Hãy nhớ đến

CÁC ĐẲNG LINH HỒN

 

Hàng năm, Giáo Hội dành đặc biệt tháng Mười Một để cầu nguyện cho các linh hồn tín hữu đã qua đời. Trong niềm tin Kitô giáo, cầu nguyện cho các linh hồn thể hiện tinh thần hiệp thông liên đới thiêng liêng giữa những người đang sống và những ai “đã ra đi trước chúng ta với dấu ấn đức tin và nay đang nghỉ giấc bình an” (Kinh Nguyện Thánh Thể). Hơn nữa, chúng ta sống cuộc sống hiện tại với tâm hồn hướng về cuộc sống mai sau và hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu mà Đức Giêsu hứa ban cho những ai kiên trung đến cùng.

Tuy nhiên, nói về cái chết, về cuộc sống mai sau, về các linh hồn nơi luyện ngục quả là điều không dễ cho con người thời đại. Chúng ta không xa lạ với những câu chuyện thêu dệt về các linh hồn, về hình phạt luyện ngục. Điều này đôi khi làm cho nhiều  người nhầm lẫn niềm tin Kitô giáo với những chuyện hoang đường. Bản Hiến Chương Nước Trời, ở mối phúc thứ sáu nói cho chúng ta biết “Phúc cho những tâm hồn trong trắng, vì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”(Mt 5,8), vì vậy, “đối với những ai, vào lúc chết, ở trong tình trạng hướng đến Chúa, nhưng cách bất toàn, thì con đường đến hạnh phúc đòi hỏi một sự thanh luyện mà đức tin của Hội Thánh minh họa bằng giáo lý về luyện ngục” (ĐGH Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 04.08.1999).

Luyện Ngục là sự thanh luyện những anh chị em đã chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa đủ thánh thiện để được hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng. Bởi lẽ, cả khi đời sống chúng ta hướng về Chúa, nhưng chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tính ích kỷ, kiêu căng, bạo lực… Những bất toàn và khuyết điểm đó cần được tẩy luyện để chúng ta xứng đáng hưởng vinh quang Thiên Chúa trên Thiên Quốc. Hội Thánh gọi Luyện Tội là sự thanh luyện cuối cùng của những người được tuyển chọn, vốn hoàn toàn khác biệt với cực hình dành cho những kẻ bị án phạt.

Thực ra việc cầu nguyện cho người chết có một truyền thống lâu đời trong lịch sử Hội Thánh. Từ lúc khởi đầu, Hội Thánh đã kính nhớ những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ, cách đặc biệt là Hy Tế Thánh Thể, để họ được thanh luyện, và sau khi được thanh luyện, họ đạt đến thị kiến hồng phúc bên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên bố thí, lãnh nhận các ân xá và những công việc đền tội để chuyển cầu cho những người đã qua đời (GLHTCG 1032). 

Việc cầu nguyện cho các linh hồn thể hiện mối hiệp thông giữa Hội Thánh khải hoàn, lữ hành và thanh luyện. Tin Mừng Matthêu (Mt 9, 18-26) có trình thuật cho chúng ta về phép lạ Đức Giêsu cho bé gái 12 tuổi, con một vị thủ lãnh đã chết được sống lại. Sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là nỗi đau của bố, của mẹ và của cả nhà. Cái chết của đứa con, nhưng lòng tin lại là lòng tin của người cha: “Con gái tôi mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu, là nó sẽ sống”. Lòng tin của bố đã cứu được con mình. Điều kì diệu này được ghi lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người sống và kẻ đã chết. Vì Chúa cũng yêu thương những người chúng ta thương yêu trong Chúa.

 Cũng vậy, các linh hồn ở luyện tội cần đến lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức của người còn sống và khi mai ngày được hưởng nhan thánh Chúa, các ngài sẽ cầu bầu cho những người còn đang chiến đấu trên trần gian. Như thế, việc cầu nguyện cho các linh hồn vừa là việc bác ái, một việc làm do tình thương thúc đẩy để bù đắp phần nào tình cảm thiêng liêng, vừa là bổn phận phải có đối với những người đã qua đời như: ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em, bạn bè, người ơn . . . , mà có lẽ khi các ngài còn sống, chúng ta đã không chu toàn. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho các linh hồn còn là dịp nhắc nhở chúng ta đến sự chết. Sự chết không tha cho một ai. Có nhớ đến sự chết, có năng suy gẫm đến sự chết, mới giúp chúng ta biết phải sống thế nào cho hữu ích, cho tốt đẹp để được hưởng tôn nhan Chúa và được đoàn tụ với những người thân yêu đã ra đi trước.

Ắt hẳn ai cũng mong muốn được hạnh phúc vì đó là cùng đích cuộc đời. Chính vì “hạnh phúc” mà chúng ta khắc khoải tìm kiếm và con tim bị cuốn hút về niềm hạnh phúc ấy. Từ ngữ “cuộc sống vĩnh hằng” là cách nói khác về niềm khắc khoải này của con tim mà thôi. Chính khởi đi từ khao khát hạnh phúc đích thực là được ở cùng Đức Giêsu, chúng ta hướng cuộc sống và hành động của mình vào lựa chọn ấy và đồng thời cũng mong muốn cho tất cả mọi người được như vậy.

Tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, trong đó có những người thân của chúng ta, là cách thức chúng ta liên đới với họ và thực hành bác ái thiêng liêng cách sống động. Hơn thế nữa, cầu nguyện cho những người đã qua đời giúp chúng ta trân trọng và biết sống sao cho phù hợp giây phút hiện tại. Vòng xoay tấp nập của cuộc sống nhiều khi làm chúng ta quên rằng chúng ta còn có những liên đới vô hình, còn đang trên hành trình về cuộc sống mai sau. Tin Mừng thánh Matthêu chương 25 kể về ngày phán xét chung, trong đó những người được chúc phúc ngỡ ngàng thốt lên rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc…” (Mt 25, 37-38) Và câu trả lời càng làm họ ngạc nhiên hơn vì biết rằng một khi họ làm cho một trong những người bé nhỏ nhất là họ đã làm cho chính Chúa. Dụ ngôn kể trên cho chúng ta thấy rằng những hành xử nơi cuộc sống hiện tại mang tính quyết định như thế nào trong cuộc sống mai sau. Như thế, sẽ chẳng có một định nghĩa cho đúng và đầy đủ thế nào là cầu nguyện cho các linh hồn, cho bằng liên đới với anh chị em tín hữu đã qua đời bằng cả cuộc sống tốt lành, là cách cầu nguyện sống động và hữu hiệu nhất.

Chúng ta thường tất bật với nhịp sống hiện đại và phải gánh trên vai trách nhiệm gia đình. Có rất nhiều thứ chúng ta phải hoàn thành trong khi quỹ thời gian có hạn. Vì vậy, thật dễ hiểu nếu chúng ta thiếu sót hay thậm chí quên cầu nguyện cho các linh hồn. Mặc dù vậy, giữa bao lao nhọc thường ngày, nếu để ý, chúng ta vẫn có thể dâng lên cho Chúa những của lễ ngọt ngào để cầu nguyện cho anh chị em và cho chính mỗi người trong chúng ta. Đó là chính ngày sống của chúng ta với tất cả những hoạt động tốt đẹp chúng ta làm. Nếu chúng ta làm với lòng yêu mến trong tư cách là con cái Chúa, ắt hẳn cả ngày sống của chúng ta trở thành lời kinh nguyện tuyệt đẹp, không chỉ cho các linh hồn mà còn mang lại hoa trái cho chính bản thân mỗi người.

Tịnh Lam, sss

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập