|
Gia Đình TRONG PHÚT GIAO THỪA
Giao thừa luôn là một thời khắc vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Thời khắc mà lòng người như lắng đọng, mọi vật như lặng im để đưa tiễn năm cũ đi qua với những thành công đã đạt được và chào đón năm mới trong niềm hân hoan với niềm tin và hy vọng. Giao thừa là khi đất trời giao hòa chờ đón một mùa xuân mới, là khi cảm giác bình yên, ấm áp xâm chiếm tâm hồn mỗi con người, khi những người con xa xứ vội vã trở về nhà hội ngộ bên người thân yêu trong bữa cơm tất niên… Đó là khi những bước chân trên đường phố trở nên hối hả hơn bao giờ hết. Dù là ai, làm gì, ở đâu, vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người cũng mong được có mặt ở nhà để được cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ ông bà, cha mẹ, được nhận từ ông bà cha mẹ tiền lì xì đầu năm cùng lời chúc mừng năm mới – một năm tràn đầy hạnh phúc... Trong tâm thức của con người, thời khắc giao thừa dường như ẩn chứa một sức mạnh tâm linh, mà trải qua thời khắc đó, người ta đều tin rằng trong mình có một điều gì đó đổi thay, mới mẻ. Khi trời đất, vạn vật cũng như con người, khoác trên mình chiếc áo mới. Với người Kitô hữu, giây phút giao thừa lại càng có ý nghĩa hơn. Sau khi chuẩn bị xong những gì cho ngày Tết và sau khi dâng thánh lễ Giao Thừa về, các gia đình Công Giáo thường quây quần bên nhau. Ngày nay, tiếng pháo đón giao thừa được thay thế bằng tiếng chuông ngân nga trong thời khắc đầu tiên của năm mới và đó cũng là lúc các gia đình Công Giáo cùng hướng lên bàn thờ Chúa, cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân năm cũ và dâng lên Chúa năm mới này, xin Chúa chúc lành cho gia đình. Kinh nguyện cũng nhẹ nhàng thôi nhưng đầy sự tín thác: 1 bài hát xin ơn Thánh Thần, 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, 1 đoạn Lời Chúa, 1 kinh vực sâu tưởng nhớ công đức tổ tiên, 1 chút thinh lặng để giải bày ước nguyện riêng của các thành viên trong gia đình và sau cùng là 1 bài ca cảm tạ tri ân. Kết thúc phần đối với Chúa luôn là phần giành những tình cảm cho nhau: phải chăng lúc này cần có một lời xin lỗi ông bà cha mẹ từ anh chị cả nói thay cho các em và các cháu. Và chắc chắn không thể thiếu những lời chúc tốt đẹp và đón nhận những ân phúc của ông bà cha mẹ thể hiện cụ thể qua những bao lì xì mừng tuổi con cháu…. “Ngày xuân bao người đi xa cũng về với gia đình”, đó là bởi vì chỉ trong khung cảnh đầm ấm yêu thương của gia đình mà người ta mới có thể hoà mình trong không khí giao mùa, cảm nhận được cái đẹp, cái linh thánh của những ngày đầu năm mới và gói gém nơi đó biết bao ước vọng chờ mong. Mỗi người trong chúng ta đều có những phút giao thừa của riêng mình, nó in đậm, khắc sâu trong tâm không dễ gì lãng quên. Ôi! Mùa Xuân…. M. Họa Mi |