ĐỨC MARIA

MẪU GƯƠNG CẦU NGUYỆN NƠI PHÒNG TIỆC THÁNH

Sau khi Đức Giêsu Phục Sinh được cất lên trời trước mặt các môn đệ, họ đã trở về nhà với lòng đầy tràn niềm vui. Vâng lời Thầy, họ ở lại Giêrusalem cho đến lúc nhận được ơn trên bởi trời. Dầu vậy, giờ đây các môn đệ sẽ hoạt động thiếu vắng sự hiện diện hữu hình của Thầy. Thiếu vắng Thầy, các môn đệ cũng cảm thấy bấp bênh và chơ vơ. Trong hoàn cảnh ấy, họ đã tìm đến Đức Maria. Mẹ đã cùng với các ông chuyên cần cầu nguyện tại phòng tiệc ly như thói quen Mẹ vẫn thường làm trong suốt cuộc đời mình.  

Việc luôn ghi nhớ và suy đi gẫm lại trong lòng là cách thức cầu nguyện của Mẹ. Sau ngày Thiên Sứ truyền tin, nơi tâm hồn mình, Mẹ đã bắt đầu ghi hồi ký về Ngôi Hai xuống thế làm người. Mẹ đã gần gũi với Chúa nhiều nhất trong quãng thời gian thơ ấu. Mẹ thấy rõ từng ngày người con ấy lớn lên, bao nhiêu kỷ niệm thật đẹp nơi mái nhà Nagiarét Mẹ đều nhớ như in. Rồi những năm tháng sống đời công khai rao giảng, không trực tiếp song hành với Con, Mẹ chỉ hiện diện bên Con với lời cầu nguyện và sự lo lắng của tình mẫu tử. Rồi đến lúc Con Yêu bị kết án và hành hình, Mẹ đau đớn đứng nhìn Con Yêu treo trên thập giá, Mẹ ôm ấp hình hài Con trong tay như một phần thịt xương đớn đau và bầm dập của chính mình.Tất cả những ký ức vui cũng như buồn về Chúa, đều được Mẹ ghi khắc vào tận sâu trong tâm khảm mình. Hơn ai hết, Mẹ là người đồng cảm với Chúa sâu xa nhất, nên Mẹ luôn biết cách để kết hiệp với Chúa qua cầu nguyện.

Chỉ có những tâm hồn luôn cầu nguyện như Mẹ mới thấy được niềm bình an và hy vọng trong một chuỗi những sự kiện xảy ra. Cả cuộc đời Mẹ luôn là lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa. Còn nhớ bài ca “Manificát”, Mẹ ca tụng Thiên Chúa vì cảm nghiệm được những ân huệ lớn lao Thiên Chúa làm cho mình, Mẹ ca tụng vì nhìn ra tình thương đặc biệt của Chúa cho những ai bé nhỏ khó nghèo, Mẹ cất lời ca tụng vì chứng kiến bàn tay quyền năng của Chúa che chở, nuôi dưỡng và dẫn đưa dân Ít-ra-en như lời Ngài đã hứa. Nghiệm ra những ân huệ Chúa ban trên cuộc đời, Mẹ Maria xác tín rằng: “Bởi Người đoái thương nhìn tới, phận nữ tỳ hèn mọn.”

Nhờ cầu nguyện nên Mẹ tin chắc rằng khổ giá và cái chết của Chúa chẳng phải là đích đến hay điểm dừng. Chúa đến để cứu chuộc nhân loại như lời sứ thần truyền tin cho Mẹ thì công cuộc ấy chẳng thể nào đơn giản kết thúc bởi cái chết đau thương như vậy. Nhờ cầu nguyện, Mẹ hiểu được đó là con đường phải đi để đến một đích điểm khác trong vinh quang.  Trước thập giá, Mẹ tin chắc Thiên Chúa sẽ làm một điều gì đó thật diệu kỳ ngoạn mục. Đau khổ và thánh giá Chúa đã trải qua, nhưng Mẹ tin thánh giá ấy sẽ khơi nguồn sự sống. Chẳng phải Đức Giêsu đã từng tiên báo Ngài sẽ chết nhưng rồi sẽ phục sinh, cái chết chẳng làm chi được Người nữa. Có lẽ Mẹ đã chia sẽ điều này với các môn đệ tại phòng tiệc ly, Mẹ tin vững vàng như thế nên Mẹ cũng động viên các môn đệ phải lạc quan và phấn chấn lên.

Chiêm ngắm nhân đức thờ phượng của Mẹ, ta có thể hiểu diều kỳ diệu lớn lao vượt suy nghĩ và ước muốn của chúng ta về nhưng điều Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ: Tuy không Tin Mừng nào nói cho biết sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài có hiện ra với Đức Mẹ hay không? Nhưng chắc hẳn với một tâm hồn cứ suy đi nghĩ lại Lời Chúa truyền dạy, hẵn là Mẹ đã gặp Đấng Phục Sinh, vì chẳng có ai trên trần gian này đủ xứng đáng để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh giống như Mẹ.

Và một khi đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Mẹ thích hướng dẫn người khác cầu nguyện vì đó là điều Chúa Phục Sinh mong muốn để người khác cũng có cơ hội gặp gỡ Chúa và ân ban của Thánh Thần. Thiên Chúa ủy thác cho Mẹ bảo ban và hướng dẫn đám đồ đệ kém tin như Ngài đã trối Mẹ cho Gioan. Từ đây, Mẹ sẽ chính thức là mẫu tử của toàn thể nhân loại mà các môn đệ là đại diện. Chính vì lời căn dặn ấy của Chúa, nên Mẹ đã thường xuyên cầu nguyện cùng các môn đệ.

Nếu nói 20 mầu nhiệm Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng, trình bày cho chúng ta những giai đoạn chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến lúc về trời thì cũng có thể nói các mầu nhiệm Mân Côi phải chăng cũng là quyển hồi ký về Đấng Cứu Thế mà Mẹ luôn khắc cốt ghi tâm, và Mẹ muốn truyền lại hồi ký ấy cho con cái Hội Thánh trong một bầu khí cầu nguyện thâm sâu. Với một nội dung và tinh thần như thế, Kinh Mân Côi không phải chỉ là một lời kinh chúng ta đọc trên môi trên miệng, mà còn là những đề tài suy gẫm cùng với Mẹ.

Kinh nghiệm “suy đi nghĩ lại trong lòng” của Mẹ Maria đã giúp Mẹ nghiệm thấy đường lối chính trực ngàn đời của Chúa – Đấng luôn quan tâm đến những ai kiếm tìm Ngài với lòng khiêm nhường. Kinh nghiệm cầu nguyện ấy tiếp tục xảy đến khi Đức Giêsu về trời, Mẹ tiếp tục cầu nguyện cùng với các tông đồ nơi phòng tiệc ly, để mọi người nhận ra thánh ý Chúa và can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Mẹ đã biết “Này từ đây, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” thì điều đó cũng có nghĩa Mẹ muốn con cái Mẹ qua muôn thế hệ hãy mặc lấy tâm tình thờ phượng của Mẹ nơi phòng tiệc ly. Chính nơi đây Mẹ đã trở nên mẫu gương cầu nguyện cho mọi tín hữu qua mọi thời đại.

Thay lời kết

Để củng cố những gì chia sẻ trên, xin được đúc kết bằng chính bút tích của Thánh Ê-ma trong lá thư gửi cho các tu sĩ Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 23/7/1858 về hình ảnh “Đức Mẹ Thánh Thể, người thờ phượng đầu tiên”

“Thưa chị em, chị em hãy ghi nhận rõ điều này: chưa có ai tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể hết. Người ta kính Đức Mẹ Bảy Sự, Đức Mẹ Nadarét, Đức Mẹ Dâng mình, vv… Nhưng mặc dầu Đức Thánh Nữ Đồng Trinh đã sống tại Phòng Tiệc Thánh, chưa ai nghĩ tới việc kính Mẹ trong trạng thái của một người thờ phượng...

Thưa chị em, Thiên Chúa ban Đức Mẹ cho chị em, để Mẹ bảo trợ và phân phát ân sủng của Người. Chính nhờ Mẹ mà chị em sẽ đến với Chúa Giêsu. Mẹ sẽ dạy cho chị em biết phụng sự Người. Vậy chị em hãy suy nghĩ nhiều về sự thánh thiện của Mẹ. Chị em sẽ học biết về Mẹ không phải trong sách vở đâu, mà trong cầu xin khẩn nguyện. Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy [Ga 14,21]. Phải yêu mến Đức Thánh Nữ Đồng Trinh không những bằng tình yêu thiêng liêng, mà cỏn bằng tình con thảo, thổ lộ tỏ bày trọn vẹn con người của chị em cho Mẹ để chứng tỏ lòng yêu mến ấy. Nhất là phải học cho biết yêu mến nơi trạng thái thờ phượng của Mẹ, bên trong và bên ngoài. Bên trong, phải học Mẹ tinh thần đức tin, vâng phục, hy sinh và yêu mến. Bên ngoài, phải xem Mẹ thờ phượng Chúa bằng tất cả mọi giác quan của Mẹ như thế nào, và phải xin Mẹ tỏ mình ra cho chị em thấy. Hãy hình dung Mẹ ở bên chị em. Hãy lột bỏ chính mình để, một cách nào đó, chị em đến với Chúa qua con người tuyệt vời của Mẹ….

Các tông đồ đến với Chúa Cha nhờ Đức Giêsu thế nào, chị em cũng đến với Đức Giêsu nhờ Mẹ rất thánh Người như thế. Vì thế, phải mặc lấy chính Mẹ, để Đức Giêsu đón nhận những giờ thờ phượng của chị em như chị em là con cái Mẹ. Chỗ này, hãy làm như Giacóp khi cậu đánh lừa cha là ông Ixaác để nhận được lời chúc phúc. Cậu mặc đồ của Êxau, người lẽ ra phải được chúc phúc vì là con cả [x. St 27,1-29]. Chị em này, hãy làm như Giacóp, đánh lừa Chúa đi, lấy áo của thân mẫu rất thánh Người mặc vào. Nhưng chị em sẽ bảo tôi: Làm thế nào để chúng con mặc lấy Đức Mẹ ? Tin Mừng im lặng về cuộc sống của Mẹ tại Phòng Tiệc Thánh, chỉ kể là Mẹ đã chuyên cần cầu nguyện thôi [x. Cv 1,14].”


Tịnh Lam,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập