![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
Thứ 4 Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay Thánh, cũng là điểm bắt đầu cho những bài hát thánh ca mang giai điệu sâu lắng và tâm tình “trở về” được vang lên nơi chính tâm hồn mỗi chúng ta. Trở về đi, về đi với Chúa, về đi với cha mẹ, với anh chị em và với nhau. Trở về cũng là cách chúng ta củng cố sự hiệp thông, hàn gắn những vết nứt trong các mối tương quan. Đó cũng là chủ đề chính của 3 ngày tĩnh tâm Mùa Chay tại Giáo xứ Khiết Tâm do Cha Giuse Phạm Văn Bình, dòng Phanxico hướng dẫn: “CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG” được cụ thể hơn với các đề tài: - Buổi 1: ngày 23/03/2023: Về nhà đi! Cả nhà mình đợi nhau! - Buổi 2: ngày 24/03/2023: Giáo xứ rộng mở. Mọi người cùng đến! - Buổi 3: ngày 25/03/2023: Nhà Hội Thánh, Nhà của mọi người!
Dựa trên Dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Cha giảng phòng gợi nhớ cho cộng đoàn về hình ảnh người con thứ trong dụ ngôn đã có 1 hành động ý nghĩa: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha”. (Lc 15,11-32) Việc anh ta quyết định đứng lên và đi về là vì anh ta hiểu rằng: chỉ có ở nhà cha mới có tình yêu, có bình an đích thực; về nhà cha mới được gặp cha, gặp anh em và là nơi dành cho chính mình. Mỗi độ tuổi chúng ta đều có kinh nghiệm “trở về” khác nhau. Còn nhỏ thì muốn về nhà sau ngày học mệt mỏi để được ăn cơm, được vui chơi. Lớn hơn 1 chút thì muốn về với bạn bè nhiều hơn là gia đình. Khi trưởng thành, chúng ta có nhiều mối quan hệ hơn thì chẳng biết có muốn về nhà với cha mẹ, với anh chị, với họ hàng nữa không? Hoặc ít nhất, chúng ta cũng muốn về nhà chỉ để ngủ mà thôi. Quả thật, ai trong chúng ta đều có những lý do để không về nhà, không gặp nhau và không đối thoại với nhau. Cha giảng phòng đã hướng dẫn cho cộng đoàn hiểu hơn tại sao chúng ta cần “về nhà”. Ngày nay, con người ta quên mất giá trị của những bữa cơm gia đình. Trong bữa cơm gia đình, chúng ta được nuôi dưỡng thân xác bằng mâm cơm mẹ nấu, được chia sẻ củng cố tinh thần qua lời dạy dỗ của cha, được sống trọn vẹn tình nghĩa gia đình bằng việc trò chuyện cùng nhau. Bên cạnh đó, giờ kinh tối trong gia đình cũng vô cùng quan trọng. Thân xác đã được “no nê” thì linh hồn, đời sống thiêng liêng cũng cần được nuôi dưỡng mỗi ngày. Cùng nhau đọc kinh nguyện là cách chúng ta đón Chúa Giêsu đến và ở lại với gia đình mình, nhờ đó, gia đình ta luôn được chúc phúc và an bình. Kết thúc ngày thứ nhất, cha giảng phòng đã đưa ra 4 việc làm dễ hiểu, dễ nhớ để cộng đoàn, cách riêng là các em thiếu nhi cùng thực hiện: (1) Đi học/ đi làm xong thì hãy về nhà, cùng nhau ăn tối và đọc kinh tối mỗi ngày (2) Hãy ở lại trong nhà và đón nhận nhau, tôn trọng nhau để gìn giữ gia đình êm ấm (3) Trong bữa cơm, không làm việc riêng mà hãy chọn việc dành thời gian cho nhau (4) Hãy đem Chúa vào nhà – dù rằng chúng ta có tất cả mọi thứ nhưng quan trọng và hơn hết là phải có Chúa trong nhà ta
Nếu như ngày thứ 1 là mời gọi mọi người cùng trở về nhà của chính mình thì chuyển qua ngày thứ 2 này, Cha hướng ý cộng đoàn biết “trở về” với “ngôi nhà chung” của con chiên giáo xứ Khiết Tâm. Thật diễm phúc cho chúng ta vì giáo xứ chúng ta được nuôi dưỡng và gắn liền với Thánh Thể. Hàng ngày, chúng ta đều được mời gọi đến với Ngài, vì Thánh Thể là nơi Chúa yêu con người. Vậy làm sao duy trì sự sống Thánh lễ? Cha giảng phòng đã đưa ra 2 cách thức: (1) Tìm đến nhà thờ Dựa vào phương diện lãnh nhận các bí tích, nhà thờ là nơi tiếp nhận ta, giúp ta trở nên con của Hội Thánh; nơi yêu thương và bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhà thờ cũng là nơi gieo mầm và nuôi dưỡng đức tin của ta. Đến khi trưởng thành, ta còn cảm nhận được rằng, nhà thờ là nơi mà Thiên Chúa và Hội thánh chứng giám cùng chúc phúc cho tình yêu của con người. Cuối cùng, đến khi trở về với cát bụi, nhà thờ chính là nơi đưa ta trở về với Thiên Chúa trong niềm hân hoan. Thật vậy, nhà thờ là ngôi nhà của yêu thương, của sự hiệp thông. Thật tiếc cho những “con chiên lạc” đang chưa tìm thấy nơi để trở về, hoặc đã về nhà chung nhưng không muốn vào trong nhà. Điều này là nỗi lo lắng nhưng cũng là sứ mạng của các vị Mục tử, làm sao để cộng đoàn lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, nhận lãnh những ơn lành của Chúa qua thánh lễ, qua Lời Chúa, qua Thánh Thể cũng như các công tác chung của giáo xứ. (2) Biết khôn ngoan sắp xếp thời gian đến nhà thờ Khi ta có mong muốn đến nhà thờ, hãy chọn cách khôn ngoan sắp xếp công việc để đến ngay. Và mỗi tín hữu đều được mời gọi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, để cùng hỗ trợ nhau trong các công tác, các hoạt động chung vì đây là “ngôi nhà chung” của chúng ta. “Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng. Cũng có những cửa khác không được đóng. Mọi người có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống của Hội Thánh; mọi người có thể là thành phần của cộng đoàn, và các cửa của bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì.” – Trích Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Khi đến với Chúa, chúng ta nhận được rất nhiều ân sủng, Vậy nên, chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị Mục Tử và cầu nguyện cho nhau để cùng xây dựng nhà thờ, trở nên động lực cho những ai chưa nhận được như những gì chúng ta được nhận. Đó là cách chúng ta diễn tả rõ tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống này.
Lược sơ Lời Chúa của các Chúa Nhật trong Mùa Chay, chúng ta được thấy 1 điểm chung: là khi con người bước vào cuộc hiệp thông với Chúa thì khi ấy, con người tìm được hạnh phúc và cách sống cho mình. Như cách mà ông Phêrô đã vui lên và nói: “Thưa Thầy, chúng ta ở đâ, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái và ông Êlia một cái.” (Mc 9, 5) Cũng như hình ảnh người phụ nữ Samari được Chúa tỏ hiện vinh quang thì vui mừng và muốn xin Ngài cho uống Nước Trường Sinh. Và bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa cứu sống anh Ladarô sau 4 ngày chôn trong mồ, như muốn nói đến việc toàn thể nhân loại sẽ được bước vào sự hiệp thông với một Thiên Chúa hằng sống, không bao giờ có sự chết. Trong sự hiệp thông, giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người, ta có niềm vui và bình an. Vậy, với những gì đang bị rạn nứt, đổ vỡ, mỗi chúng ta hãy đứng dậy và trở về. Về nhà vì trong nhà ta có yêu thương, có tình ruột thịt. Và học cách đón nhận nhau, bảo vệ nhau. Đồng thời, chúng ta cần trở về với ngôi nhà chung, là giáo xứ chúng ta. Dù rằng, có nhiều người không tin nữa, không muốn đến nữa, hay có những hành động chống đối, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Để rồi chúng ta ý thức rằng, đến nhà thờ để được đón nhận ân sủng và được biến đổi con người sống tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta còn ngôi nhà lớn hơn nữa, đó là Giáo Hội Việt Nam, Giáo Hội hoàn vũ. Đến với Giáo Hội hoàn vũ vì trong đó, ta được kể là thành phần của Đức Giêsu Kitô. Theo hiến chế tín lý về giáo hội: “Hội Thánh chính là thân thể hữu hình của mầu nhiệm nhập thể Đức Giêsu Kitô.” Giáo Hội ngày nay luôn có những vết nứt cần được hàn gắn lại, và đó là trách nhiệm của mỗi tín hữu chúng ta. Sau Thánh Lễ ngày tĩnh tâm cuối, Cha xứ đại diện cộng đoàn giáo xứ, cám ơn cha giáo, đã giúp giáo xứ 3 ngày tĩnh tâm thật sốt sắng. Cha đã khéo léo dọn bữa ăn tinh thần thật là ngon, giáo xứ lại xin được đăng ký năm sau nữa. Cộng đoàn giáo xứ chúng con xin cám ơn Cha Giuse đã dành thời gian đến giáo xứ và hướng dẫn cộng đoàn chúng con hồi tâm trong những ngày vừa qua. Ước mong mỗi người chúng con biết cách “trở về” với Chúa, và với nhau để tình hiệp thông luôn được củng cố nơi gia đình, giáo xứ và Giáo Hội. BMVTT |