CHA EYMARD                                                       

 

VỚI LỜI KHẤN DÂNG HIẾN BẢN VỊ

 

Trong thời gian lưu lại Rôma để chờ câu trả lời cho vấn đề Giêrusalem, cha Eymard tận dụng cơ hội thời gian ấy để thực hiện cuộc tĩnh tâm từ tháng giêng cho đến cuối tháng ba ở tu viện dòng Chúa Cứu Thế. Cuộc tĩnh tâm dài này minh chứng cho tính dứt khoát trong đời sống tâm linh của cha, cũng như chứng tỏ sự dứt khoát trong vấn đề thiết lập cộng đoàn ở Giêrusalem. Những dòng mở đầu trong ghi chép về cuộc tĩnh tâm cho thấy tâm trạng của cha: Mục đích của cuộc tĩnh tâm này phải là “làm công việc thánh hóa bản thân mình.”

       Cuối cuộc tĩnh tâm, cha Eymard đã thực hiện điều mà cha gọi là “lời khấn dâng hiến bản vị” cho Thiên Chúa. Trong suốt các chặng đường thiêng liêng mà cha Eymard kinh qua, chúng ta thấy nổi bật nhất nhiều nét hết sức đặc biệt liên quan đến việc “dâng hiến bản vị”. Đọc lại những gì thánh tổ phụ viết trong khoảng thời gian từ 1863 đến 1864 - thời gian mà tư tưởng về việc hiến dân bản thân bắt đầu nung nấu cha cho đến ngày tạ thế, chúng ta thấy rõ nền tảng thiêng liêng của việc dâng hiến này mà thánh tổ phụ còn gọi là một lời khấn, một lời khấn cao cả nhất, thánh thiện hơn bất cứ một lời khấn nào. Một lời khấn mới, một công trình vĩ đại nhất trong mọi công trình.

        Đoạn văn then chốt của việc “dâng hiến bản vị” này được thánh tổ phụ viết lúc tĩnh tâm tại Roma ngày 21 tháng 2 năm 1865, Cha hỏi Chúa Giêsu muốn mình phục vụ Chúa như thế nào và cha đã cảm nhận câu trả lời như thế này "hãy thuộc về Ta trong Bí Tích này, như Ta đã thuộc về Cha Ta trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và trong cuộc đời trần thế của Ta”. Tư tưởng này làm cho cha rúng động toàn thân và hết lòng cảm tạ Chúa. Ngài viết tiếp "tôi liền hiến dâng mình lại cho Chúa để hoàn toàn chỉ thuộc về Chúa như Người đã thuộc về Chúa Cha. Nhưng Đức Giêsu thuộc về Chúa Cha bằng cách nào trong cuộc sống thần linh Ngôi Lời của Người? Đức Giêsu đã thuộc về Cha như thế nào trong cuộc sống trần thế của Người? trong cuộc sống nhiệm tích của Người? Đó là tất cả những gì tôi phải tìm cho ra, phải luôn lập đi lập lại trong con người tôi. Ôi! một tư tưởng tuyệt diệu! Tôi phải thuộc về Chúa Giêsu như Người thuộc về Thiên Chúa Cha: Con ở trong họ và Cha ở trong con - Cha đã thương yêu Thầy thế nào thì Thầy cũng thương yêu các con như vậy. Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

        Một tháng sau, ngày 21/3 cha long trọng làm lời khấn trọn đời “hiến dân bản vị” theo mẫu mực Màu Nhiệm Nhập Thể và với phương thế là hiệp thông với Thánh Thể. Bản vị của Đức Giêsu Kitô phải là bản vị của Eymard và bản vị của Eymard là chính Đức Kitô đang sống trong mình, đúng theo câu nói của thánh Phaolô “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

        Qua hai bút tích trên chúng ta có được nên tảng căn bản của việc “dâng hiến bản vị”, đối với thánh tổ phụ, đây là vấn đề sống những liên hệ mà Đức Giêsu Thánh Thể sống với Thiên Chúa Cha, những liên hệ Người đã sống trong lúc Nhập Thể và trong suốt cuộc đời trần thế, những liên hệ mà Đức Kitô thực sự đang sống trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Sự dâng hiến bản vị trở thành thái độ tích cực và đầy ý thức, thiết lập cuộc sống mình trong việc liên hệ đó, trong tất cả chiều sâu sự hiện hữu của con người mình.

 Những điều ghi nhận vắn tắt đó thúc đẩy chúng ta tìm đến một mức độ khác trong đó cái “tôi” phải biến đi, bị xóa bỏ đi. Đây là vấn đề của con người cũ, của cái tôi bén rẻ từ trong sâu thẳm của con người, nhưng lại vươn trổ ra bên ngoài đầy huênh hoang, kiêu ngạo và tự ái. Vấn đề của cái “tôi” ích kỷ muốn trở thành trung tâm, cùng đích của mọi tình cảm và quan tâm. Cái “tôi” đó muốn quy tụ tất cả trên chính bản thân mình, chỉ biết sống cho mình, để hứng nhận tất cả những gì mình mong ước, yêu thương và hy vọng. Đây là cái “tôi” chiếm đoạt, luôn vỗ ngực xưng tên và sẵn sàng thu tóm tất cả về mình. Đó là cái “tôi” được hiểu như một tâm hồn, một tinh thần, một trí thông minh, một nguồn tư tưởng, phán đoán làm cho nền móng cho mọi nguyên tắc hành động, trông chờ, suy đoán. Đó chính là cái bản vị của con người Ađam luôn vươn lên tìm đến sự bất lệ thuộc, khai trừ Thiên Chúa.

         Để làm cho cái tôi đó biến mất đi, buông thả nó đi, Cha Eymard chủ trương thay đổi hướng đi của bản thân con người, thay đổi nguyên tắc, đặt nó vào trong một thực thể khác, buộc nó phải thoát ra khỏi cái ốc đảo của mình, phải là một cuộc cách mạng từ bên trong. Vấn đề chính yếu là phải sống trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô sống trong chúng ta, đó là lý do vì sao buộc chúng ta phải sống trong Người.  Điều này được thực hiện trong việc làm mới: “sự dâng hiến bản vị”

        Hiến tế chính bản thân của cha là hành động từ bỏ tột cùng. Cha dâng trọn cả cuộc đời cho Thiên Chúa: những việc làm tốt lành, tâm hồn, ý chí và cả những khuyết điểm. Với việc “tận hiến” ấy, từ nay cha tuyên bố sẵn sàng để Thiên Chúa làm chủ hoàn toàn và trọn vẹn tất cả đời sống và con người của mình. Việc hiến dâng này đòi cha phải để cho Chúa Thánh Thần biến đổi, vì vậy kể giây phút đó cha đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa để Ngài nắn đúc cha tùy ý Ngài. Cha nhận ra rằng tiến trình thánh hóa của mỗi người không tùy thuộc vào nỗ lực của bản thân, dù nỗ lực ấy có thể có những lúc rất anh hùng, nhưng đúng hơn tùy thuộc vào sức mạnh và sự hoàn hảo mà Thiên Chúa dùng để nâng đỡ và hướng dẫn đời sống người ấy.

       Nhiều năm qua cha Eymard đã sống như thể sự tiến triển trong đời sống tâm linh tùy thuộc vào sức mạnh ý chí của cha. Cha vẫn nghĩ; kỷ luật bản thân là chứng cứ của một ý chí mạnh mẽ, và do đó là chứng cứ của sức mạnh Thiên Chúa. Nhưng giờ đây cha khám phá ra rằng cha chỉ cần để Thiên Chúa chiếm hữu bản thân mình. Vì nếu đặt ơn cứu độ trong sức mạnh của ý chí con người tức là coi như ơn cứu độ nằm trong tay mình chứ không phải trong tay Thiên Chúa. Với việc “dâng hiến bản vị” cha muốn để  chính Thiên Chúa cưu mang cha và để cho Thiên Chúa hành động.


Tịnh Lam,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập