QUY HƯỚNG CUỘC SỐNG VÀO CHÚA KITÔ

 

Trong khi cha Ê-ma hiểu biết mình hơn thì niềm ân hận thường xuyên của ngài vẫn là: Tâm hồn tôi chưa hướng về một trung tâm. Khởi đầu ngài tìm cách điều chỉnh lại sự dấn thân vào những việc bề ngoài bằng cách chú tâm vào sự hiện diện của Chúa. Nhưng có lần ngài cũng thú nhận: “Đêm qua có hai lần mà suốt cả giờ tôi không hề nghĩ đến Chúa”. Theo bản chất tự nhiên, cha Ê-ma đã cố gắng đạt tới tình trạng hòa hợp giữa nỗ lực riêng của ngài và sự trợ giúp của ơn thánh.  Ngài cho rằng tình trạng đó có thể đạt tới được nhờ lặp đi lặp lại những tác động dâng hiến, những lời than thở, những động tác nâng tâm hồn lên, những lời nguyện bộc phát, mỗi khi nghe chuông đồng hồ đánh, hoặc mỗi khi thay đổi công việc hay trả lời điện thoại. Ngài nói đến việc “Thiết lập một guồng máy hoạt động” để phát sinh ra phản ứng. Ngài luôn trung thành với phương pháp này, tức phương pháp duy trì mối hiệp nhất với Chúa bằng trí tuệ, mặc dầu khuynh hướng tự nhiên của ngài luôn đi ngược lại với phương pháp đó. Bởi thế ngài viết:

(Ngày 16 tháng Ba): Vấn đề cần thiết không phải là sự gắn bó của trí tuệ, mà là ý hướng chung của ta trong việc chăm chú vào Thiên Chúa. Đối với trí tuệ, tư tưởng về Thiên Chúa hệ tại nhận thức đơn giản về sự hiện diện của Người, như học sinh ý thức về sự chăm chú của giáo sư. Chỉ có ý thức về sự hiện diện của Chúa mới làm phát sinh ra sự chăm chú âu yếm và khát vọng hiếu thảo làm đẹp lòng Người”.

Đoạn văn trên đây cho biết khát vọng của cha Ê-ma là đạt tới sự hiệp nhất với Chúa trong tình yêu. Khi yêu thì người ta luôn tưởng nhớ đến người yêu. Những gì người ta làm, kể cả người yêu, đều được bao gồm trong ý thức này. Cũng như khi ý thức về mình thì mọi giây phút người ta đều ở trong tình trạng cảnh giác.  

Ngoài những động tác đặc biệt của tình yêu, còn có trạng thái sống trong tình yêu, đó là nguồn phát sinh ra mọi tư tưởng và hành động của ta. Trạng thái này làm phát sinh ra mối liên hệ mật thiết, vững chắc và bền bỉ đến nỗi hai người yêu nhau thì chia sẻ cùng một ham thích, một mối quan hệ và một cảm nghiệm như nhau.

Sau khi duyệt lại việc phụng sự Thánh Thể, Cha Ê-ma đã chú tâm hơn vào sự hiện diện của Chúa trong bí tích này và ngài coi đó là phương thế để sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Điểm cốt yếu này sẽ dễ đạt tới hơn và thích hợp hơn với đặc ân của ngài.

(Ngày 21 tháng Hai): Vì ơn kêu gọi đòi buộc tôi phải phụng sự chính cá vị của Chúa, nên tôi phải tôn thờ Người bằng tất cả con người tôi: linh hồn, thể xác, sức lực và mọi hành động của tôi… Chúa Giêsu Thánh Thể phải là trung tâm của đời tôi, cũng như Người phải là quy luật tối cao và cùng đích cho sự hiện hữu của tôi.

(Ngày 4 tháng Ba): Phải chăng Chúa Giêsu đã là trung tâm của lòng trí tôi? Thực ra Người mới là trung tâm của linh hồn tôi trong những cơn thử thách lớn lao, hay trong những niềm tri ân bất thường, hoặc trong những trường hợp đặc biệt mà thôi, còn trọn cuộc sống thường nhật thì không. Tôi đã không tưởng nhớ, toan tính, lựa chọn và hành động trong Chúa Giêsu như trung tâm của đời tôi. Đó là một sự thật đáng buồn!

(Ngày 5 tháng Ba): Hỡi bản thân, đừng coi mình là trung tâm, nhưng hãy để tâm hồn chìm đắm trong lòng nhân lành của Chúa Giêsu Thánh Thể. Điều cần thiết đối với tôi là lòng say mến nồng nàn, nhờ đó tôi có thể siêu thoát khỏi bản thân và trầm mình trong Chúa Ki-tô được.

(Ngày 8 tháng Ba): Lòng sốt sắng phải là linh hồn, huyết mạch và hơi thở của đời sống tôi, chứ không phải việc nghiên cứu, kiến thức hay những việc đem lại danh tiếng cho tôi. Dù nhìn nhận hay không, nhưng trở ngại lớn nhất cho lòng sốt sắng của tôi là: tôi đã nhân danh việc tông đồ, đã nghiên cứu, làm việc và hiến thân, tất cả chỉ vì tánh tự phụ hay do lòng ham mê thúc đẩy mà thôi… Quả tôi có say mê chân lý, vẽ đẹp và vinh quang của việc phụng sự Thiên Chúa. Nhưng đó chỉ là việc tự nhiên và bất toàn mà thôi. Đó chỉ là yếu tố bề ngoài, chứ không phải là cốt yếu của tình yêu nơi một tâm hồn hoàn toàn tận hiến để được hủy diệt đi. Điểm duy nhất trong phân tích mới đây là lễ tận hiến, và đi với tôi, lễ tận hiến ấy chính là sự hòa tan toàn thể con người tôi trong Chúa: từ bỏ con người tôi bằng cách hủy diệt mình đi như trong công cuộc Nhập Thể.

Đó là giải đáp cho vấn nạn của cha Ê-ma: làm thế nào để đạt được lòng say mến nồng nàn đối với Chúa Ki-tô? Bằng cách hiến thân trọn vẹn cho Người. Ngài vẫn luôn là con người hoạt động. Trong đoạn văn đặc biệt được viết vào lúc đầu của Cuộc Đại Tỉnh Tâm, ngài phân biệt ba mức độ kết hiệp với Chúa.

(Ngày 8 tháng Hai): Trước hết là kết hiệp với Chúa Giêsu bằng đức tin… rồi đến kết hiệp bằng tuân phục âu yếm… sau cùng là kết hiệp bằng tình bằng hữu; sự kết hiệp này tương tự như sự hiệp nhất giữa hai bản tính nhân loại và bản tính thần linh ở nơi Ngôi Lời… Chính vì muốn nâng ta lên mức đ hiệp nhất đó mà Chúa đã thiết lập Phép Thánh Thể để thực hiện ở nơi ta sự hiệp nhất thiết yếu với thân xác, linh hồn và thần tính của Người.

Cuộc thanh tẩy lâu dài và việc đơn giản hóa cuộc tỉnh tâm giúp cha Ê-ma nhận ra rằng, đối với ngài, phương thế duy nhất để đặt Chúa Ki-tô làm trung tâm của đời sống chính là sự hiến thân trọn vẹn. Giờ quyết định đã điểm. một buổi sáng kia, sau khi suy gẫm về những thánh giá mà các vị sáng lập dòng phải chịu, ngài bất thần tuyên bố:

(Ngày 21 tháng Ba): Trong khi cám ơn rước lễ, tôi đã khấn vĩnh viễn thiết thân cho Chúa Giêsu Ki-tô, nhờ Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, dưới sự bảo trợ của thánh Bênêdictô (ngày hôm đó): Tôi không còn là một cá vị nữa; xin ơn trợ giúp chứ không dựa vào khả năng riêng của mình. Mẫu mực: Công cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời.

Hiến thân là động tác từ bỏ mình và từ bỏ niềm tin vào sức riêng mình để đặt Chúa Ki-tô làm nguyên lý và cùng đích cho mọi hoạt động. Trình độ cao trong việc thanh tẩy ý hướng, trong sự nhận biết mình, trong việc phân biệt các thần loại, trong tinh thần quảng đại đòi hỏi phải sống quy hướng về người khác theo nghĩa được bao hàm trong lễ hiến tế này. Hiến thân là một đường lối tu đức, và tu đức chỉ giúp ta đạt tới tình trạng giúp ta lặp đi lặp lại cách dễ dàng những động tác đạo đức tùy theo ý muốn. Đường lối đó chỉ dẫn ta tới ngưỡng cửa của cuộc sống thần bí mà thôi. Đó là trình độ cao nhất mà đường lối tu đức có thể đạt được. Chỉ khi nào Thiên Chúa thực sự làm chủ và kích động trí tuệ cũng như ý chí bằng cách điều khiển từ đáy tâm hồn, lúc đó ta mới đạt tới tình trạng hiệp nhất mật thiết và khăng khít, tức đời sống thần bí. Tâm hồn lúc đó trở nên hoạt bát vượt mọi giới hạn mà khả năng riêng cùng với sự trợ giúp của ơn thánh có thể đạt được. Đối với cha Ê-ma, phải chờ đến mãi cuối đời ngài mới đạt được tình trạng hiệp nhất thần bí này.

Cuộc tĩnh tâm riêng cuối cùng của cha Ê-ma là ở nhà tập tại Saint Maurice ba tháng trước khi ngài qua đời. Tình trạng của ngài lúc ấy hết sức nguy kịch. Ngài bị bạc nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, khó có thể biết được tình trạng suy nhược ấy là do kiệt lực về thể lý hay do những thử thách nặng nề mà ngài phải chịu, chỉ biết rằng ngài đã không thể phục hồi được. Năng lực sống đã tàn lụi. Đau đớn làm ngài phải tê liệt. Ngài dùng hai ngày đầu của cuộc tĩnh tâm để cảm tạ Chúa về những ơn lành Người đã ban xuống cho ngài. Việc hồi tưởng khiến ngài thêm vững tâm là ngài đã không lầm lỗi. Ngài liệt kê mười cái chết mà ngài phải chịu trong cuộc thiết lập và điều khiển Dòng. Mỗi trang ghi chú cuộc tĩnh tâm đều chứng tỏ ngải phải chịu thử thách rất khốc liệt nơi tâm hồn. Dường như ngài không bị thử thách lớn lao về Đức Tin, hay Đức Cậy hoặc Đức Mến. Đêm tâm thần ngài phải chịu phù hợp với nhu cầu của ngài, đó là siêu thoát khỏi ý riêng và bản chất ham hoạt động. Trước đó ngài thường nói: Động tác từ bỏ mình làm vinh danh Chúa hơn mọi thành công của lòng nhiệt thành bề ngoài; giờ đây ngài mới thực sự sống lời của mình. Giờ đây ngài phải chịu tình trạng từ bỏ thụ động.

Cuộc tĩnh tâm này tập trung vào hai lãnh vực chính: (a) hiến dâng tâm trí, và (b) khiêm nhường, tức từ bỏ lòng tự phụ. Cha Ê-ma không đề cập đến lời khấn riêng của ngài, mặc dầu ngài luôn nhấn mạnh đến việc hiến thân trong suốt cuộc tĩnh tâm này. Một lần nữa ngài ân hận vì không hiến thân trọn vẹn cho Chúa; ngài coi tình trạng sống cho bản thân là do những hoạt động thái quá của trí tuệ; ngài nói về góc tối tăm, nơi bản ngã thường ẩn náu; ngài quyết tâm thi hành việc tôn thờ bằng cách hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Hai nhận xét đáng lưu ý ở đây là: Trước hết cha Ê-ma luôn khởi đầu cuộc tĩnh tâm từ tình trạng hỗn tạp. Ngài đặt mình trước mặt Chúa theo tình trạng hiện hữu đó. Rồi ngài khảo sát đời sống kể từ cuộc tĩnh tâm trước. Có khi ngài lặp lại cùng một tư tưởng cũ không phải vì không nhớ, nhưng chỉ vì việc khảo sát gợi lên những tư tưởng ấy. Đó là điều tất nhiên không có gì lạ. Thứ đến, vì trí nhớ của ngài đã suy yếu, nên việc hồi tưởng thường lộn xộn. Tuy nhiên trong khi cảnh giác về mình như vậy, ta có thể tin rằng, lúc ấy ngài không gặp khó khăn gì về lời khấn tư của ngài. Điều khiến ngài băn khoăn là sự thiếu kiềm chế trí tuệ và tánh tự phụ sâu xa của ngài.

 

 

Trích “Hành Trình Thiêng Liêng của cha thánh Ê-ma”

Tác giả: Rev. Hervé Thibault, SSS

Dịch giả: Rev. Dominic Thuần,SSS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập