|
Đức Maria- Mẹ của lòng thương xót
Nếu lật lại các trang sách Phúc Âm, thì Mẹ Maria xuất hiện trong một số khung cảnh. Tuy nhiên, có hai đoạn Thánh Kinh kể về sự hiện diện của Mẹ Maria và đóng vai trò quan trọng trong linh đạo về Mẹ Maria. Đó là việc Đức Mẹ được tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin (x.Lc 1,26-38) và sự kiện Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá (x.Ga 19,26tt). Với việc Mẹ được chọn và được gọi là Mẹ Thiên Chúa, lịch sử của lòng thương xót đã tìm được ý nghĩa trọn vẹn. Thiên Chúa đã chọn Mẹ để cùng cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ, hay nói một cách khác là một công trình thực thi lòng thương xót. Trước hết, theo như lời sứ thần Gabriel -Mẹ là người “đẹp lòng Thiên Chúa”. Mẹ ý thức được điều này: không phải tự mình mà Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa, mà tất cả đều do ân sủng của Thiên Chúa, và vì thế mọi lời ca tụng đều hướng về Thiên Chúa. Mẹ không thể không thốt lên rằng:“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”. Với bài ca Magnificat, chúng ta thấy rằng, Mẹ đã tóm tắt lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, và Mẹ ca ngợi lịch sử cứu độ này như là lịch sử của lòng thương xót,: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50) Đúng vậy, lịch sử cứu độ trải dài suốt bao nhiêu năm từ thời Ađam cho đến biến cố truyền tin ….. phải đọc ra đằng sau tất cả mọi biến cố đó là một Thiên Chúa thương xót vô bờ. Qua lời xin vâng của Mẹ, Mẹ đã trở nên công cụ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lời xin vâng ấy đã đưa Mẹ vào vị trí của một nữ tỳ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Thật vậy, qua lời xin vâng, Thiên Chúa mới có thể đi vào thế giới này, để nói và để thực thi lòng thương xót. Mặt khác, qua lời xin vâng, Mẹ Maria đã trở nên một Evà mới. Trong khi Evà đầu tiên vì sự bất tuân đã đưa lại cho thế giới này biết bao khổ đau, thì qua lời xin vâng của mình, Evà mới là Đức Maria đại diện của nhân loại đã tháo cởi được nút rối mà Evà cũ đã gây ra. Mẹ Maria – Evà mới đã trở nên một nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, một trinh nữ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng là nguồn của lòng thương xót. Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng chăm nom Đấng Cứu Thế, vị Mục Tử nhân hậu. Chúng ta thấy gì, Đức Maria dẫu là Mẹ Thiên Chúa, với sứ mạng là nữ tỳ của lòng thương xót, Mẹ cũng đi con đường đức tin như mọi tín hữu. Mẹ đã phải đối diện với biết bao thử thách và đón nhận biết bao nhiêu khó khăn: bị từ chối khi tìm một nơi trú ngụ, phải sinh con trong một nơi dành cho chiên bò. Khi sinh con xong, Thánh Cả Giuse và Mẹ đã phải đưa con trốn chạy trước sự lùng sục độc ác của vua Hêrôđê. Một cuộc trốn chạy đầy chông gai và thử thách qua đất nước láng giềng. Mẹ đã bị lạc con và đã phải rong ruổi tìm con với biết bao nỗi âu lo. Và cuối cùng Mẹ đã đau đớn đứng dưới chân Thánh Giá của con Mẹ – Chúa Giêsu, (x.Ga 19,25). Khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá, chúng ta sẽ cảm nhận được tâm trạng của Mẹ: run rẩy, đau xót về những gì Mẹ đã chứng kiến trên con đường khổ nạn của con. Quả thực Đức Maria là duy nhất trong mọi sự chứng kiến về biển tình thương xót của Thiên Chúa qua từng chặng đường thương khó. Mẹ vượt xa trên các thụ tạo khác trong liên hệ với định mệnh con người cả về công nghiệp, thống khổ và vinh quang tương lai. Sự hiện diện và đau khổ tột cùng của Mẹ dưới chân thập giá, một đàng diễn tả tình Mẹ dành cho Chúa Giêsu đang bị những người ác tâm kết liễu cách hãi hùng, đàng khác diễn tả sự quyết tâm sống lời xin vâng của Mẹ. Phần cuối cùng của chỉ riêng Phúc Âm thứ tư, thánh sử Gioan còn diễn tả một hình ảnh thật xúc động: Từ trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trăn trối Mẹ mình cho Gioan, người môn đệ mà Chúa thương yêu, và trăn trối Gioan cho Mẹ mình, người nữ tỳ của lòng thương xót (x.Ga 19,26tt). Dưới chân thánh giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giêsu: “Thưa Bà, đó là con bà”. Chúa Giêsu muốn Mẹ đón nhận thánh Gioan là người môn đệ Chúa yêu thương, trở thành đứa con của Mẹ. Hay nói cách khác trọn vẹn hơn, Chúa muốn đem cả nhân loại này về với người Mẹ luôn yêu thương chăm sóc con mình. Vào giây đầu tiên của biến cố nhập thể, thiếu nữ thành Nadarét đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại, người Mẹ luôn thương xót con cái của mình. Ngay trong thời khắc lòng thương xót đổ tràn trề trên nhân loại tội lỗi, Chúa đã tạo nên một tương quan mới cho Mẹ mình. Trong chính bầu khí của khổ đau, một bầu khí của tình yêu đã được khơi mào. Và với thời gian, bầu khí của tình yêu ấy đã lớn dần và mạnh mẽ, lan toả đến khắp mọi nơi, mọi thời. Bầu khí tình yêu của Mẹ dành cho nhân loại, giờ đây không bao giờ đóng cửa với bất cứ ai. “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”. Qua lời trăn trối này Chúa Giêsu cũng đã đặt nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo Hội, trong lòng mỗi tín hữu. Thật vậy, tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình, vào tâm hồn sâu kín như Gioan, sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo, nhưng họ trở là những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, tràn đầy hân hoan và niềm vui tôn kính và yêu thương Mẹ Maria như hiền mẫu của mình. Vì thế, trong hành trình lưu lạc trên dương thế này, chúng ta được mời gọi hướng nhìn và kêu cầu cùng Mẹ Xót Thương bất cứ lúc nào. Lời kêu cầu đó có là rên la, với nước mắt, thì Mẹ Maria đều lắng nghe và đoái nhìn tới. Thật vậy, đôi tai của Mẹ Maria luôn lắng nghe những lời kêu than của con cái khổ đau. Đôi mắt của Mẹ không bị mù tối trước những phận người bất hạnh đang lê bước và lưu lạc trên dương thế này. Mẹ Maria giàu lòng thương xót luôn hiện diện và bầu chữa cho chúng ta. Không chỉ dừng ở sự an ủi đó, Mẹ còn đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu, quả phúc bởi lòng Mẹ, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót.
Tuỳ Phong,sss |