“E rằng ngày mai quá trễ!”

 

Nhiều người cho rằng: "Quá khứ thì đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại". Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất cả cuộc sống! Nếu ta quá ưu tư về quá khứ, quá lo nghĩ về tương lai, để luôn đắm chìm trong sự bất an, ta sẽ không có hạnh phúc, dù là người có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều danh tiếng...

Đúng là như thế, vì hiện tại, ngay bây giờ và tại nơi đây mà ta không sống qua các việc làm, không chịu bắt tay vào bất cứ việc gì…, thì đợi đến bao giờ ta mới khởi sự, mới bắt tay…? Để mà có ngày đạt kết quả, một kết quả tốt đẹp. mỹ mãn…

Bởi vậy, có người đã nhấn mạnh là ngày mai chính là ngày hôm nay. Hôm nay không có gieo vãi thì làm sao ngày mai có cái để mà thu hoạch? Nếu không phải là một con số không to tướng!

Như vậy, chắc chắn một điều không sai chạy, là hôm nay không có bước bắt đầu thì sẽ không có được ngày đi đến kết thúc!

Nói cách khác, với nhiều người, "ngày mai" chỉ là cơ sở để trì hoãn công việc mà mình cần thực hiện, rồi theo tình trạng này tiếp theo là càng ngày càng lười, công việc càng rối, không thu xếp được vấn đề của bản thân, trong đó có cả mình….

Chính vì thế, mà cha thánh Eymard đã mạnh mẽ, dứt khoát trước lời mời gọi của người chị Maria thân yêu khi bắt gặp cha rời bỏ giáo xứ đang đảm nhiệm để vào Dòng Đức Mẹ “ hãy tạm thời lui lại một ngày nữa thôi trước khi vào Dòng ” khi cho rằng “ E rằng ngày mai quá trễ!”

Để rồi nhìn vào sự nghiệp của ngài qua việc thánh giáo hoàng Gioan 23 tôn phong qua lời lẽ “ Chân phúc Eymard, hiển tu, được suy tôn là Đấng Thánh và ta ghi tên người vào sổ các Thánh để lưu danh Người muôn đời trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo ” vào dịp ngài được phong thánh ngày 03/12/1962. Ngày 9/12/1995, Đức Gioan Phaolô II khi ghi tên Thánh Eymard vào lịch phụng vụ Giáo Hội với ngày kính nhớ 2 tháng 8, Đức giáo hoàng đã nhìn nhận thánh nhân là "Tông Đồ ưu tuyển của Thánh Thể." giúp tôi nhận ra ý nghĩa và giá trị của cuộc sống hiện tại.

Đất nước Pháp của ngài vào thời đó vừa trải qua một cuộc cách mạng lớn 1789, một cuộc cách mạng được mệnh danh là “ Đánh đổ chế độ phong kiến, lập nên chế độ tư sản.”. Và trong cuộc cách mạng này, Giáo Hội Công Giáo cũng bị ảnh hưởng một cách trầm trọng, vì sau đó, cuộc cách mạng này còn thể hiện qua việc vượt biên giới để qua tận nước Ý bắt Đức giáo Hoàng Pio VI đã 82 tuổi, lột bỏ áo chức và huy hiệu giáo hoàng. Nhốt ngài vào tù xa, giải về Pháp. Tuổi già sức yếu với quãng đường hơn 1.000km dằn vặt. cho nên khi đưa đến Valence nơi tù đầy, ngài đã trở thành hom hem, tiều tụy và kiệt sức cho đến chết ngày 24-8-1799.

Với bối cảnh như thế, dĩ nhiên là Giáo Hội bị loại trừ, các vị trong hàng ngũ lãnh đạo cũng không có cơ hội thực hành sứ vụ của các ngài, và nhất là các gia đình Công Giáo bị ảnh hưởng không kém! Gia đình cha Eymard cho dù bị chi phối bởi xã hội, cùng ảnh hưởng của Giáo Hội, và bối cảnh gia đình của cha, nhưng việc đạo đức vẫn được gia đình, nhất là qua người mẹ duy trì.

Do đó, ngày từ bé, ngài đã thấm nhuần lòng đạo đức, tôn sùng Thánh Thể một cách đặc biệt. Khi được phép rước lễ lần đầu, ngài đã làm một cuộc hành  hương đến với Đức Mẹ, để dọn lòng cho xứng đáng, cho dù đoạn đường khá dài 80km.

Mặc dù là sống trong một hoàn cảnh thiếu những điều kiện cần thiết, nhưng ngài vẫn cố gắng bao nhiêu có thể để chuẩn bị tương lai cho bản thân, đặc biệt là niềm tin.

Như khi cha Eymard bày tỏ ý định đi tu, người cha không đồng ý, vì cả gia đình chỉ có một mình ngài là con trai duy nhất. Người cha đã tìm đủ cách để làm cho Eymard quên ý định đó, như bắt làm việc, không tạo cơ hội học hành tiếp tục và nhất là có ý định lập gia đình cho ngài…

Khi cha Dòng thừa sai Đức Mẹ biết được ý định tốt lành của Eymard, cha đã chúc lành và gợi ý qua những việc cần phải làm trong lúc này. Cha nghe lời và bắt đầu thể hiện niềm tin qua việc học tiếng La tinh cũng như siêng năng việc rước lễ…

Như vậy, với một lòng tin tưởng vào thánh ý Chúa, ngài đã không ngã lòng trước thử thách, luôn cậy trông vào sự cầu bầu của Đức Mẹ, như khi được tin người mẹ thân yêu qua đời, ngài đã chạy đến nương nhờ nơi Đức Mẹ; như khi biết tin cha xứ không có thiện cảm khi viết giấy giới thiệu vào chủng viện, ngài đã cùng với chị Maria đến trước tượng Đức Mẹ mà cầu xin Đức Mẹ thương nâng đỡ ngài trong lúc cùng đường này.

Chính khi ngài đã dốc tâm chuẩn bị cho ngày mai ngay từ bây giờ, ngài đã có được những bước đường thuận lợi khi trở thành vị linh mục, đạo đức, thánh thiện, được lòng cha xứ và mọi người khi ngài là cha phó giáo xứ Chatte.

Trước những thành quả mà cha đạt được, cha xứ cũ của cha ở quê hương mới nhận ra ngài đích thực là người của Chúa, để rồi như là chuộc lại sự nghi ngờ ngày xưa, ngài đã can thiệp để ngài được Đức giám mục giáo phận của về giáo xứ Monteynard với vai trò là cha chánh xứ.

Tại giáo xứ mới, ngài đã làm trọn nhiệm vụ được Đức giám mục trao phó, bởi vậy khi ngài xin vào Dòng Đức Mẹ, Đức giám mục đã hãnh diện để viết thư giới thiệu là “ linh mục yêu quý, ưu tú bậc nhất của giáo phận…”

Trong thời gian làm tu sĩ Dòng Đức Mẹ, nhiệm vụ nào ngài cũng hoàn thành xuất sắc. Bởi vậy, khi ngài bày tỏ ý định rời Dòng Đức Mẹ, để lập một Dòng mới ai cũng tiếc, đến nỗi một thầy già trong Hội Dòng đã mạnh mẽ phát biểu, gán cho ngài một lời quá nặng nề “ đồ kiêu ngạo!”. Ngài đã băn khoăn, để thưa chuyện với Chúa, sự việc đó là như thế nào?

Khi Dòng Thánh Thể đang dần dần được hình thành niềm vui xuất hiện nơi cha Eymard mỗi lúc một rõ rệt, tuy nhiên bên cạnh đó những khó khăn luôn rình rập nơi Hội Dòng, để không ít lần cha chỉ còn biết đặt mọi sự vào Chúa Giêsu Thánh Thể.

Như là khi Dòng Thánh Thể đang trong giai đoạn xây dựng, ngài bị một vố đó là việc người bếp biển thủ hết tiền bạc…Ngài cầu nguyện và phó thác mọi sự vào Chúa Giêsu Thánh Thể.

Chướng ngại tiếp theo là khi Đức Hồng y Morlot thay thế Đức Tổng giám mục Sibour giáo phận Paris bị ám sát chết bất ngờ, đã lên án Hội Dòng của ngài, bỏ qua các giấy tờ có liên quan…Thậm chí linh mục phụ trách các dòng tu còn xé bỏ các giấy tờ ấy và vứt vào thùng rác! Ngài vẫn bình tĩnh để sau này cha chánh văn phòng Tòa giám mục hiểu chuyện giúp ngài có thiện cảm với Đức Hồng y, và sau này kính phục cha nhiều hơn.

Tới khi Dòng Thánh Thể, tạm ổn định thì người đồng chí hướng lại tách rời dòng để lập một dòng Thánh Thể khác. Nếu cha không có sự bình tâm thì làm sao có thể nói được những lời nói tốt đẹp với người bạn một thời đã hết lòng về Hội Dòng này? “ Việc cha làm…Cha cứ tiến hành, nếu vì lý do nào đó mà không thành, cha cứ trở về với chúng tôi. Tôi sẽ coi đó là việc của tôi…”

Ngoài ra, vào những ngày cuối đời qua cơn bệnh hoạn hoành hành dữ dội, cha luôn sống trong sự bình an. Nếu không có tấm lòng liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, thì làm sao Ngài có được tâm tình ấy? Như tâm tình mà Thánh Phaolo đã bày tỏ “ Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy” ( 2 Tm 4,6-8 )

Như vậy, cho thấy hạt giống tốt đã có sẵn chỉ còn chờ đất tốt nữa thôi để hạt giống tốt có cơ hội nẩy mầm, vươn lên và đơn bông kết trái. Vì thế, nếu ngay bây giờ, ngay tại chốn này ta không biết bắt tay vào việc thì còn chờ đến bao giờ nữa?

Điều ta đừng có bao giờ quên là, dịp may chỉ đến với ta có một lần duy nhất, không hề có lần thứ hai. Và dịp may ấy đến ngay bây giờ, ngay tại nơi đây, chứ không phải là ở chốn nào xa xôi…

Vì vậy, ta đừng có bỏ lỡ cơ hội hay dịp may đến, vì trước sự việc ta sống có người đã nói “ không thành thánh thì cũng thành nhân…”

Hay tương tự một luận điểm nổi tiếng của nhà triết học cổ đại người Hy Lạp là Heraclitus (khoảng 535 TCN – 475 TCN) “Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông”.

Lỡ một chuyến tầu thì hy vọng có thể dùng phương tiện khác, nhưng lỡ một giây phút sống “ Đạo đức, tốt lành, thánh thiện…” thì e rằng sự tiếc nuối, ân hận…cả một đời không thể bù lấp được!!! Do đó, đừng quên lời cha thánh Eymard đã nói “ E rằng ngày mai quá trễ!”

 

Thiên Quang sss

Điều để lại

Vùng trời nơi đây hôm nay, có vẻ nắng hơi chói chang một tí! Nhưng xét cho cùng thì trong ngày nhà thờ An Chu thuộc giáo xứ Bùi Chu của giáo phận Xuân Lộc mừng khánh thành, đặc biệt là mừng kỷ niệm kim khánh linh mục của cha chánh xứ Giuse Đinh Nam Hưng thì thật là tuyệt vời.

Qua bầu trời cùng khung cảnh của nhà thờ và đoàn người đông đảo hiện diện càng làm cho đoạn đường dài của cha đặc biệt là quãng đưỡng 50 năm linh mục với biết bao thăng trầm càng đong đầy ý nghĩa và giá trị…

Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, mặc dù ngày xưa sau năm 1975, vùng này tôi đã nhẵn chân! Vì hồi đó đây là vùng đồi núi hoang vu, khô cằn không có mấy ai mặn mà canh tác, chúng tôi tìm đến để lao động cho qua ngày, cũng như là để nói với những người khác trong xã hội là chúng tôi cũng biết lao động và có đất để lao động không cần phải đến vùng kinh tế mới nào đó hẻo lánh, xa xôi, đầy khó khăn, vất vả, gian nan…

Nhưng nay hơn 40 năm, nơi đây đã thay da đổi thịt, nhà cửa san sát nhau, đất trở nên có giá trị chẳng thể nào ngờ! Bởi vậy, khi nhận được tấm thiệp mời mừng lễ, tôi đã đọc bản chỉ dẫn một cách tường tận, để biết rõ vị trí của ngày lễ. Bản chỉ dẫn thật là rõ ràng và chỉ có một quãng ngắn thôi, không có dài hay ngoằn ngèo gì… nhưng tôi cũng phải thận trọng dò từng bước, kẻo lỡ đi trật thì khốn. May quá, đúng là một quãng đường ngắn và đầu đường dẫn vào nhà thờ đã có những người hướng dẫn tận tình, thế là yên tâm, không còn lo lắng chi.

Con đường nhỏ hẹp dẫn vào nhà thờ, để khi nhìn  thấy nhà thờ, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Rộng và to lớn quá chừng! Tới khi vào bên trong tôi mới thấy sự nguy nga, hoành tráng của khuôn viên nhà thờ, và tôi còn được giới thiệu là vào trong nhà thờ mới còn thấy nhiều điều lạ lùng hơn nữa!

Tới giờ đã ấn định, đoàn đồng tế gồm có hai Đức giám mục giáo phận Long Xuyên và Xuân Lộc di chuyển từ phòng khách đến cuối nhà thờ và tiến lên trong tiếng kèn vang vọng. Nhịp nhàng từng bước, giúp tôi có thời gian quan sát mọi việc. Trước hết là nhà thờ hoành tráng thật. tôi phải ngước lên cao thật là cao mới nhìn lên tới cây thánh giá ở đỉnh tháp nhà thờ. Ngay bậc lên thôi, bước lên cũng đã thấy vất vả rồi. Khi vào trong nhà thờ tôi lại ngỡ ngàng được thấy một không gian rộng lớn, nhưng không thiếu vẻ ấm cúng như muốn lôi kéo, như muốn thu hút mọi người lắng đọng tâm hồn để bước theo bàn tay Chúa dẫn dắt…

Đúng như lời Đức giám mục giáo phận Xuân Lộc đã bày tỏ cảm nghĩ của ngài với cha Giuse cũng như với cộng đoàn đang hiện diện “ Cha là một món quà quý báu mà Thiên Chúa gửi tới giáo phận…”

Quả thật là như vậy. nhìn vào tiểu sử của cha Giuse thì sẽ thấy rõ, nguyên gốc của ngài là giáo phận Bùi Chu – miền Bắc – Sau đó, vì hoàn cảnh xã hội, ngài lưu lạc vào Miền Nam, nhưng gốc Bắc ngài vẫn giữ. Để khi không sao được, ngài đã gia nhập giáo phận Long Xuyên, chứ làm sao lại là giáo phận Xuân Lộc được? Tại nơi đây, ngài đã từng giữ nhiều chức vụ trong sứ mạng phục vụ của ngài. Thế rồi, thêm một lần nữa hoàn cảnh xã hội đưa đẩy qua biến cố 1975, để ngài dứt áo khỏi giáo phận Long Xuyên trở về Miền Bắc trong vai trò “ học tập, cải tạo”. Cuối cùng khi hết thời hạn, ngài đến tạm trú tại vùng đất thuộc giáo phận Xuân lộc…

Khi đến ngày, xã hội công nhận danh phận của cha Giuse, ngài chính thức trở thành thành viên của giáo phận Xuân Lộc với nhiệm vụ là cha phó của giáo xứ Tân Mai. Khi cha chánh xứ được Chúa gọi về trời, ngài được bài sai đến giáo xứ Thạch An làm cha chánh xứ, rồi tại đây ngài là cha quản hạt, và sau đó là cha chánh xứ giáo xứ Bùi Chu, một giáo xứ có đông người di cư ở giáo phận Mẹ ngoài miền Bắc…

Tuổi đời của cha Giuse đến nay là 78 rồi, nhưng cha vẫn còn phương phi lắm. Chính vì vậy mà cha đã đem lại cho giáo xứ những thành quả tốt đẹp chẳng một ai ngờ. Ngoài những thành quả vật chất nổi bật và rõ ràng như nhà thờ An Chu chẳng hạn, còn những thành quả khác mà có lẽ những người tín hữu ở giáo xứ Bùi Chu này cũng như những người có dịp tiếp xúc với cha đều không thể nào quên được hình ảnh một vị mục tử có lối sống bình dị, hòa nhã trong khiêm nhường, tận tụy hy sinh…

Điều này, nếu chúng ta để ý một chút thì thấy ngay trong thiệp mời mừng lễ của cha đã ghi đậm nét “ Cảm tạ - Tri ân ” hay nói cách khác, cha dựa vào lời thánh vịnh để bộc lộ tâm tình cũng như mong ước một đời của cha:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương …”( Tv 135,1 )

Qua đó, ai cũng nhận ra một điều nơi cha Giuse và nơi mỗi người chúng ta, đó là việc bước theo và phụng sự Chúa không bao giờ chấm dứt khi bao lâu ta còn sống ở trần gian này. Cầu chúc cha Giuse luôn an vui trong hồng ân nhiệm mầu của Thiên Chúa, và cũng xin cho mỗi người chúng ta trong mỗi hoàn cảnh khác nhau luôn biết sống tín thác trọn vẹn trong bàn tay Chúa dẫn dắt.

Thiên Quang sss

 

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập