CỬ ĐIỆU KHI LÃNH NHẬN

PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH

(Tiếp theo kỳ trước …)

 

 

Theo nhiều sử gia của Giáo Hội, khi thực hành nâng cao Mình Thánh được thêm vào thánh lễ, thì việc trưng bày Thánh Thể [trong một Hào quang] ngoài thánh lễ đã nở rộ vừa để tôn vinh Chúa Giêsu ngự thật trong Phép Thánh Thể vừa để thoả mãn tâm tình của các tín hữu ước mong chiêm ngắm Chúa lâu dài hơn y như họ thấy Thánh Thể qua hành động nâng cao Mình Thánh [vốn dĩ ngắn ngủi] của tư tế trong thánh lễ. Thực tế là, vào cuối thế kỷ XIII, các tín hữu phàn nàn rằng linh mục đã không nâng Mình Thánh trong thánh lễ đủ lâu cho họ chiêm ngắm và tôn thờ. Bởi thế, Giáo Hội đã cố gắng tìm kiếm một phương thế nhằm kéo dài sự thờ lạy và chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Thế là, suốt thế kỷ XIV, việc nâng Mình Thánh sau truyền phép trong thánh lễ sẽ được thực hiện thêm bên ngoài thánh lễ trong một thời gian lâu dài hơn nhiều bằng cách cho phép “trưng bày Mặt nhật” chứa đựng Mình Thánh cho các tín hữu chiêm ngắm - tôn thờ. Chính xác là vào khoảng năm 1380, thói quen trưng bày bí tích trong Mặt nhật để tôn thờ phổ biến tại một số nơi thuộc nước Đức. Điều này dẫn đến việc tách hẳn thực hành trưng bày Thánh Thể ra khỏi cử hành phụng vụ và được coi là một thực tại phụng vụ vì có tất cả những yếu tố cần thiết trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội. Bởi lẽ trước đây, việc trưng bày Thánh Thể chỉ diễn ra trong chính cử hành phụng vụ, tức là vào lúc rước lễ, ban của ăn đàng cho bệnh nhân cận tử và lễ Mình Máu Chúa Kitô (Corpus Christi).

Như vậy, Mặt nhật hay Hào quang được tạo ra nhằm mục đích “phô bày” / “trưng bày” Bánh Thánh cho dân chúng nhìn thấy hầu giúp họ thờ lạy Chúa. Rõ ràng, thực hành này dựa trên lòng khát mong của tín hữu là muốn “nhìn xem” hay tìm ra một tiêu điểm cho việc cầu nguyện của họ. Hào quang (ostensorium) phát xuất từ tiếng Latinh có nghĩa là “chỉ ra” hay “nâng lên” (monstrare, ostensare) cùng gốc với hạn từ “trưng bày” (ostendit) Mình Thánh / Chén Thánh trong thánh lễ sau truyền phép nhằm mục đích cho mọi người xem thấy và chiêm ngưỡng.

Bằng việc thay thế cho đôi tay của chủ tế, hào quang được trưng bày hội tụ 3 khoảng khắc của cử hành phụng vụ biểu dương Chúa Kitô Thánh Thể: I) Nâng cao Mình Thánh sau truyền phép; II) Chủ tế giơ Mình Thánh lên và mời gọi mọi người đến hiệp lễ; III) Thừa tác viên giơ Mình Thánh trước mặt từng người lên rước lễ.

Do đó, trong suốt thời gian tôn thờ Thánh Thể (chầu Thánh Thể), chúng ta được mời gọi ngước nhìn / chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể nơi Hào quang y như hành động ngước nhìn / chiêm ngưỡng Thánh Thể sau giây phút truyền phép trong thánh lễ vậy.

Còn khi chuyển sang phần nhận phép lành Mình Thánh vào lúc kết thúc giờ tôn thờ Thánh Thể, cử điệu của chúng ta không còn là ngước nhìn / chiêm ngưỡng nữa vì đối với mọi phép lành nói chung [chẳng hạn khi được rảy nước thánh hay được một thừa tác viên có chức thánh chúc lành bằng tay, bằng thánh giá, bằng Sách Tin Mừng], hay trong trường hợp này là bằng Mình Thánh trong Hào quang, thì theo một truyền thống đã có từ xưa, người nhận lãnh thường ở tư tế quỳ, cúi đầu xuống và làm dấu thánh giá. Qua những cử chỉ này, chúng ta muốn: I) Diễn tả sự khiêm hạ trước Thiên Chúa cao cả để Người có thể nhìn xuống chúng ta; II) Biểu tỏ thái độ nội tâm của chúng ta là tôn kính cung nghiêm đối với Thánh Thể; III) Tuyên xưng đức tin của mình: mọi sự đến với chúng ta đều từ Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần vì tất cả chúng ta đều đến từ Thiên Chúa hầu sống theo những mong muốn và ý định của Ngài. Nếu Thiên Chúa không chúc lành, chúng ta không thể nào tuân giữ hay hoàn thành ý định cùng mong muốn của Ngài, không thể nào biến thánh ý Thiên Chúa thành hiện thực, không thể nào biết sống sự khôn ngoan của thánh giá.

Chúng ta có thể kể ra một số trường hợp cúi đầu khi nhận phép lành sau đây:

1] Phó tế / linh mục công bố Tin Mừng  

Nếu phó tế đọc Tin Mừng, thầy sẽ đến trước mặt Đức Giám mục hay linh mục chủ tế, cúi mình và đọc nhỏ tiếng: “Xin cha ban phép lành cho con”. Đức Giám Mục hoặc linh mục chủ tế chúc lành cho thầy: “Xin Chúa thánh hóa tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy công bố Tin Mừng của Chúa cho xứng đáng. Rồi chủ tế ghi hình thánh giá trên phó tế đang khi đọcNhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; còn thầy phó tế làm dấu thánh giá trên mình và đáp lại “Amen”.

Nếu không có phó tế, linh mục đồng tế cũng sẽ xin phép lành từ Đức Giám Mục chủ tế theo công thức và hành vi như thầy phó tế, Đức Giám Mục ban phép lành theo công thức như đối với phó tế, nhưng thay chữ “thầy” bằng chữ “cha”.

2] Phép lành cuối thánh lễ

Nếu có công thức ban phép lành trọng thể hay có lời nguyện trên dân chúng vào cuối thánh lễ, thầy phó tế nói: “Anh chị em hãy cúi mình nhận phép lành.” Trong các thánh lễ cổ xưa được tìm thấy trong sách Hiến chế các Tông đồ (Constitutiones Apostolorum), phó tế loan báo lời “Hãy cúi đầu trước Thiên Chúa” vào các ngày trong tuần thuộc Mùa Chay. Đôi khi chính những lời nguyện quy chiếu đến tư thế này, nhưng bái quỳ thường được thay thế cho cúi đầu hay cúi mình, chẳng hạn các tín hữu sẽ quỳ hay bái gối để nhận phép lành của chủ tế. Cesaire thành Arles (532) nói trong bài giảng 77 (Sermo 77) rằng mỗi lần phó tế lớn tiếng mời gọi anh chị em cầu nguyện, thầy nói hãy cúi xuống không chỉ lòng trí anh chị em mà cả thân xác nữa. Cesaire tiếp tục chế phục những người không sẵn lòng thực hành dấu chỉ của sự khiêm hạ thờ phượng này: “Những ai không chịu quỳ gối cầu nguyện và không cúi đầu nhận phép lành đều là kẻ chọn lựa chuyện trò hơn là ca hát.” Thậm chí người bệnh còn khom lưng và cúi đầu nữa (C.C.L, 103: 316-7).

Cuối cùng, chúng ta cậy dựa vào tiếng nói của Đức Piô XII trong thông điệp “Đấng Trung Gian Thiên Chúa” (Mediator Dei) ban hành năm 1947, ngài nhận định rằng những hình thức chầu Thánh Thể khác nhau ‘đã đem đến sự gia tăng đức tin kỳ diệu cũng như mang lại sức sống siêu nhiên cho Giáo Hội chiến đấu trên trần gian’. Và khi đề cập đến phép lành [Thánh Thể], ngài nói: “Thật là lợi ích biết bao khi linh mục giơ cao Bánh Thiên Thần trước cộng đoàn đang cúi đầu thờ lạy và với Bánh Thiên Thần, ngài vẽ dấu thánh giá.

Như vậy, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta phải cúi đầu chứ không ngước nhìn. Đó cũng là lời khẳng định của Robert Vereecke, S.J: “Theo truyền thống, cúi xuống là hành vi truyền thống gắn kết với việc nhận phép lành.”

Còn tiếp…

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập