Theo lẽ thường, ai trong chúng ta cũng muốn giành phần tốt nhất cho riêng mình. Chẳng ai dại gì nhường phần tốt nhất đó cho người khác. Đó là tâm lý và cách hành xử thường thấy nơi con người. Và đó cũng chính là cách hành xử của hai môn đệ Giacôbê và Gioan mà Tin Mừng hôm nay thuật lại: “Xin cho chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Hai ông đã xin được ngồi bên trái và bên phải của Thầy, nhưng vị trí ấy các ông lại không dám đón nhận khi được trao. Vì các ông đã bỏ trốn hết khi Thầy đến gần “cái ngai thập giá” Các ông tìm những vai vế thống trị, trong khi Chúa không ngồi ở vị trí của người thống trị, bắt người khác hầu hạ mình; ngược lại, Ngài trở nên người phục vụ và hiến dâng mạng sống vì người khác.

Có lẽ vì không hiểu được thân thế và sứ mạng đích thực của Đức Giêsu khi đến trần gian này là gì, nên hai anh em Giacôbê và Gioan mới đến khẩn khoản nài xin Thầy Giêsu thực hiện ước nguyện của mình. Trong suy nghĩ của hai ông, Đức Giêsu giống như một vị lãnh đạo đến để giải thoát dân tộc Israen khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Não trạng của người đương thời lúc bấy giờ ảnh hưởng sâu đậm trên lối suy nghĩ của hai ông.

Điều các ông xin, một cách nào đó không có gì đáng trách bởi lẽ hai ông là môn đệ của Đức Giêsu. Mà nếu Đức Giêsu giải cứu dân tộc mình và giành được vinh quang thì hai ông chắc chắn sẽ được hưởng chút lợi lộc gì chăng vì nghĩ rằng mình dù sao đi nữa cũng là học trò của Thầy. Thầy làm vua thì chút ít mình cũng được làm tể tướng. Tuy nhiên, đó chỉ là cách suy nghĩ của con người chứ không phải đường lối của Thiên Chúa. Quả không sai chút nào khi tiên tri Isaia đã từng nói: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Sấm ngôn của Đức Chúa.” (Is 55,8-9). Thiên Chúa có cách làm riêng của Thiên Chúa. Và trong trường hợp này cũng vậy, Đức Giêsu biết rõ những ước nguyện của hai anh em Giacôbê và Gioan. Thế nhưng, Người muốn đi xa hơn nữa khi dạy cho các ông một bài học quý báu về sự khiêm nhường.

Đức Giêsu muốn hai ông hiểu được điều mà hai ông xin. Hơn thế, Người muốn hai ông hiểu được sứ mạng đích thực của Người khi đến trần gian này là gì. Đức Giêsu đã lấy mẫu là chính Ngài để dạy cho các môn đệ: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Vì thế, Ngài huấn luyện để các ông biết “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Và như thế, điều kiện đi kèm theo lối hành xử này là phải bỏ sự quy kỷ để sẵn sàng dấn thân cho một cuộc sống cao đẹp hơn.

Đức Giêsu không như bao vị thủ lãnh khác uy phong lẫm liệt, nhưng trái lại Người là một tôi trung của Thiên Chúa, người tôi trung đau khổ. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Người đã chấp nhận từ bỏ tất cả để hủy mình ra không. Người tự hạ mình đến nỗi cúi xuống rửa chân cho các đầy tớ và hy sinh bản thân mình để đem lại sự sống cho người khác. Đức Giêsu muốn hai môn đệ trước hết hãy biết noi gương Người về sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ, còn phần thưởng sau này sẽ do Chúa Cha là Đấng ban phát. Chính Đức Giêsu là một mẫu gương để các môn đệ (nói riêng) và tất cả chúng ta (nói chung) noi theo.

Giống như hai môn đệ xưa, Đức Giêsu cũng muốn dạy cho mỗi người chúng ta bài học về sự khiêm nhường phục vụ: “Ai muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em mình”. Điều này nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chút nào. Sống trong một cộng đoàn, chúng ta không thể tránh khỏi nguy cơ muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý. Nhiều lúc chúng ta muốn cúi xuống phục vụ anh em mình nhưng ẩn đằng sau đó lại là một tham vọng to lớn: Tôi cúi xuống phục vụ anh em để được người khác khen ngợi, để được tôn vinh, hay để được một món lợi gì đó…

Tiến lên Giê-ru-sa-lem nghĩa là tiến đến sự hiến tế. Chúng ta được mời gọi quảng đại đi vào cuộc thương khó với Thầy. Ước gì chúng ta không làm ngơ trước những xuyến xao của Thầy, để chỉ lo đi tìm chỗ tốt nhất cho riêng mình. Chúng ta tin rằng, với tình yêu, sự hy sinh và lòng quảng đại của chúng ta sẽ mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp cho thế giới này và cho cuộc đời của chúng ta.

Hôm nay là Chúa Nhật truyền giáo, Hội Thánh cổ võ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã từng nói: “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Cách loan báo Tin Mừng thiết thực nhất chính là qua gương sống. Thiết nghĩ, sự khiêm nhường phục vụ chính là cách loan báo Tin Mừng hiệu quả, vì qua cách phục vụ của mỗi Kitô hữu, người ta sẽ nhận ra được dung mạo hiền từ của một vị Thiên Chúa đã từ bỏ mọi sự để nâng con người lên tới Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã từng phán rằng: “Hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”. Xin dạy mỗi người chúng con biết khiêm nhường thực sự để sẵn sàng cúi xuống phục vụ anh em mình một cách vô điều kiện như Chúa đã từng phục vụ chúng con. Amen

Lê Trung Hiếu,SSS

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập