(Tiếp theo kỳ trước - phần cuối)

CỬ ĐIỆU KHI LÃNH NHẬN

PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH

Làm dấu thánh giá hay không?

 

Dấu thánh giá trước hết là một phúc lành và hạn từ “chúc lành” hay “phép lành” gần như đồng nghĩa với dấu thánh giá. Hiệu quả của dấu thánh giá xét như một phép lành, một sự tuyên xưng đức tin và đồng hoá với mầu nhiệm Chúa Kitô làm cho dấu này trở thành cử điệu biểu tượng hàng đầu đối với nhiều Kitô hữu.

Suy diễn từ câu Thiên Chúa nói với Abraham: “Ngươi sẽ là mối phúc lành” (St 12, 2), Đức Hồng y Joseph Ratzinger [mà sau này làm ĐGH Biển Đức XVI] đã viết:

Đức Kitô là sự chúc lành cho toàn thể tạo thành cũng như cho toàn thể nhân loại. Vì thế, thánh giá, dấu chỉ của Người trên trời dưới đất, được tiền định để trở nên cử chỉ chúc lành đặc thù cho Kitô hữu… Chúng ta ghi dấu thánh giá trên những ai mà chúng ta muốn chúc lành. Và chúng ta cũng ghi dấu thánh giá trên những sự vật thuộc về một phần của đời sống chúng ta và chúng ta muốn, như đó là, tiếp nhận một lần nữa phúc lành từ bàn tay Đức Giêsu Kitô.

Không lạ gì trong Sách Các Phép (De Benedictionibus) và Sách Nghi Thức Roma (Rituale Romanum) từ xưa đến nay đều thấy đề cập đến hành vi ghi dấu thánh giá (nhỏ) bằng ngón tay cái ngay trên đối tượng hay chính bản thân hoặc làm dấu thánh giá phía trên / phía trước các đối tượng (người, vật, nơi chốn) được thực hiện bởi các thừa tác viên có chức thánh khi cử hành mọi nghi thức chúc lành, hiến thánh hay ban bí tích. Đây là một truyền thống đã có từ xa xưa.

Cách thức làm phép / ban phép lành thay đổi tùy theo thực hành của những Giáo Hội khác nhau vào những thời kỳ khác nhau. Bên Giáo Hội Đông Phương thường có thói quen ban phép lành trong khi thừa tác viên giữ thánh giá. Đối với Hội Thánh Công giáo hiện nay, thừa tác viên có thể ban phép lành bằng cách dang tay, nâng cao tay, chắp tay, đặt tay, rảy nước thánh, xông hương, làm dấu thánh giá [bằng tay/ Sách Tin Mừng / thánh giá / hào quang].

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho biết; I) Trong số các á bí tích, trước hết phải kể đến các phép lành để làm phép người, vật dụng, nơi chốn và bữa ăn. Mọi phép lành đều là lời ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin Người ban ơn. Trong Ðức Kitô, các tín hữu được Chúa Cha chúc lành bằng "muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần" (Ep 1,3). Vì thế, Hội Thánh ban phép lành bằng cách kêu cầu danh Ðức Kitô và thường làm dấu thánh giá; II) Việc cử hành các á bí tích “luôn luôn gồm một kinh nguyện, thường kèm theo một dấu chỉ xác định như đặt tay, ghi hình thánh giá, rẩy nước thánh [để nhắc lại Bí Tích Thánh Tẩy].”

Thánh bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xác định như sau: theo tập tục phụng vụ thì trong các nghi thức ban phép lành vị chủ sự sẽ làm dấu thánh giá bằng tay phải trên người hay vật để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho những đối tượng ấy cho dù bản văn trong Sách Các Phép không nói gì đến dấu hiệu này và cũng chẳng đề cập đến thời điểm thích hợp thực hiện hành động này. Các thừa tác viên có chức thánh nên nhớ rằng dấu thánh giá là cần thiết khi cử hành bất cứ một phép lành nào vào bất cứ lúc nào bản văn có chữ “chúc lành” “chúc phúc lành” “ban phép lành” hay những lời tương tự. Nếu không có từ ngữ nào như vậy, thì làm dấu thánh giá vào chính lúc kết thúc lời nguyện chúc lành (AAS 94 (2002): 684).

Cử điệu của người ban phép lành là làm dấu thánh giá trên đối tượng. Nếu đối tượng là người, thì cử điệu của người nhận phép lành thế nào?

Theo Romano Guardini, khi làm dấu thánh giá, chúng ta ghi một dấu thánh giá thực sự trên mình, cảm nhận một cách có ý thức việc làm dấu thánh giá bao gồm toàn thể con người chúng ta: tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn. Dấu thánh giá thánh hiến và thánh hóa chúng ta trong sức mạnh của Chúa Kitô và trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta làm như thế bởi vì đây là Dấu Chỉ của vũ trụ và là dấu chỉ sự cứu độ chúng ta. Trên Thập giá, Chúa Kitô đã cứu chuộc nhân loại, Ngài thánh hóa con người nhờ thánh giá.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger cho rằng: “Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình và vì thế chúng ta đi vào trong quyền năng chúc lành của Đức Giêsu Kitô.”

Theo Bert Ghezzi, dấu thánh giá mang nhiều ý nghĩa mà ông quy về 6 điểm này: 1) Tuyên xưng và diễn tả đức tin của chúng ta vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; 2) Nhắc nhở và canh tân phép Rửa tín hữu đã lãnh nhận trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa qua đó chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và được sống lại với Ngài (Rm 6, 3-4; Gl 2, 20); 3) Dấu riêng biệt của người môn đệ Chúa Giêsu nhằm diễn tả chúng ta thuộc về một mình Chúa, muốn trung thành với Ngài và vâng phục Ngài; 4) Chấp nhận khổ nạn như một phần bình thường trong cuộc sống của người sẵn sàng vác thập giá mình mà theo Chúa (Lc 9, 23); 5) Vũ khí bảo vệ chống lại sức mạnh của Satan; 6) Chiến thắng sự dễ dãi buông thả [bằng cách đóng đinh tính xác thịt chúng ta vào thánh giá và sống theo Chúa Thánh Thần]. Bert Ghezzi cũng khẳng định dấu thánh giá chuẩn bị chúng ta đón nhận phép lành và hợp tác với ân sủng của Chúa.

Chúng ta làm dấu thánh giá trước khi cầu nguyện [riêng hay chung] để chuẩn bị lòng trí và ý chí chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta làm dấu thánh giá khi kết thúc cầu nguyện để giữ lấy tặng phẩm chúng ta đón nhận từ nơi Chúa. Khi bị cám dỗ, chúng ta làm dấu để xin ơn sức mạnh chống trả. Lúc gặp nguy nan, chúng ta làm dấu thánh giá để xin được che chở phù trì. Chúng ta cũng làm dấu thánh giá khi nhận các phép lành hầu cho sức sống viên mãn của Thiên Chúa tuôn chảy vào trong linh hồn mình, sức sống này sẽ thánh hóa bản thân và sinh hoa kết trái nơi chúng ta. Hãy nghĩ đến những điều trên khi làm dấu thánh giá. Đó là dấu thánh thiện nhất trong tất cả các dấu hiệu.

Chúng ta làm dấu thánh giá vào lúc ban phép lành kết thúc giờ phụng vụ bởi vì việc chúc lành được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

Tương tự như trường hợp thừa tác viên chức thánh vẫn ghi hình thánh giá khi ban phép lành cho dẫu bản văn trong Sách Các Phép không nói gì đến dấu hiệu này và cũng chẳng đề cập đến thời điểm thích hợp thực hiện hành động này [như đã nói trên] (AAS 94 (2002): 684), thì khi nhận phép lành được ban bởi thừa tác viên chức thánh, người lãnh nhận sẽ làm dấu thánh giá trên mình [như một quy luật bất thành văn] cho dù bản văn nghi thức có ghi rõ hay không ghi cụ thể phải làm hành vi này. Vì ngoài những lý do nêu trên, trong thực tế đã diễn ra thường xuyên và như một truyền thống tốt đẹp, chúng ta đã quá quen với thực hành người nhận làm dấu thánh giá mỗi khi nhận phép lành cả ở trong hay bên ngoài cử hành phụng vụ. Chẳng hạn:

  • khi nhận phép lành của tân linh mục sau thánh lễ truyền chức;
  • khi nhận phép lành cuối thánh lễ hay cuối giờ kinh phụng vụ;
  • khi thầy phó tế đến xin chủ tế (Giám mục / linh mục) ban phép lành để chuẩn bị công bố Tin Mừng. Linh mục cũng làm như phó tế trước khi công bố Tin Mừng nếu chủ tế là Giám mục;
    • khi nhận phép lành do Đức Giám Mục ban [trong thánh lễ] bằng cách dùng Sách Tin Mừng ghi hình thánh giá trên dân chúng;
    • khi nhận phép lành được ban bằng cách dùng cây thánh giá ghi hình thánh giá trên dân chúng vào lúc kết thúc buổi đi đàng thánh giá…

Vì thế, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta không thể bỏ qua mà không thực hiện một cử điệu hợp lý, đúng đắn và cần thiết là làm dấu thánh giá trên mình.

Tóm lại, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta quỳ gối, cúi đầu và làm dấu thánh giá trên mình.


 
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập