CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

(Ga 20,19-31)

Suy niệm:

Ngay từ buổi sáng ngày Chúa phục sinh, các ông Phêrô và Gioan đã đến mồ, cũng không thấy xác thánh Chúa như các bà Madalena và Maria đã nói, nhưng các ông thấy vải liệm và dây băng xếp lại ở mồ.

Buổi chiều cùng ngày, Chúa đã hiện đến đứng giữa các ông và chào: "Bình an cho các con". Thấy các ông tuy vui mừng nhưng còn nửa tin nửa ngờ nên Chúa đã cho các ông xem các vết thương nơi tay và vết đòng nơi ngực Chúa.

Khi đó ông Tôma không có mặt. Sau được anh em kể lại sự việc Chúa hiện đến, ông không tin và còn ương ngạnh nói: nếu chính ông không được xỏ ngón tay vào các lỗ đinh nơi tay và thọc bàn tay vào vết đòng nơi ngực Chúa thì ông không tin.

Khi hiện đến lần sau, Chúa đã gọi: "Tôma ! Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Sờ vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin" (Ga.20,27).

Ông Tôma thưa lại: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con". Chúa đáp: "Vì con thấy rồi mới tin. Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga.20,28).

Quả thật, Chúa vì yêu thương các tông đồ mà chiều các ông, và cũng vì Chúa thương chúng ta nên cử chỉ, tâm tình của Chúa đối với các tông đồ cũng là những cử chỉ và tâm tình Chúa đối với chúng ta. Nhờ vững tin vào sự phục sinh của Chúa là nguồn sống siêu nhiên cho mọi tâm hồn, nên các tông đồ đã hăng say rao giảng Chúa đã phục sinh và can đảm tận hiến đời sống để làm chứng điều mình giảng.

Như Chúa đã nói với ông Tôma: "Vì con đã thấy nên con tin. Phúc cho ai không thấy mà tin".

Chúng ta không thấy Chúa bằng mắt, nhưng nhờ đức tin, chúng ta biết mình đang được ở trước mặt Chúa Giêsu phục sinh trong nhiệm tích Thánh Thể. Đó là phúc lớn cho ta, vì mắt không thấy nhưng lòng vẫn tin.

Chúng ta hãy giục lòng tin kính mến yêu, thờ lạy và tạ ơn Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con không thấy Chúa kiểu như thánh Tôma tông đồ, chúng con cũng không dám thách thức Chúa như thế, nhưng chúng con vẫn cần chiêm ngắm các vết thương, vẫn muốn “nhìn thấy” những vết thương của Chúa trong đức tin của mình. Những vết thương ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, tình yêu đến hy sinh mạng sống, và của lòng tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.  

Xin cho chúng con được hiệp thông với Chúa trong đau khổ để cùng với Ngài thông phần vinh quang. Khi đặt những hy sinh và đau khổ dưới ánh sáng phục sinh, xin cho chúng con hiểu được giá trị của khổ đau và thử thách để chúng con được mời gọi mở rộng vòng tay yêu thương đến tha nhân, để hoà giải, tha thứ và chữa lành. Xin Chúa Giêsu Kitô Phúc Sinh tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng để chúng con sống bình an mỗi ngày, với lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, Đấng đã chiến thắng Sự Dữ, nhờ yêu mến và vâng phục. Amen

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập