Tông đồ Thánh Thể - Chứng nhân

cho Đấng Phục Sinh 

 

Làm chứng về Đấng Phục Sinh đó chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Người tạm biệt các môn đệ để về trời: “Anh em hãy là những chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Các Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến việc Chúa Phục Sinh gặp gỡ các tông đồ và sai các ông đi khắp nơi để tiếp tục sứ vụ giảng dạy của Người. Từ “chứng nhân” xuất phát từ môi miệng của Đức Giêsu Phục Sinh vào chiều tối ngày lễ Vượt Qua, Ngài đã mở lòng mở trí cho các môn đệ về mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của mình và Ngài nói với họ: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48). Và  Phêrô đã dùng từ ngữ “làm chứng” sau khi ông đã chữa lành người què tại cửa đền thờ, ông đã lớn tiếng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15).

Từ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ ý thức tầm quan trọng của lệnh truyền này và đã mau mắn hăng hái thi hành. Nhưng chứng nhân là ai? Và là làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh như thế nào?

Chứng nhân là người đã chứng kiến một sự việc, nên đã hồi tưởng và thuật lại. Nhìn thấy, hồi tưởng và thuật lại là ba tiến trình diễn tả căn tính và sứ mạng của nhân chứng. Chứng nhân là người đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan một thực tại, một biến cố; sau đó họ hồi tưởng lại. Việc hồi tưởng không phải chỉ đơn thuần nhớ lại biến cố đã diễn ra một cách chính xác, nhưng việc hồi tưởng là do thúc bách của nội tâm, chính những biến cố đã ngỏ lời với nhân chứng, thúc đẩy nhân chứng và người này lãnh hội biến cố ấy với một sự hiểu biết và cảm nghiệm sâu xa. Và rồi nhân chứng thuật lại, không phải với một cách thức lạnh lùng và xa cách, nhưng như thể một người để cho mình dính líu đến sự việc và từ ngày đó nhân chứng đã thay đổi cuộc sống mình. Chứng nhân là người đã làm cho đời sống mình biến đổi.

Trong những lần hiện ra sau phục sinh, chúng ta có quyền thắc mắc là tại sao Đức Kitô không hiện ra trước tiên với các môn đệ ngay khi sống lại, mà lại hiện ra với bà Maria Mađalêna, rồi nhờ bà chuyển lời đến các ông? Hay tại sao Đấng Phục Sinh không hiện ra ngay để chứng thực với Tôma, khiến ông phải bẽ bàng trước các tông đồ, nhưng lại đợi đến tám ngày sau? Hay tại sao Đấng Phục Sinh lại không tỏ lộ cho những môn đệ thân tín trước, mà lại tỏ mình ra cho hai môn đệ vô danh khi hai người này buồn bã cất bước về quê? Đức Giêsu đã không chọn lối hành xử nào trong số các cách vừa nói. Điều Ngài muốn là: “chính anh em hãy làm chứng cho Thầy”.

Có thể Chúa muốn dùng khoảng thời gian tám ngày để các tông đồ - những người đã thấy Chúa, làm chứng cho Tôma về sự phục sinh bằng chính lối sống của mình. Tiếc là sau khi đã biết Thầy phục sinh từ cõi chết, các tông đồ vẫn cứ u buồn, cứ thất vọng, cứ lo lắng và giam mình trong căn phòng tối, làm sao Tôma có thể tin là các ông đã thấy Chúa. Một người khi đã gặp được Chúa sẽ ngay lập tức biến đổi cuộc đời mình, sẽ không còn mang trong mình những điều tiêu cực, nhưng sẽ sống một lối sống mới đầy can đảm và nhiệt thành hơn. Một đời sống ủ rũ không thể là một đời sống có Chúa Phục Sinh được.

Chúng ta nên biết rằng nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một ý thức hệ hay một hệ thống phức tạp của giáo huấn, nhưng như một sứ điệp cứu độ, một sự kiện cụ thể có năng lực biến đổi đời sống, đúng hơn là một Con Người: là Đấng Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Chuộc hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người. Ngài có thể được minh chứng bởi những ai đã có kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Ngài, trong cầu nguyện và qua Giáo Hội, ngang qua tiến trình được đặt nền nơi Bí Tích Thánh Tẩy, từ sự nuôi dưỡng của Bí Tích Thánh Thể, từ dấu ấn của Bí Tích Thêm Sức, và sự hoán cải liên lỉ của họ nơi Bí Tích Hòa Giải. Hơn nữa, khi được Lời Chúa hướng dẫn, mỗi Kitô hữu có thể trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh.

Cha thánh tổ phụ Eymard – vị Tông Đồ Thánh Thể (TĐTT) đã tìm thấy sức sống của Đấng Phục Sinh nơi Thánh Thể. Thánh Thể trở thành nơi gặp gỡ cách thân mật với Đấng Phục Sinh. Chẳng phải là khi cử hành thánh lễ, Giáo Hội công bố sự chết và sống lại của Chúa. Cha thánh Phêrô Giulianô Eymard, đấng sáng lập Dòng Thánh Thể đã tự hiến thân toàn bộ con người và tất cả những gì ngài có cho lý tưởng Thánh Thể và để Thánh Thể trở thành tin mừng phục sinh mang đến cho con người và thế giới một sức sống mới và một tinh thần mới. Cha Eymard cũng muốn các con cái của ngài là các linh mục, tu sĩ nam nữ, các hội viên HĐTT tiếp bước ngài trở nên những TĐTT, họ cần đem việc cử hành lễ tưởng niệm Chúa làm trung tâm cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Những người đang theo bước chân của cha Eymard được mời gọi làm chứng về một lối sống Thánh Thể, nên, bằng trọn cuộc sống, những TĐTT trở thành những người “thờ phượng trong thần khí và sự thật mà Chúa Cha kiếm tìm ”.

Vì Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa rất sống động và là bí tích mang lại sự sống đời đời. Vị TĐTT sẽ không tìm được Thánh Thể ở nơi nào không có tình yêu, không có sự sống. Có những vị giảng rất hay về Thánh Thể nhưng người nghe sẽ không cảm nhận được vì đời sống của vị ấy không có “chất Thánh Thể”. Thánh Thể có sức mạnh biến đổi cuộc sống. Sứ mạng của Giáo hội là trở thành một cộng đoàn của tình yêu thương và nền hòa bình trên thế giới. Vị TĐTT sẽ dễ dàng nhận thấy cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu như là một lời mời gọi, để cởi mở cuộc sống của mình đối với tất cả những người nghèo khổ đang chịu đựng tình trạng bạo lực và áp bức. Nơi Thánh Thể, Đức Kitô đã tự trao hiến trọn vẹn bản thân mình cho nhân loại, nên vị TĐTT nhận được tự nơi Đấng Phục Sinh cảm hứng và sức mạnh để phục vụ bác ái và dấn thân biến đổi xã hội. TĐTT chia sẻ sứ mạng của Đức Kitô, Đấng đã được sai đến loan tin mừng cứu độ cho những người rốt hết và những kẻ bị loại trừ, cho những ai bị đè nén bởi khó nghèo và thấp cổ bé miệng, bởi bệnh tật và thử thách, và cho những người đang chịu bách hại vì công lý.

Khi cầu nguyện bằng chiêm ngưỡng và tôn thờ Đức Kitô hiện diện nơi Thánh Thể đặt long trọng trên bàn thờ hoặc vẫn cất giữ trong nhà tạm, người Kitô hữu kéo dài ân huệ  của mầu nhiệm đã cử hành, gia tăng mối kết hiệp với Đức Kitô, để cùng với Người và như Người, chúng ta trở nên tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới. (TB số 8). Như các môn đệ Emmau đã gặp Đấng Phục Sinh và nhận ra Người lúc bẻ Bánh, chúng ta đồng hành với tất cả những người nam nữ đang tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mình, và chúng ta loan báo Đức Kitô là Lời đem lại sự sống vĩnh cửu.(TB số 14)

Còn quá nhiều người trên thế giới này sống trong đau khổ và lầm than vì mất đi niềm hy vọng và ánh sáng tương lại. Có nhiều người đã bước theo Đức Giêsu trong âm thầm và tín thác, nhưng họ chỉ mới dừng lại bên mộ để khóc than, chứ chưa cảm nếm được niềm vui phục sinh của Người. Vị TĐTT phải có cách nào để họ tin rằng Đức Giêsu đã sống lại, rằng cái chết không còn chế ngự được Người nữa, rằng thần chết và bè lũ của nó đã bị Ngài đánh bại. Chắc chắn chỉ có những người đã gặp Chúa nơi Thánh Thể mới có thể giúp người khác loại đi những bộ mặt u ám, gạt đi những giọt nước mắt buồn thương vì chính Thánh Thể sẽ giúp họ đứng dậy, cười vui, và sống một đời sống mới. 

TĐTT trước hết phải là những người cảm nghiệm được sự phục sinh của Chúa trong Thánh Thể thì mới làm chứng cho sức sống và tình yêu của Ngài. Bởi nếu chưa sống được kinh nghiệm với Đấng Phục Sinh đang hiện diện thật nơi Thánh Thể, người ta cũng sẽ không thể nào trao ban niềm vui phục sinh ấy. Dấu chỉ của phục sinh phải là một cuộc sống lạc quan, vui tươi trong bỏ mình và phục vụ mà không đòi đền đáp hay trả công. Cảm nghiệm được sự phục sinh của Chúa cũng là hăng hái lên đường, chẳng từ nan, chia sẻ về Chúa và tình thương của Người cho những ai ta gặp gỡ, khơi dậy trong họ niềm hy vọng đang ẩn khuất trong tim. Có như vậy, người ta mới có thể tin rằng Chúa đã phục sinh từ cõi chết.

 

 

Tùy Phong,SSS

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập