(Tiếp theo kỳ trước…)

Bài 31

Bẻ bánh

 

Lạy Chúa Giêsu, hành động của Chúa khiến các môn đệ gọi Thánh Thể là “bẻ bánh” là điều đáng ngạc nhiên hay rất đỗi bình thường? Tại bữa tiệc ly, khi Chúa bẻ bánh và tuyên bố rằng đây là mình Thầy sẽ bị đâm thâu và đổ máu trên thập giá, thì những lời đó đã đánh động các môn đệ. Trong vòng khoảng ba năm trước đó, chắc chắn vẫn diễn ra nghi lễ Chúa bẻ bánh cùng với các môn đệ trước các bữa ăn. Nhưng chính trong bữa tiệc ly, những lời mầu nhiệm của Chúa đã biến hành động bình thường này trở nên một hành động phi thường độc nhất.

Những gì đã xảy ra ở Emmau là một điều lạ thường khác nữa. Đầu tiên, lạy Chúa, Chúa đã đưa hai môn đệ trở về nhà sau một hành trình. Ba năm sống với Chúa mà lúc này họ lại không nhận ra Chúa ư! Thật ngạc nhiên làm sao! Có lẽ Chúa muốn họ được thức tỉnh dần dần đối với sự hiện diện của Chúa sau khi trỗi dậy từ cõi chết. Đầu tiên, trái tim của họ đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Sách Thánh trên đường về Emmau. Sau đó, khi Chúa ngồi xuống cùng ăn tối với họ và cử hành nghi thức quen thuộc, họ đã được đánh động, mắt họ đã mở ra và họ nhận ra Chúa khi bẻ bánh. Có phải điều này đã xảy ra bởi vì nghi thức quen thuộc đã khơi gợi nơi họ những kỷ niệm của nhiều bữa ăn mà Chúa đã cùng ăn uống với họ chăng?

Ngạc nhiên hay bình thường: khi bẻ bánh, có lẽ chúng con sẽ luôn ngạc nhiên về sự phung phí tình yêu, lòng từ bi và độ lượng của Chúa. Chúa ban cho chúng con thân xác Chúa được “bẻ ra”, để bày tỏ cho chúng con thấy rằng Chúa đã đồng hóa chính bản thân Chúa với “sự bể nát” của chúng con. Nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con nhàm chán với nghi thức bẻ bánh quen thuộc này. Đôi lúc, Chúa vẫn tỏ lộ chính Chúa cho chúng con qua những việc tầm thường, những tình huống quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Lạy Chúa, chúng con được biết rằng khi Chúa bẻ bánh trong bữa tiệc ly, Chúa đã truyền tải một ẩn ý, một biểu tượng; Chúa thể hiện một hành động yêu thương, một hành động đầy thi vị. Chúa bẻ bánh để làm cho linh động những gì sẽ xảy ra trên thập giá, khi thân mình Chúa phải chịu bao đau đớn khổ nhục cho tới chết. Chao ôi! Cách Chúa bị “bẻ ra” cho chúng con thật đau đớn và tàn nhẫn làm sao! Khi chúng con ngắm nhìn thánh giá diệu kỳ được đính với biết bao ngọc ngà quý báu, xin đừng để chúng con quên đi sự tàn bạo khốn khổ đau thương của thập giá.

Bất cứ cái gì bị bẻ ra, cũng phải chịu đau đớn. Nó sẽ mất đi sự hoàn hảo và nguyên vẹn. Bẻ ra sẽ gây nhiều nỗi đau. Thật đau lòng khi chúng con nhìn thấy những mái ấm gia đình tan vỡ, nơi đó, trẻ em trở thành là những nạn nhân bơ vơ lạc lõng. Thật đau lòng khi chúng con biết rằng mối quan hệ xã hội bây giờ đang ở trong tình trạng không có sự gắn kết, không có sự chia sẻ thông cảm, không có sự giúp đỡ gì cả và ai cũng lo thu về để có cái lợi nhất, cái an toàn nhất cho mình ngay cả khi chúng ảnh hưởng xấu đến những anh chị em xung quanh. Người ta dễ dàng phá bỏ lời hứa và làm đổ vỡ các mối quan hệ. Ngay cả tiếng động của một cái đĩa bị bể thành từng mảnh cũng làm cho đôi tai chúng con khó chịu. Vì thế, lạy Chúa, khi Chúa bẻ bánh, Chúa dạy chúng con rằng không vật gì có thể chia sẻ được, nếu như trước đó nó không bị bẻ ra. Và thật đau đớn khi bị bẻ ra. Quả thực, hy sinh là ngôn ngữ của chia sẻ. Trong thánh lễ, bánh được bẻ ra để chia sẻ; bánh được chia sẻ để biểu lộ tình yêu của Chúa.

Là thừa tác viên cử hành Thánh Thể, các tư tế bẻ bánh để nhắc nhở cho chính các vị rằng cuộc đời họ cũng phải được “bẻ ra” để phục vụ anh chị em mình. Hàng ngày các linh mục phải từ chối những gì quá dễ dãi, tiện nghi, hưởng thụ hay đam mê cá nhân mà bản chất của bất cứ con người nào cũng luôn thích thú và mong ước trong cuộc sống, bởi vì thừa tác vụ linh mục mời gọi họ trở nên những vị mục tử mọi lúc mọi nơi. Bẻ bánh là một biểu tượng hùng hồn và đầy uy lực trong linh đạo của linh mục.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho các linh mục của Chúa. Chúa đã kêu gọi các ngài thi hành sứ vụ tận hiến cao cả này: xin thêm sức cho các ngài để các ngài cam kết dấn thân bẻ bánh đời mình mỗi ngày một cách trung thành và với một tâm tình hân hoan. Amen


 

Lm. Phạm Đình Ái, sss chuyển ngữ

(Từ tác phẩm Meditation on the Mass

của Lm. Anscar J. Chupungco,osb)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập