|
CÁI CHẾT TỬ ĐẠO CUỘC HIẾN TẾ LÊN THIÊN CHÚA
Hiến tế đầu tiên của Giáo Hội là Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại. Cái chết của các thánh tử đạo cũng đã mô phỏng cuộc hy tế của Đức Kitô trên thập giá. Các vị tử đạo đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay một tham vọng nào cả. Đối với các ngài, sự hiến dâng mạng sống chính vì một Đấng mà các ngài yêu mến là Đức Giêsu. Các thánh tử đạo đã sống và hành xử như người môn đệ của Đức Giêsu. Sống chứng tá cho những giá trị tốt đẹp của Tin Mừng đôi khi lại phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Đức Giêsu hứa ban phúc Nước Trời cho những ai can đảm sống đức tin đến cùng và ngay ở đời này một khi dám sống và hy sinh cho những điều tốt đẹp, con người sống trọn vẹn căn tính và nhân phẩm của mình, họ trở thành người hơn và tự do khỏi những đam mê và lệ thuộc. “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Qua hình ảnh mục nát của hạt lúa mì, Chúa Giêsu mời gọi mọi người bước vào khám phá “MẦU NHIỆM TỰ HỦY” đến tột cùng của Ngài. Thánh Phaolô đã trình bày mầu nhiệm này trong thánh thi Pl 2,6-8. Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, * trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. “Tự hủy” không phải chỉ được hiểu trong cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô. Sự tự hạ của Ngôi Hai Thiên Chúa từ thân phận Chúa Tể muôn loài xuống thân phận con người là bước đầu tiên. Tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Trở nên như con người, sống như con người, có cảm giác và có các nhu cầu như con người. Đức Giêsu đã hoàn toàn giống như con người. Khi tự hạ, Đức Giêsu cũng chấp nhận mang nơi mình sự hư vô đó, để chia sẻ với chúng ta sự thấp hèn, đau khổ phát sinh tự bản tính hư vô ấy để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Con người cũng có nhiều loại, nhiều hạng. Có người sống nơi chốn đài các cao sang, có người cơm dư gạo thừa phú quý. Thế mà, Con Thiên Chúa đã đi xuống thêm một bước nữa, là chọn cho mình một vị thế ngang bằng với vị thế của một tội nhân, được đánh dấu bằng cái chết nhục hình, cái chết trên thập giá, một hình phạt dành cho những tên tội đồ nguy hiểm, hung ác và ghê tởm nhất. Vốn là Đấng thanh sạch, Giêsu đã tự xếp mình vào hàng tội nhân là để có thể hoàn toàn chung chia kiếp sống tối đen của con người. Nếu Ngài chỉ ở vị trí của những vị thánh, Ngài không thể là Đấng cứu chuộc được. Nếu Ngài muốn giữ một khoảng cách với các tội nhân, Ngài đâu cần xuống thế làm gì. Ngài đã tự hạ mình để “thần hóa con người”. Và chính nhờ sự tự hủy mình ra không của Đức Giêsu mà kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Từ đó, nhân loại liên tục được đón nhận ân sủng từ trời cao nhờ công nghiệp khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Sự tự hạ và lựa chọn của Đức Kitô đi tới cùng đích của thân phận thụ tạo đó là “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7). Đây là hành vi đối lập lại với “sự bất tuân phục” của Ađam xưa đã mở lối cho tội lỗi và sự chết xâm nhập vào thế giới nhân loại. Ở đây ta có thể diễn tả toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu Kitô đó là “vâng phục”: Người đã vâng phục Chúa Cha, bằng lòng chịu chết… Tình yêu và dâng hiến luôn song hành với nhau. Hành vi vâng phục hoàn hảo nhất là tự dâng hiến chính mình vì tình yêu. Ngôi Lời đã tự huỷ chính mình để có thể sống hoàn toàn cho Chúa Cha và cho loài người. Tình yêu của Đức Kitô đối với con người không thể diễn tả bằng lời nên Người đã thể hiện bằng hành động: “chết cho người mình yêu”. Tử đạo có nghĩa là làm chứng cho một lối sống tự huỷ, là làm sáng lên tâm tình dâng hiến vì yêu. Tử đạo là làm chứng bằng cách chấp nhận chết hoặc đổ máu mình ra để khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa, tiếp nối hành động của chính Đức Giêsu trên thánh giá. Lấy cái chết để làm chứng triệt để như thế đuợc đồng hoá với “của lễ toàn thiêu” như Sách Khôn ngoan nói “Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu”(Kn 3, 6). Và theo tác giả Thư Do Thái, khi Đức Kitô đổ máu mình ra trên thánh giá, là lúc Người “tự hiến tế làm lễ vật vô tì tích cho Thiên Chúa, nhờ Thần Khí vĩnh cửu thúc đẩy” (Dt 9, 14). Như vậy, hành động của các Thánh Tử Đạo chấp nhận chết vì đức tin cũng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần và nhờ đó các ngài trở thành “của lễ toàn thiêu”, và “của lễ thiêng liêng” được Thiên Chúa ưng nhận. Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, cầu nguyện trước khi bị hành hình cùng một lúc với hai Thầy Kẻ Giảng như sau: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”. Vâng, hành động của các thánh tử đạo chính là cuộc hiến tế mạng sống mình làm của lễ toàn thiêu và của lễ thiêng liêng, tô điểm thêm vẻ huy hoàng và vinh quang Hy Tế của Đức Kitô. Tuy nhiên, cái chết của các Thánh Tử Đạo không phải là một thái độ cuồng tín. Phúc tử đạo không phải dành cho những người chạy theo vinh quang giả dối, dù là bằng hành vi dâng hiến hoàn hảo nhất. Thế nhưng khi nào Thiên Chúa muốn biểu lộ niềm tin bằng hành động cụ thể, thì các vị tử đạo không ngần ngai đi cho trọn con đường của mình. Khôn ngoan và can đảm như hai đức tính hòa hợp nơi các thánh tử đạo. Tóm lại, các vị tử đạo cũng là những con người mang thân xác mỏng giòn như chúng ta, cũng biết rung cảm, cũng biết ham sống sợ chết. Nhưng giờ phút hy sinh đến, các ngài sẵn sàng tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó cái chết của các ngài có một ý hướng nhất định: đó là chết vì yêu. Cuối cùng, bài học rút ra từ những cái chết của các vị tử đạo là bài học của sự sống. Sự sống đó chính là tình yêu với Thiên Chúa và con người, tình yêu với những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bùng lên cách mãnh liệt trong mầu nhiệm tự hủy và hiến dâng. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt. Và cái chết của các vị Tử Đạo là một câu trả lời hùng hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ tôn giáo của các ngài.
Tịnh Lam, sss |