộc, vào một dân tộc và vào gia đình nhân loại. Thánh sử Mátthêu làm rõ chiều kích này của mầu nhiệm Nhập Thể, khi viết bản gia phả của Đức Giêsu ngay trang đầu tiên của sách Tin Mừng. Tiến trình Ngôi Lời “nhập thể”, nghĩa là làm người vẫn chưa trọn vẹn, nếu Ngài chỉ mặc lấy nhân tính cách mơ hồ. Đức Giêsu không trở nên con người chung chung, nhưng trở nên con người có tên là Giêsu Nazareth, có dòng tộc, có gia phả. 2/ Điểm thứ hai chúng ta cần chú ý khi chiêm ngắm Thánh Gia đó là Hài Nhi Giêsu được đón nhận như một ơn huệ tuyệt đối đến từ Thiên Chúa. Chính vì là ân huệ nên cha mẹ được mời gọi dâng lại cho Chúa, nghĩa là từ bỏ quyền làm chủ chính đứa con mà mình sinh ra. Tổ Phụ Abraham được mời gọi hiến tế Isaac và Mẹ Maria, Thánh Giuse cũng đem con lên Giêrusalem để dâng tiến cho Chúa. Đây là một sứ điệp vừa quan trọng và vừa sâu xa mà Thánh Gia ngỏ với tất cả các gia đình: những đứa con ruột thịt do chính mình sinh ra, nhưng bố mẹ và cả nhà, cả gia tộc được mời gọi đón nhận đứa bé đó như một ơn huệ đến từ Thiên Chúa. Mọi đứa con vừa là con của bố mẹ, vừa là con của Thiên Chúa, vừa thuộc về Đại Gia Đình của chính Thiên Chúa. Mọi đứa con đều là ơn huệ của Thiên Chúa và được mời gọi nhận ra và sống ơn gọi đến từ Thiên Chúa. 3/ Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ và chúng ta thấy mọi người đến bái gối thờ lạy một Hài Nhi vì Hài Nhi ấy không chỉ là Con Thiên Chúa làm người, nhưng đó còn là một ân sủng sự sống, ân sủng trọng đại mà Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng ân sủng sự sống quý giá ấy lại mang hình hài của một thơ nhi mỏng manh và yếu đuối. Mẹ Maria phải nâng niu Hài Nhi bé bỏng trong vòng tay ấm áp của Mẹ. Ân sủng nào cũng cần được nâng niu và trân trọng, cần được đón nhận và dưỡng nuôi. Chỉ cần một chút ích kỷ, con người luôn có thể chặn đứng con đường sự sống ấy. Chỉ cần một chút ác tâm, con người sẵn sàng vứt bỏ sự sống Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Đau đớn biết bao khi ngày nay chúng ta phải chứng kiến nhiều cha mẹ trẻ từ khước sự sống là chính máu mủ ruột thịt của mình. Lý do chỉ đơn giản là vì sự chào đời của sự sống mới ấy sẽ khiến cho cuộc đời của họ mất đi một chút tiện lợi, mất đi một chút tự do, mất đi một chút danh giá… Họ làm ngơ với tiếng nói của lương tâm, để kéo lê cuộc sống mình trong nặng nề ích kỷ. Họ từ khước dễ dàng sự sống phát sinh nơi mình, mà quên mất rằng nếu cha mẹ của họ đã khước từ họ như thế thì chẳng bao giờ họ có mặt trong cuộc đời này. 4/ Cuối cùng, khi chiêm ngắm Thánh Gia như là mẫu gương cho mọi gia đình, chúng ta không thể tránh được một khó khăn ngấm ngầm có ở trong lòng, bởi vì Thánh Gia không phải là một gia đình với vợ chồng con cái theo nghĩa máu mủ ruột thịt thông thường: mọi tương quan trong Thánh Gia đều có gì đó không ổn theo nghĩa của một gia đình bình thường: Trước hết, thánh Giuse đối với Đức Maria và Hài Nhi Giêsu: thánh Giuse mang tiếng là chồng là cha, nhưng như chúng ta đều biết, thánh Giuse chẳng có “sơ múi gì”! Thứ hai, Đức Mẹ sinh ra Hài Nhi Giêsu, nhưng không giống mẹ sinh ra chúng ta; bởi vì Mẹ Maria sinh con mà không cần tác nhân là người nam! Cuối cùng là Hài Nhi Giêsu, cũng không bình thường: Ngài được Đức Mẹ sinh ra, nhưng Ngài còn là Thiên Chúa, từ thuở đời đời. Như vậy trong các tương quan nêu trên, tương quan của thánh Giuse với Đức Maria và với Đức Giêsu có khó khăn hiển nhiên nhất và toàn diện nhất. Hơn ai hết trong Thánh Gia, thánh Giuse đã vượt qua tương quan máu mủ huyết thống để đón nhận Maria và Hài Nhi Giêsu theo ý muốn của Thiên Chúa. Thế mà, tương quan thân thiết dựa trên việc vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, chính là tương quan của Nước Trời. Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói chắc chắn rằng, trước khi công bố lời này, Đức Giêsu đã kinh nghiệm được tương quan mới mẻ này nơi thánh Giuse. Như thế, sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thánh Gia chính là chúng ta được mời gọi xây dựng tương quan Nước Trời bằng cách vượt qua tương quan huyết thống, nhưng qua việc lắng nghe và sống Lời Chúa ngay trong gia đình của mình. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chứng kiến rất nhiều những đổ vỡ của các gia đình. Chúng ta cần duyệt xét xem đâu là nguồn gốc phát sinh ra chuyện vợ chồng không còn yêu thương nhau, nhưng đổ trách nhiệm cho nhau, chuyện anh em không còn quý mến nhau, nhưng sát phạt nhau, hành hạ nhau, chì chiết nhau. Có phải là do những gia đình ấy không tìm kiếm ý Chúa hoặc đã gạt Chúa ra bên ngoài cuộc sống của mình. Xã hội ngày nay coi trọng bạc tiền hơn tình nghĩa. Họ xem tình yêu chỉ như một trò chơi để khuây khỏa, xem lòng nhân nghĩa nhẹ tựa lông hồng. Họ đặt tất cả những giá trị trên cán cân lợi ích. Rốt cuộc, những tư lợi ấy chỉ dẫn họ đến chỗ tự tiêu hủy bản thân, gia đình và tất cả các tương quan khác. Thánh vịnh 127 đã chỉ vẽ cho chúng ta biết đâu là điều cần làm để gia đình được hạnh phúc: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Ðó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ítraen vui hưởng thái bình”. Có nhiều yếu tố làm lung lay mái ấm gia đình, vốn là nền tảng cho sự lớn lên của từng người và của cả xã hội. Khi chiêm ngắm Thánh Gia nơi háng đá và cuộc sống ẩn dật tại Nadarét, chúng ta cảm nhận Thánh Gia thực sự đã trở nên mẫu gương cho các gia đình và chúng ta được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho các gia đình. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho các nỗ lực của chúng ta hiện nay, trực tiếp và gián tiếp lo cho hạnh phúc của các gia đình; và xin cho chúng ta dấn thân hơn nữa theo hướng phục vụ các mái ấm gia đình, để các gia đình trở nên những tổ ấm yêu thương và trở nên những chứng ta sống động cho sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa Tịnh Lam,sss
|