HIỆP NHẤT NÊN MỘT TRONG GIÊSU

Đức Giêsu trong những giờ phút cuối đời, trước khi chịu chết trên thập giá, giữa những xung đột và bắt bớ, Ngài vẫn tha thiết cầu nguyện để mọi người được nên hiệp nhất như Ngài với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17, 20-23).

 

Hiệp nhất là nên một giữa những khác biệt. Hiệp nhất không phải là làm cho mọi người đều có cùng một quan điểm, một suy nghĩ. Thực tế, chúng ta rất khác biệt nhau. Dù cùng một màu da, cùng một văn hóa, và cùng một ngôn ngữ; nhưng chúng ta được Chúa dựng nên với những nét độc đáo riêng biệt và với kế hoạch rất riêng Chúa dành cho cho cuộc đời mỗi người. Hiệp nhất được ví như một bức tranh mang nhiều màu sắc khác nhau, nhưng vẫn hài hòa và cùng diễn tả một ý nghĩa hay một chủ đề nào đó. Hiệp nhất cũng được ví như một bản hòa tấu du dương gồm các nốt nhạc cao thấp, mạnh nhẹ khác nhau chứ không phải là tiếng còi tàu một cung hú lên inh ỏi. Chúng ta có thể trở nên hiệp nhất nhờ biết mình đều là con cái cái Chúa, đều mang nơi mình hình ảnh của Ngài.

Sự hiệp nhất không chỉ là hoa trái của nỗ lực riêng mình, mặc dù nếu không có nỗ lực ấy thì không bao giờ có hiệp nhất. Nhưng trên hết và trước hết, hiệp nhất là một ơn sủng. Vì chính Chúa Giêsu đã cầu xin ơn hiệp nhất này trong Bữa Tiệc Ly. Một hội đoàn mà trong đó mọi thành viên khát khao sự hiệp nhất là một hội đoàn khát khao sống Tin Mừng, nơi đó mỗi thành viên thực tâm cam kết, trong lời nói và việc làm, tránh tất cả những gì nuôi dưỡng sự chia rẽ, thiếu tin tưởng, và gây tổn thương, đặc biệt là việc ngồi lê đôi mách, chỉ trích, bè phái, và những điều tương tự. Trung thành với truyền thống của giáo hội sơ khai, nói lên đặc điểm mối quan hệ giữa các thành viên là “một lòng một ý... không không để một ai phải thiếu thốn”, các thành viên trong hội đoàn cũng được mời gọi phấn đấu để cổ vũ tích cực sự hiệp nhất, nhìn thấy trong đó điều tốt đẹp cao hơn những quan tâm và khát vọng vị kỷ của riêng mình.

Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được nên một như Cha và Ngài là một. Nên một là một biểu hiện của một tình yêu tinh ròng, một tình yêu không mang dáng dấp sự vị kỷ. Ngài ước muốn tình yêu ấy được triển nở giữa các môn đệ của Ngài. Khi hiệp nhất chúng ta được ở trong tình yêu của Giêsu, và cũng là ở trong tình yêu của Chúa Cha. Tình yêu được nhắc đến như điểm quy chiếu, điểm nối kết tất cả. Không thể nói đến hiệp nhất nếu không có tình yêu. Nếu yêu mến và gắn kết với Giêsu một cách thực sự, thì cũng sẽ yêu thương và gắn kết với nhau. Nhờ tình yêu, cũng sẽ khiêm tốn để cảm thông và chấp nhận nhau. Cũng sẽ cùng nhau nghĩ đến lợi ích lớn hơn thay vì chỉ loay hoay với những tính toán nhỏ mọn của riêng mình, khi ấy sẽ có hiệp nhất và bình an.

Một trong những hình ảnh thật đẹp mà Đức Giêsu đã dùng để diễn tả mối liên hệ giữa Người và các môn đệ của mình là hình ảnh cây nho và cành nho: “Chính Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.”(Ga 15, 5) “Chính Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào nơi Thầy không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người tỉa cho sạch để nó sinh nhiều hoa trái hơn (Ga 15, 1-2). Đức Giêsu là cây nho, chúng ta là cành nho, cành nào không gắn liền với cây thì sẽ bị khô héo và tách rời, hiệp nhất hệ tại cành nho liên kết với cây nho. Để hiệp nhất cần có một tình yêu rất riêng với Đức Giêsu. Chính Ngài phải là trung tâm cho đời sống của mọi Kitô hữu.

Yếu tố chính để xây dựng tình hiệp nhất chính là tình yêu Agapê, tình yêu hy hiến giữa Cha, Con, và Thánh Thần chứ không phải bất kỳ động lực hay tình cảm nào thuần túy nhân loại. Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, tức mang trong mình phần nào Agapê, nên con người có khả năng yêu thương như Thiên Chúa. Khả năng ấy thể hiện qua sự hy sinh cho nhau, quên mình vì người khác, để rồi chính tình yêu đó sẽ phá tan mọi rào cản và nối kết mọi người lại với nhau.

Như vậy, bất kỳ hành động nào đi ngược lại tình hiệp nhất, phá vỡ tình hiệp nhất cũng là một vi phạm đến bản chất của con người, ảnh hưởng đến sự hài hòa nơi con người. Trong Cựu Ước, các câu chuyện Cain giết Aben (x. St 4,1-16), chuyện tháp Baben (x. St 11,1-9) kể về việc đi ngược lại sự hiệp nhất. Nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ đều xuất phát từ thói ghen tương, kiêu ngạo, vốn là hậu quả của tội nguyên tổ, để rồi từ đó tạo ra những mâu thuẫn giữa người với vạn vật, giữa người với người, và giữa người với Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát cũng nhận xét rằng: hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ là những gì đi ngược lại với Thần Khí của Thiên Chúa, và như thế không xứng đáng được hưởng Nước Trời (x. Gl 5, 20-21).

Thế nhưng, Đấng Tình Yêu có thể xoa dịu và cứu vớt tất cả. Thật vậy, chính Đấng Tình Yêu đã đến thế gian để kêu gọi con người trở nên một với Ngài như thân nho và cành nho. Khi tháp nhập với Thân Nho là Đức Giêsu, chúng ta trở nên một với Người và nên một với nhau, và từ đó, chúng ta nhận được ơn Thánh Linh xuất phát từ Thiên Chúa để ngày càng sống hài hòa, gắn bó và yêu thương nhau (x. Gl 5, 22-23).

Tóm lại, cuộc sống này là một cuộc “đồng hành”. Mọi người cùng nhau bước đi trên những nẻo đường trần gian để trở về Quê Trời. Trên con đường đó có biết bao gian truân, thử thách mà một cá nhân không thể nào tự mình bước hết được. Cần có những bàn tay, đôi chân để tiếp sức; cần có những con tim và bờ vai để cảm thông, sẻ chia những khốn khó trong đời. Và từ đó mới thấy được rằng, tình hiệp nhất thật quan trọng. Người môn đệ được Đức Giêsu ví như một cành nho trong thân nho là chính Đức Giêsu. Mỗi cành nho đều có một cội nguồn và một sứ mạng. Cành nho gắn liền với thân nho để nhận lấy nhựa sống, để duy trì sự tươi tốt và để trổ sinh hoa trái. Cũng thế, cuộc đời chúng ta gắn liền với Thiên Chúa để nhận lấy sức sống, để sống sung mãn và để hoa trái cuộc đời chúng ta được trổ sinh. Bao lâu còn bám tựa vào Chúa là cội nguồn sự sống, bấy lâu cuộc đời chúng ta còn được sống sung mãn. Bao lâu còn sống trong ân nghĩa với Chúa, bấy lâu cuộc đời chúng ta còn có thể trổ sinh nhiều hoa trái. Ngược lại, sống héo hắt là dấu chỉ rằng cành nho cuộc đời chúng ta đã không còn gắn kết với chính Thiên Chúa là nguồn sống của mình. Tâm hồn sầu muộn là dấu chỉ rằng chúng ta đã không còn nhận lấy sức sống sung mãn từ Chúa. Không trổ sinh hoa trái cho đời là dấu chỉ rằng chúng ta đã không sống đúng với ơn gọi đời mình.

Tùy Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập