Gia đình

     MÔI TRƯỜNG RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH SỐNG ĐỨC TIN VÀ ĐỊNH HÌNH ƠN GỌI THÁNH HIẾN

 

 

Chúng ta ai cũng nhận định rằng: Gia đình là tế bào của xã hội và của Giáo hội. Gia đình lành mạnh tốt đẹp là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, an vui, phát triển bền vững. Không chỉ gia đình là mái trường đầu tiên để dạy dỗ và hình thành nhân cách con người nhưng gia đình còn là môi trường để chuyển giao đức tin và đời sống đạo hầu xây dựng và phát triển Hội thánh Chúa nơi trần thế.

Chính do vai trò quan trọng của gia đình mà ta không hề ngạc nhiên khi Đức Giêsu đã chuẩn bị sứ vụ cứu thế của Ngài trong suốt 30 năm ẩn dật tại mái ấm gia đình Nazarét. Thánh gia thất là mẫu mực cho đời sống gia đình, trong đó ta gặp thấy nhiều yếu tố căn bản: đời sống hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, sự hòa thuận, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ lẫn nhau… và nhất là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong gia đình làm nên bầu khí thánh thiện, an bình và hoàn toàn hiến trao cho nhau.     

Gia đình đóng vai trò thiết yếu trong sự trưởng thành các tiến trình nhận thức và cảm thức, vốn là điều cốt yếu cho sự phát triển cá nhân. Sách Huấn Ca cũng nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: "Hãy giáo dục và uốn nắn con cái ngay từ thuở còn thơ” (Hc 7,23); nếu không, "chúng trở nên mất dạy và làm nhục cho cả cha lẫn mẹ" (Hc 21,3-5;Hc 30,13). Mỗi đứa trẻ cần sống trong sự ấm áp và chăm sóc bảo dưỡng của bố mẹ nơi mái nhà an bình của mình, vì thế những đứa trẻ sẽ có kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu và các tương quan con người diễn ra trong chính gia đình. Ngay khi con cái cần được sửa dạy, việc sửa dạy ấy cũng phải được thực hiện trong việc đảm bảo rằng chúng lớn lên trong bầu khí tình yêu của gia đình.

Tông huấn Gia đình số 37 nhắn nhủ cha mẹ chú ý đến  giáo dục con cái đầy đủ về cả hai mặt nhân bản và đức tin ngay từ lúc còn thơ bé. Mặt nhân bản là dạy con nên người tốt, đặc biệt sống đạo hiếu theo truyền thống dân tộc. Mặt đức tin dạy con cái trở nên người con ngoan của Chúa, biết sống tự do thật sự theo lương tâm chân chính, biết đáp trả lời mời gọi của Chúa trong Tin Mừng, biết hướng về giá trị vĩnh cửu.

Một trong những nét giáo dục con cái nên hoàn thiện chính là việc gia đình phải ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống. Cầu nguyện nói lên việc con người nhìn nhận mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương quan tâm săn sóc đến con cái mình. Hơn nữa cầu nguyện rất quan trọng đối với các gia đình Kitô giáo vì không chỉ giúp các thành viên sống thân mật với Chúa và gắn bó với nhau, nhưng còn giúp mỗi người đón nhận được ánh sáng của Chúa để nhận ra ơn gọi của mình. Việc cầu nguyện trong gia đình giúp con cái đâm rễ sâu trong đời sống thiêng liêng.

Ngày nay con số linh mục và tu sĩ phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội vẫn còn là con số ít ỏi. Để đáp ứng nhu cầu chăm lo đời sống tâm linh cho mọi người, Giáo Hội đang cần biết bao những tông đồ nhiệt thành dấn thân trong ơn gọi tận hiến. Nhưng để có được những linh mục và tu sĩ nhiệt tâm theo Chúa phục vụ tha nhân, dám chấp nhận lội ngược dòng đời trong một xã hội với nhiều hấp lực hôm nay… thì gia đình chính là chiếc nôi ươm mầm cho những ơn gọi tận hiến.

Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Matthêu: “cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt”. (Mt 7, 16-17). Dù rằng lời nói này đang trong mạch văn Đức Giêsu nói về những ngôn sứ giả, tuy nhiên, ta cũng có thể áp dụng lời nói này cho đời sống gia đình. Nếu như những lời nói và việc làm của cha mẹ sinh hoa trái, thì con cái là hoa trái tình yêu của vợ chồng trong gia đình. Những gì đứa con thừa hưởng được là do sự kết hợp mật thiết giữa cha mẹ của nó.

Ơn gọi nền tảng là ơn gọi làm người. Và ơn gọi sống đời tận hiến được xây dựng trên nền tảng ơn gọi làm người. Vì bổn phận trên hết và trước hết của bậc cha mẹ công giáo là chăm lo cho con cái mình về đời sống nhân bản và đức tin. Cha mẹ có đời sống nhân bản gương mẫu và có đời sống đạo đức thánh thiện thì con cái sẽ hưởng nhờ được những điều tốt lành ấy. Từ những điều tốt ấy, ơn gọi sống đời tận hiến sẽ được phát sinh.

Nhiều người tín  hữu hay nói rằng gia đình là chủng viện hay dòng tu đầu tiên cho những linh mục và tu sĩ trong tương lai. Thật vậy, có được những con người biết dấn thân cho Chúa và cho Giáo Hội là nhờ nơi những gia đình biết quan tâm chăm sóc cho con cái. 

Những đức tính cần thiết cho người sống đời tận hiến trước hết là lòng yêu mến Chúa thể hiện qua việc siêng năng trung thành với các giờ đạo đức hằng ngày và hằng tuần nơi nhà thờ cũng như nơi gia đình. Kế đến là tinh thần trách nhiệm thể hiện qua sự tận tụy hết mình trong các việc làm. Người sống đời tận hiến sẽ là người của người khác nên sẽ được học từ nơi gia đình một tình yêu vô vị lợi với anh chị em của mình. Tình yêu vô vị lợi ấy thể hiện bằng sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không cần điều kiện.

Ước mong càng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ công giáo biết quan tâm nhiệt tình trong việc làm nảy sinh trong Hội Thánh những ơn gọi sống đời tận hiến.

Tịnh Lam,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập