|
THÁNH THỂ SUỐI NGUỒN LÒNG THƯƠNG XÓT
Ở đoạn thư gửi Philíp (2, 6-8), thánh Phaolô đã vẽ lên một nét chân dung rất sộng động về Đức Kitô - Đấng giàu lòng thương xót. Khởi đầu bài ca, Phaolô đã cho chúng ta nhìn thấy hành động của Thiên Chúa, nghĩa là dẫn chúng ta bước vào con đường đi xuống của Thiên Chúa, của Đức Kitô. Con đường bắt đầu với việc Ngài “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang”. Đức Kitô là Thiên Chúa. Đó là bản chất, là căn tính và là phẩm giá của Ngài, nhưng điều lạ lùng thay, Ngài đã đi xuống thấp hơn với phẩm giá, căn tính và bản chất cao quý đó, nghĩa là Ngài trút bỏ hoàn toàn vinh quang Ngài có, để mặc lấy cái tầm thường và bần cùng nhất của nhân loại. Hành động của Ngài là hành động của tự do, của tự hiến chứ không bị ép buộc gì cả. Con đường đi xuống ấy ta gọi tắt là con đường tự huỷ. Bước vào con đường tự huỷ, Đức Kitô “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” Phaolô không nhắc đến việc Đức Kitô mặc lấy “thân phận con người” như tính cách phàm nhân của Ngài, nhưng Phaolô nhắc ngay đến “thân nô lệ” của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được tại sao như thế. Việc Đức Kitô mặc lấy “thân nô lệ” đã làm tỏ hiện sự mâu thuẫn lớn lao giữa hai hình ảnh Thiên Chúa – kẻ nô lệ. Hai hình ảnh này xa nhau ngàn trùng, và không ai có thể nghĩ đến hay so sánh hai hình ảnh đó với nhau, nhưng kỳ lạ là hai hình ảnh đó được “hội tụ” nơi Đức Kitô. Đó là hành động của Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót, vượt trên mọi suy tưởng của con người trần thế. Tự huỷ thật là một con đường mầu nhiệm, một con đường của tình yêu vượt trên mọi biên giới, mọi khái niệm của ngôn ngữ, mọi lý luận của trí khôn. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là làm cho chính mình trở thành nô lệ. Thiên Chúa đã tự ý và nhẹ nhàng bước vào hàng lối của những con người đang lê bước trên mặt đất này với một cái tên gọi là Giêsu. Hơn nữa, Ngài là một Con Người Nô Lệ để qua đó Ngài giải thoát kiếp người khỏi cảnh nô lệ khổ đau. Khi ngước nhìn lên một Thiên Chúa với hình hài Con Người Nô Lệ, chúng ta sẽ nhận ra biết bao điều tuyệt vời về một Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1Ga 4, 8,16). Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm đến được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ… tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Đức Giêsu thiếu vắng lòng từ bi. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo mình, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ, vì nhạy bén nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc vì không ai chăn dắt, (x. Mt 09,36). Trên cơ sở của con tim thương xót, Đức Giêsu chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến (x. Mt 14,14), chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Ngài đã làm no thoả đám đông khổng lồ (x. Mt 15,37); khi gặp bà góa thành Na-im đem đứa con trai duy nhất của mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (Lc 7,15); sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghê-ra-sa, Đức Giêsu trao cho anh ta nhiệm vụ này: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.’ (Mc 5, 19). Đức Giêsu cũng đã kêu gọi ông Mátthêu trong bối cảnh của lòng thương xót khi đi ngang qua quầy thu thuế của ông, để Mátthêu trở thành một trong số mười hai… Đức Giêsu Kitô mặc lấy thân nô lệ với trái tim giàu lòng thương xót để bước vào cuộc chơi với con người. Ngài đã bước vào con đường đi xuống gần bên chúng ta, và nhẹ nhàng đụng vào vết thương của chúng ta, để băng bó, để thoa dịu và để chữa lành. Hành động của Ngài là hành động thương xót của Thiên Chúa. Và vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã vâng lời Cha trên trời với trọn con người của Ngài. Cuối chặng đường đi xuống là vâng lời, nhưng là “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Cái chết là điểm cuối của con đường tự hũy. Với Đức Giêsu, cái chết là một hành động của tự do thật. Bên cạnh đó, chính cái chết đã chỉ cho chúng ta thấy được rằng, Đức Kitô thật sự đã trở nên người như chúng ta, vì cái chết là số phận giành cho tất cả mọi người. Như thế, mọi người đều đi con đường dẫn đến cái chết. Không ai thoát khỏi đích đến này. Ai ý thức về sự chết và chết đi, kẻ đó là người. Và ai biết đến câu chuyện khổ nạn của Đức Giêsu và tin vào Ngài, người đó sẽ tìm được sự tự do xuyên suốt qua cái chết. Vâng, thánh giá của Đức Kitô trở thành sứ điệp trung tâm mà thánh Phaolô rao giảng, và chỉ cho chúng ta biết rằng, cái chết của Đức Kitô trên thánh giá là cái chết đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Chính sức mạnh của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – được biểu lộ trên thánh giá giải thoát chúng ta, vì thế thánh giá trở thành điều chúng ta hãnh diện, như thánh Phaolô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Khi hãnh diện về thánh giá Đức Giêsu Kitô, chúng ta đang hãnh diện về Thiên Chúa và hành động cao quý của Ngài, hành động đưa Ngài bước vào con đường tự huỷ mình ra không. Con đường này là một mầu nhiệm đối với nhân loại. Cái chết thập giá của Đức Giêsu giờ đây đã hiện thực hóa nhờ cử hành hy tế thập giá trên bàn thờ, để thông ban ơn cứu độ. Do đó, hy tế Thánh Thể biểu lộ sự Tự Huỷ thẳm sâu nhất của Đức Kitô; Người dâng mình cho Chúa Cha để được ở lại và đi sâu vào thế giới loài người, trao ban chính mình cho họ để họ được sống và sống dồi dào sự sống của Người. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô đã xác định sự hiện diện của Người trong hình bánh. Thiên Chúa Cha đã tái tạo lại thế giới qua việc nhập thể, Người đã lấy chính Mình và Máu Người để nuôi dưỡng con cái mình. Mặt khác, khi gọi Máu Người là Máu Giao Ước, Đức Kitô cho thấy chỉ có một Giao Ước duy nhất, Giao Ước đã thể hiện trong chính Người và đã thể hiện qua giao ước núi Sọ để cứu chuộc nhân loại. Đức Giêsu muốn loài người, khi cử hành Thánh Thể thì tưởng nhớ đến Giao Ước mà Người đã thiết lập. Hơn nữa, máu chiên bò là lễ hy tế trong Cựu ước đã được thay thế bằng máu của Đức Giêsu đổ ra trong cuộc khổ nạn, một cái chết do tình yêu và sự vâng phục trọn vẹn. Điều này rất quan trọng, đến nỗi Thánh Phaolô đã nhắc đến trong trình thuật về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa” (1Cr 11, 26). Khi lần chuối Lòng Thương Xót chúng ta vẫn thường lập đi lập lại chuỗi hạt với lời cầu “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu Đức Giêsu” lời nguyện này không chỉ nhắc nhở, nhưng tích cực hơn là mời gọi các Kitô hữu tham dự vào hành động cứu độ của Thiên Chúa, tức là đi vào mầu nhiệm tự huỷ của Thiên Chúa. Do đó, Bí Tích Thánh Thể được Đức Kitô thiết lập để giải bày cho con người biết về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta khi tham dự thánh lễ hãy biết thực thi lòng Thương Xót với anh chị em đồng loại Thay lời kết Chúng ta không thể hiểu được con đường tự huỷ của Đức Kitô. Trên con đường đó, Ngài yêu thương và ôm ấp cái nghèo, Ngài sẵn sàng chọn chỗ thấp nhất không ai để mắt tới. Ngài là một Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót – ẩn mình trong những nơi hèn hạ nhất, nơi tấm bánh Thánh Thể, Ngài thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta, cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ. Chúa Giêsu, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Nơi Nhiệm Tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã hiện diện và thật gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trở nên của ăn của uống để con người trở nên thần linh mang lấy sự sống của Người. Thiên Chúa trở nên Thánh Thể là cách diễn tả Lòng Thương Xót một cách cụ thể nhất! Nguyên nhân của hành động ấy chính là tình yêu thương xót của Người, một tình yêu với ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên thịt là của ăn và máu làm của uống, Đức Giêsu đã ‘gống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi’. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Kitô thì khác! Trong Thánh Thể, Ngài đã chọn ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường tự huỷ để cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Trong Thánh Thể chúng ta khám phá một Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót. Ngài huỷ mình ra không mặc lấy thân phận làm người, mặc lấy thân nô lệ và mặc lấy thân phận của một tấm bánh nhỏ bé. Và trên con đường tự hủy tưởng như là vô nghĩa này, Thiên Chúa cảm thông với nỗi đau của gia đình nhân loại, tha thứ tất cả mọi tội lội và ân xá mọi hệ lụy của tội, giải thoát từng con người được Chúa Cha yêu thương. Hành trình đi xuống của Đức Kitô là một hành động tuyệt vời và lớn lao của Thiên Chúa. Hành động này có mục đích là làm cho chúng ta được nên giàu nhất với gia tài lớn nhất là chính Ngài. Tịnh Lam,sss |