ĐẠO HIẾU

 

Người Á châu nói chung và người Việt nói riêng, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, dù theo tôn giáo nào, dù theo Phật giáo, Cao Đài, Islam, Kitô giáo hay bất kỳ đạo nào khác tại Việt Nam đều rất trọng chữ hiếu. Không một người Việt nào có thể phủ nhận rằng mình đã được dìm sâu trong “Đạo Hiếu” truyền thống của cha ông, quen được gọi là “Đạo ông bà”

Người Việt được nuôi dưỡng trong cách sống “hiếu nghĩa” với những bậc sinh thành, khi các ngài còn sống cũng như khi đã khuất. Từ tấm bé, người Việt Nam được dạy rằng: 

Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

Lòng hiếu thảo còn được coi trọng như đạo làm con:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

“Đạo Hiếu” được đón nhận và đi vào lối sống của người Việt Nam một cách tự nhiên, ở mọi thời và mọi nơi. Thế nhưng, “Đạo Hiếu” theo văn hóa Việt Nam trong dòng máu của dân Việt qua muôn thế hệ ấy, khi gặp được Tin Mừng soi chiếu, nó được đón nhận tròn đầy hơn như một thành phần không thể thiếu được của toàn bộ đời sống của Kitô hữu.

Vậy Chúa dạy gì về đời sống hiếu nghĩa?

Ngay từ phôi thai thiết lập dân Chúa, thì Thiên Chúa đã truyền dạy rõ trong dân về bổn phận hiếu nghĩa của con cái đối với những bậc sinh thành ra mình như một đảm bảo phần rỗi của mình. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”(Xh 20, 12)

Sách Cách Ngôn còn đề nghị những thực hành cụ thể đối với mẹ cha: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1,8-9). “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6,20-22).

Tác giả sách Huấn Ca còn xác tín việc sống hiếu thảo với cha mẹ là điều kiện để được chúc phúc và làm đẹp lòng Thiên Chúa "Hỡi các con, hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho tàng. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền.  Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa" (Hc 3,3-16).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu nhắc lại luật hiếu thảo trong (Xh 20,12) và (Lv 20,9): "Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó" và Ngài nhấn mạnh  "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa" thì đó là những kẻ đạo đức giả. 

Thánh Phaolô trong thư Ep 6,1-3 khẳng định với giáo đòan ở Êphêsô: vâng lời cha mẹ là điều phải đạo, đó là điều kiện để được sống và sống hạnh phúc trên trần gian này: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.

Đức Giêsu trong thân phận con người, đã thể hiện lòng hiếu thảo cách toàn vẹn. Trước tiên Ngài luôn hiếu thảo với Cha trên trời, hoàn toàn tuân theo và thực hiện ý Chúa Cha trong mọi sự: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Lòng vâng phục hiếu thảo ấy được thể hiện cách cụ thể khi Đức Giêsu sống với thánh Giuse và Mẹ Maria tại gia đình Nazaréth. Để có thể là một con người trọn vẹn theo đúng nghĩa, Con Thiên Chúa cần có một người mẹ để có thể được cất khóc tiếng chào đời và cần một người cha để được bao bọc chở che. Nếu không có những giọt mồ hôi của Giuse và không có những hy sinh âm thầm của Maria, chưa chắc Giêsu có thể lớn khôn, trưởng thành trên mọi phương diện như Tin Mừng mô tả.

Môi trường gia đình là mảnh đất đầu tiên để Ngôi Hai Thiên Chúa học cách làm người, học lối ứng xử của một con người. Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nazaréth, Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao. Bầu khí yêu thương của gia đình Nazaréth đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Giêsu. Ngài đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình…. Giêsu đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Cách Đức Giêsu sống ở Nazaréth chứng minh một sự thật: gia đình chính là môi trường tốt sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Việc thảo hiếu với cha mẹ qua đời sống lành mạnh, nhiệt tâm phụng sự ý Chúa, nhờ đó gia đình mới có được hạnh phúc hơn, xã hội lành mạnh hơn và Giáo Hội thánh thiện hơn.

Tóm lại, thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ. Hội Thánh cũng nhắc chúng ta truyền thống tốt đẹp, giá trị thiêng liêng của gia đình. Đối với dân Việt đó cũng là một nẻo đường để giúp người ta nên thánh. Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, mỗi người tín hữu Việt Nam được mời gọi cảm nhận về những giá trị thần thánh của gia đình mà chúng ta vẫn thường nói chung một từ vắn tắt – Đạo Hiếu. Qua việc tưởng nhớ ông bà cha mẹ đã qua đời, Hội Thánh lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ là tình cảm tri ân đối với những vị đã ban sự sống, đã dùng tình yêu thương, công khó nhọc để sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác và về ân sủng, đó là nẻo đường dẫn người ta đến cõi phúc vĩnh hằng.


Tuỳ Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập