nên giống Trái Tim Chúa

 

Trong suốt cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, tất cả các giáo huấn và hành động của Người đều nhắm đến một đối tượng duy nhất đó là trái tim của con người. Đã là người thì ai cũng có một con tim. Đức Giêsu nhắm đến việc hoán cải con tim ấy. Nước của Thiên Chúa được thành lập trong chính những con tim nhân loại. Vì thế tất cả con người và giáo lý của Đức Giêsu đều xoay quanh chữ “yêu”. Hình ảnh trái tim Ngài bị đâm thâu trên thập giá đã nói lên tất cả về tình yêu thương xót này.

Con người được Thiên Chúa ban tặng một trái tim bằng thịt. Con tim con người là con tim biết xót thương, vì thế khi đứng trước những nỗi đau, những giọt nước mắt và những đổ vỡ tan thương của người khác, không một con người bình thường nào lại không cảm thấy chạnh lòng, không cảm thấy bùi ngùi xót xa. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội thích sự hưởng thụ và tục hoá, tâm trí con người đã nên vẫn đục, tâm tư và ước muốn của con người luôn ích kỷ.  Vì thế trái tim con người luôn cần được nuôi dưỡng bởi tình thương và cần được sống trong tình thương. Cần uốn nắn lòng chúng ta nên giống Trái Tim Chúa

Đức Giêsu là con người của lòng thương xót. Trái tim Ngài luôn bày tỏ sự đồng cảm và chia sớt những bạc bẽo trong thân phận của những người nghèo và những kẻ bị xã hội khinh miệt ruồng rẫy. Người sẵn sàng để cho lòng thương xót đẩy mình vào những hệ lụy phiền phức khi giao du với những người bị cho là tội lỗi và ô uế, những kẻ thu thuế, những người bệnh tật, những cô gái điếm…

Tin Mừng nói cho chúng ta biết Đức Giêsu động lòng, cảm thương, bồi hồi, xao xuyến khi thấy đám đông lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Ngài vui mừng tìm lại được một tội nhân đã lạc mất, như người chăn chiên vui mừng vì tìm được chiên lạc. Khi người ta kéo đến với Ngài đông nghịt từ trong nhà đến ngoài ngõ, Ngài chẳng nỡ chối từ. Muốn tìm một chỗ thanh vắng để nghỉ ngơi, nhưng khi thấy dân chúng lặn lội đường xa tìm mình, Đức Giêsu chẳng còn thiết chi mệt mỏi nữa, nhưng tận tình giảng dạy họ với hết năng lượng của mình.

Đức Giêsu có một trái tim luôn biết thương xót và cảm thông. Biết được tương lai buồn bã của thành thánh Giêrusalem, nghĩ đến cảnh hoang tàn đổ nát của nó, nghĩ đến cảnh con người bị tản mác khắp nơi chứ không được quy tụ về như đàn gà con dưới cánh mẹ, Đức Giêsu không khỏi buồn thương và nhỏ những giọt lệ tiếc nuối. Khi hiện diện trong tang lễ của Lazarô, nhìn thấy cảnh mọi người khóc lóc vì sự ra đi của người thân, dòng lệ bỗng tuôn trào ra nơi khóe mắt một cách tự nhiên, xúc động tiếc thương vì sự ra đi của một người bạn mà Ngài quý mến. Hẳn là phải thương thành Giêrusalem và người bạn của mình nhiều lắm, Đức Giêsu mới có thể xúc động đến nghẹn ngào như vậy.

Nhưng có lẽ điều làm chúng ta cảm động nhất khi chiêm ngắm Trái Tim của Giêsu là khi Ngài chuẩn bị bước vào Cuộc Thương Khó. Một trong những điều khiến Đức Giêsu bồi hồi xao xuyến rất nhiều vào đêm tiệc ly chính là việc Ngài phải rời xa các môn đệ mà Ngài vô cùng yêu mến. Cho dù các môn đệ không phải là những con người xuất chúng, lỗi lạc, nhưng một khoảng thời gian dài chia sẻ cuộc sống với nhau cũng đủ để xây dựng một tình cảm không dễ phai nhòa. Rồi cả việc lo lắng cho họ nữa, không biết họ sẽ ra sao khi mình bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết, không biết họ có đủ niềm tin để vượt qua thử thách này không, không biết họ có bao bọc che chở nhau vào khoảnh khắc đen tối này không. Tất cả chất chứa trong cây thập tự mà chính Ngài phải vác lên đồi để bày tỏ lòng thương xót đến vô hạn.

Thế nhưng Đức Giêsu nặng tình chứ Ngài không ủy mị. Trái tim của Đức Giêsu dạt dào những cảm xúc yêu thương và mong muốn được gần gũi người thân, nhưng tình yêu của Ngài là một cái tình đầy sức mạnh và lòng quả cảm, có sức thánh hoá biến đổi tất cả. Tình yêu ấy làm cho Ngài trở thành một con người thật gần gũi đặc biệt với những ai khốn cùng và tội lỗi. Với Đức Giêsu, lòng thương xót không bao giờ là nghĩa cử thương hại, nhưng là đồng cảm và đồng hoá mình với người khốn khó. Lòng thương xót là nhận lấy nỗi đau của người khác làm của mình. Lòng thương xót mời gọi đồng cảm với những mảnh đời lầm than cơ nhỡ.

Đi theo Đức Giêsu, các môn đệ được mời gọi trở nên giống Ngài. Và bài học đầu tiên Đức Giêsu muốn các môn đệ phải thuộc lòng chính là biết chạnh lòng thương như Ngài. Điều đó có nghĩa các môn đệ phải biết tạo cho mình thói quen biết rung động trước những hoàn cảnh khốn khó của người khác, trước những người đang thực sự cần giúp đỡ. Lòng thương xót tự nhiên bắt người môn đệ Đức Kitô phải có trách nhiệm với những người anh chị em của mình như người Samaria nhân hậu. Lòng thương xót nơi trái tim người môn đệ sẽ giúp họ có những sáng kiến bất ngờ như cách mà Đức Giêsu chạnh lòng thương và cứu người phụ nữ phạm tội ngoại tình thoát khỏi sự kết án của đám đông người Do Thái

Tuy nhiên trong xã hội hôm nay, đôi khi lòng thương xót mang đến cho chúng ta nhiều phiền toái và làm dở dang những kết hoạch và làm phân tán sự tập trung của chúng ta. Thậm chí, có khi lòng thương xót của chúng ta bị lạm dụng bởi những người đóng kịch lừa bịp, làm cho chúng ta không còn muốn thực thi lòng thương xót với anh chị em đồng loại nữa. Trong bối cảnh đó, chúng ta hãy xin Thánh Tâm Chúa uốn nắn lòng chúng ta nên giống Trái Tim Chúa, con tim Ngài sẽ bồi hồi xao xuyến cùng với những tâm tư của ta. Nếu đã một lần nào đó trong cuộc đời chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, chúng ta hiểu rằng thực thi lòng thương xót với những người anh chị em đồng loại không phải là một điều tùy tiện, muốn thì tôi làm, không muốn thì tôi không làm, nhưng đó chính là một bổn phận mà chúng ta phải làm. Hãy chạy đến với Thánh Tâm Chúa mỗi khi đoạn đường chúng ta đi có chút khó khăn và ngăn trở, mỗi khi lòng ta như se thắt lại trước những bão tố của cuộc đời. Nên nhớ rằng khi biết cảm thương, biết khóc, biết để lòng mình đồng điệu với tha nhân, điều đó mới làm cho con người chúng ta trở nên cao quý và lúc đó chúng ta sẽ hiểu được rằng thực thi lòng thương xót với con người là cách thế gần gũi và thiết thực nhất để chúng ta phụng sự Thiên Chúa.

Tuỳ Phong ,sss

 

 

Một Biển Cả

Của Lòng Thương Xót

Bài huấn đức của cha thánh Ê-ma cho các  soeur Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 17-09-1862, Paris về Tình yêu thương xót.( PS 443, 5 (XVI, 466)

 

Tôi đã nói rằng các Sơ (soeur) lẽ ra phải hạnh phúc hơn đàn ông chúng tôi, vì Thiên Chúa ban cho các Sơ một trái tim nhậy cảm hơn. Chúng tôi nghiêng về lý lẽ hơn là trái tim và tình yêu. Tôi biết rất rõ rằng mỗi người đều ở trước mặt Chúa, và ơn sủng kiện toàn tâm tính chúng ta. Nhưng đối với tôi thì các Sơ lẽ ra phải thấm nhuần lòng thương xót của Chúa, khóc lóc trước lòng thương xót Chúa. Một Sơ có thể nói: Con nguội lạnh. Sao kỳ lạ thế, các Sơ không có trái tim sao? Các Sơ phản ứng thế nào? Nếu nhìn Chúa trên ngai, các Sơ sẽ không cảm thấy gì vì vinh quang của Người quá vĩ đại. Nếu nhìn Người trên ngai, trong vinh quang, Người sẽ quá cao vời trước mặt các Sơ. Vậy các Sơ phải nhìn vào đâu? Hãy nhìn vào lòng thương xót, lòng nhân hậu cao cả của Người, múc cạn hết sự dịu dàng của Người trong quá khứ. Nếu muốn duy trì một trái tim nhậy cảm và đáp ứng sâu xa, các Sơ phải đặt mình trong tình yêu thương xót ấy mỗi giây phút hiện tại. Làm sao các Sơ không cảm thấy gì được? Thường đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta không sống trong hiện tại, và do đó chúng ta không cảm thông. Nhưng nếu đặt mình trong hiện tại, mọi thứ sẽ khác. Hãy đặt mình trong ngọn lửa, và các Sơ chắc chắn sẽ cảm nhận nó … trừ khi các Sơ đã chết rồi.

Khi Chúa đổ tràn lên các Sơ ơn sủng và tình yêu, các Sơ phải làm gì? Các Sơ thân mến, khi ở trên thiên đàng, chúng ta chắc chắn sẽ chúc tụng Người, nhưng Người càng thương xót, chúng ta càng phải biết ơn. Chúa yêu thương chúng ta, rộng rãi ban cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Người, dù chúng ta chẳng đáng Người đoái nhìn, và thậm chí không đáng có một chỗ trong luyện ngục. Chúng ta có thể hiểu và nói một cách không quá đáng rằng lòng tốt của chúng ta sẽ không bao giờ sánh được với lòng tốt của Người. Chúng ta không bao giờ có thể trả lại nhiều như chúng ta đã nhận được. Các Sơ có thể đắm mình trong biển cả lòng thương xót và tình yêu trắc ẩn đó! Dù không nói ra thành lời, tôi hiểu lý do tại sao lòng thương xót ấy có lẽ bắt đầu chê trách chúng ta vì đã chai đá như thế khi Người tuôn đổ trên chúng ta, trên những khốn cùng và địa ngục, bao ơn huệ của Người, như trên đồi Can-vê. Nhưng giờ đây, vì sợ hãi làm tôi thương tổn, lòng thương xót của Người thậm chí không nhắc tôi điều gì, nhưng lại khích lệ tôi. Tôi có thể nói rằng Người yêu thương tôi nhiều như yêu thương linh hồn ưu ái nhất. Mặt khác tôi có thể nói: Lạy Chúa, Người gõ lầm cánh cửa rồi sao? – Các Sơ thân mến, không! Vậy chúng ta phải làm gì? Như vị hôn thế trong sách Diễm Ca, hãy thưa: Linh hồn con tan chảy khi con nghe thấy tiếng người con yêu dấu (xem Dc 5:6). Để làm gì? Vì tình yêu.


Eymard


Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập