Bài 20

NƯỚC VÀ RƯỢU

 

Lạy Chúa Giêsu, tính hiếu kỳ của con trỗi dậy trước thực hành lạ thường trong phần chuẩn bị lễ vật khi linh mục chủ tế đổ vài giọt nước vào chén rượu. Phải chăng Chúa cũng đã làm như thế ở Bữa Tiệc Ly? Nếu là loại rượu mới cất và Chúa phải uống đến bốn chén rượu như là một phần của nghi thức, thì con cho là nước pha vào rượu sẽ làm giảm đi độ cồn của rượu cho dễ uống. Có lẽ vì uống nhiều rượu mà các môn đệ của Chúa hầu như không thể mở mắt được khi Chúa đổ mồ hôi máu trong vườn Giệtsimani.

Thói quen hoà nước với rượu đã có từ rất xa xưa đến nỗi bây giờ ý nghĩa nguyên thuỷ của nó cũng mất đi theo chiều dài của lịch sử. Lạy Chúa, con sẽ phải làm gì đây? Thánh Giám Mục Cypriano thành Carthage đã ghi chú khéo léo về ý nghĩa biểu tượng trong nghi thức này: Chúa là rượu và chúng con là nước. Con có thể suy ra rằng khi nước và rượu hoà lẫn với nhau, chúng con cũng sẽ được liên kết chặt chẽ với Chúa. Vì thế, chén rượu và nước biểu hiện cho sự kết hiệp thường xuyên giữa chúng con và Chúa. Khi chúng con nhận ra ý nghĩa biểu tượng của chén là nỗi khổ đau, con liền bàng hoàng và thức tỉnh. Con sẽ mãi kết hiệp với cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Lạy Chúa, đây là một gánh nặng nhưng cũng là một vinh dự cho con. Con sẽ cầu nguyện cùng với Chúa mà thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha”.

Nhiều khi những biểu tượng che đậy thực tại. Khi phẩm chất rượu sút giảm hoặc rượu bị chua, người ta cho thêm nước vào. Con nghĩ về Giáo Hội thời sơ khai với số lượng người nghèo trong cộng đoàn bấy giờ khá nhiều. Họ chỉ có thể mang duy nhất một loại rượu mà họ có khả năng: đó là loại rượu rẻ tiền vốn được phục vụ tại bàn ăn. Nước sẽ làm dịu độ chua và độ nồng của rượu.

Lạy Chúa, con được kể lại rằng Giám Mục Cypriano đã khiển trách một phụ nữ giàu có khi bà không dâng tiến lễ vật khi tham dự thánh lễ, lại còn dám ăn bánh dành cho người nghèo. Những lời khó nghe của Ngài không những thực sự khai lòng mở trí người ta mà còn làm sáng tỏ sự thật về thánh lễ. Đó là thánh lễ của người nghèo, những người đã hào phóng dâng tiến từ những của cải nghèo hèn của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn chính họ. Đức Giáo Hoàng Lêô đáng kính đã có một nhận định sắc bén: “Nhiều người không có khả năng cho đi nhiều như người khác nhưng tình yêu bên trong trái tim họ lại ngang nhau”. 

Thực hành này vẫn đang tiếp tục diễn ra ở các giáo xứ giàu có nhất cũng như khó khăn nhất. Rượu và nước hoà lẫn với nhau nói lên rằng Giáo Hội của chúng con, lạy Chúa, luôn là Giáo Hội của người nghèo; Giáo Hội luôn xác quyết rằng Giáo Hội không chỉ ra sức làm việc vì lợi ích của người nghèo mà cũng là một Giáo Hội nghèo. Con khám phá ra rằng trong sự hoà lẫn nước và rượu có một dấu chỉ của một phong cách sống trái ngược với thế gian: khó nghèo có thể là một nhân đức gắn liền với thừa tác viên của Chúa được sai đi để phục vụ người nghèo vốn bị vướng bận bởi những gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Rượu và nước trộn lẫn với nhau là một lời nhắc nhớ kịp thời rằng sống giữa thế gian giàu có và hào nhoáng thì thừa tác viên của Chúa sẽ phải sống trong sự đơn nghèo.

Lạy Chúa, Ngài đến thế gian trong cảnh nghèo khó, sống khó nghèo và chết khó nghèo. Phải chăng con đã không nghe Ngài than phiền rằng Ngài không sở hữu dù chỉ một hòn đá để gối đầu sao? Khi con giàu có cho chính bản thân mình, Ngài nghiêm sắc mặt nói với con rằng: sự giàu có của con là sự ghê tởm trong mắt Ngài. Khi con trở nên nghèo khó vì lợi ích của anh chị em, Ngài tươi cười rạng rỡ nói rằng: sự khó nghèo của con là sự vô giá trong ánh mắt của Ngài. Lạy Chúa, xin cho con luôn ở lại trong chén cay đắng, nghèo khó và độ lượng của Ngài. Amen


 

Lm. Phạm Đình Ái, sss chuyển ngữ

(Từ tác phẩm Meditation on the Mass

của Lm. Anscar J. Chupungco,osb)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập