Khám Phá Bí Tích Thánh Thể (Tiếp theo kỳ trước…)

THÁNH LỄ HAY BÍ TÍCH THÁNH THỂ?

 

Những danh xưng mà chúng ta đặt cho người, vật hay tổ chức nào là rất quan trọng. Bố mẹ, người phải đặt tên cho con mình hiểu rất rõ về điều này. Bằng tất cả sự quan tâm của mình, bố mẹ chọn tên cho con và rồi chúng sẽ phải mang cái tên ấy suốt đời.

Những danh xưng được đặt cho bữa ăn, bữa ăn mà Đức Giêsu đã ăn cùng với các môn đệ vào đêm trước ngày Người chịu chết, bữa ăn mà Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ tiếp tục thực hiện trong “sự tưởng nhớ đến Ngài,” đã được bảo truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi danh xưng đều diễn tả theo đúng cách của nó về một khía cạnh của bữa Tiệc Ly.

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói về “Bữa tối của Chúa” (1Cr 11:20)[1]. Bằng việc diễn tả này, thánh Phaolô gợi lại bữa ăn do Đức Giêsu thiết lập và nay Người đã sống lại. Không còn nghi ngờ gì, thánh Phaolô cũng có ý định chỉ ra rằng “Bữa ăn của Chúa” được cử hành trong sự vinh thắng của Đức Giêsu vượt trên sự chết. Thánh Luca sử dụng thuật ngữ “bẻ bánh” nhằm ghi lại kinh nghiệm nhận ra Chúa của hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24:30-31)[2]. Cách thức này đề cập đến hành động của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly; khi sử dụng thuật ngữ này, các tác giả Tin Mừng ngụ ý rằng Bữa ăn Thánh Thể là một nơi vinh dự, nơi mà Đức Giêsu Phục Sinh đến gặp các môn đệ để biểu lộ chính mình, một Đấng Phục Sinh cho họ.

Mặt khác, từ “Bí tích Thánh Thể” là một thuật ngữ cổ xưa được Công đồng Vaticanô II khôi phục trong một vị thế đáng trân trọng. Cả hai tác giả Luca và Phaolô đã sử dụng thuật ngữ này khi trình bày các cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly: Đức Giêsu “dâng lời tạ ơn” trên bánh (động từ Hylạp eucharistesas được lấy từ từ gốc của nó là eucharistein chuyển đến chúng ta thành từ “Eucharist” có nghĩa là tạ ơn) (Xc. Lc 22:19; và 1Cr 11:24)[3]. Danh xưng này được tìm thấy trong một tài liệu cổ – Didache – được viết vào cuối thế kỷ I, chúng đề cập đến những điều mà sau này được gọi là thánh lễ. Danh xưng này nhấn mạnh đến sự kiện: Bữa tối của Chúa là lời tạ ơn Thiên Chúa Cha về tất cả những ơn huệ của Ngài, cụ thể là về cái chết và sự phục sinh vinh thắng của Đức Giêsu Kitô.

Từ lễ “Hiến dâng” (oblation) cũng được dùng để thay thế cho từ Bí Tích Thánh Thể. Từ này nêu lên chiều kích dâng hiến của thánh lễ: việc dâng hiến liên tục và vĩnh viễn của Đức Giêsu và của Giáo Hội.

 Mặt khác, thuật ngữ lễ “Hiến tế” (sacrifice) cũng được sử dụng. Thuật ngữ này gợi lại trong một cách thức đặc biệt là vào bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã trao trọn mình Ngài, đã “hiến tế” chính mình Ngài cho chúng ta, khi Ngài trao cho các môn đệ bánh để ăn và rượu để uống. 

Từ “thánh lễ” từng được sử dụng từ thế kỷ IV. Theo nguyên ngữ, từ này có nghĩa là “giải tán hay ra đi” (dismissal). Những lời cuối trong thánh lễ (tiếng Latinh ‘Ite, missa est!) được chọn nhằm đề cập tới toàn bộ hành động. Cũng vậy, vì lý do khó giải thích nên chúng ta thu tóm ý nghĩa của từ lễ "Hiến dâng” vào trong từ “Thánh lễ”. Khi nhìn vào những danh xưng được gìn giữ qua nhiều thế kỷ trên, chúng ta nên ghi nhận hai điều:

  1. Bữa tối của Chúa thật quá phong phú đến nỗi không một từ nào (từ chỉ có một chữ) có thể diễn tả cách xứng hợp với bữa ăn này.
  2. Thật may mắn, từ Công đồng Vaticanô II, chúng ta sử dụng từ “Bí Tích Thánh Thể” (Eucharist) nhiều hơn từ “thánh lễ” (Mass). Từ Bí Tích Thánh Thể được tìm thấy trong các bản văn Tân Ước và từ này tập trung vào khía cạnh căn bản của bữa ăn đó, bữa ăn mà những người tin cùng chia sẻ với nhau nhân danh Đức Kitô và cùng với Đức Kitô: đó là khía cạnh của lễ tạ ơn.


 

Tác giả: Lm Jean-Yves Garneau,sss. 

chuyển ngữ: Lm Px. Nguyễn Bạch Dương,sss



[1] 1Cr 11:20: Khi anh em họp chung với nhau, thì không phải là để ăn Bữa Tối của Chúa (Trước khi cử hành Bữa tiệc Cuối cùng của Chúa, có bữa ăn huynh đệ, và Phao-lô thấy tình trạng lộn xộn trong bữa ăn này, như thể tách ra theo giai cấp).

[2] Lc 24:30-31: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất, không còn thấy đâu nữa.

[3] Lc 22:19: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.

- 1Cr 11:24: Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập