|
Làm chứng nhân cho Tin Mừng của ChúaSáng hôm nay – 30/11 – tại giáo xứ Khiết Tâm, thuộc tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra thánh lễ tạ ơn của một người con trong giáo xứ, cũng là một tu sĩ trong Hội Dòng Thánh Thể vừa được lãnh nhận thiên chức linh mục ở bên Úc Châu vào ngày 23/11 tại nhà thờ St. Francis, Tổng giáo phận Melbourne bởi Đức giám mục Terence Curtin, D. D giám mục phụ tá.Thánh lễ tạ ơn được diễn ra vào thời điểm thuận lợi, một cách trang trọng và tốt đẹp qua sự hiện diện đủ mọi thành phần từ các linh mục đến các tu sĩ nam nữ, từ những người thân thích đến cộng đoàn giáo xứ xa gần. Thánh lễ được khép lại với lời cám ơn của tân linh mục không chê vào đâu được sau khi đã nguyện một lòng khắc ghi bao công khó của mọi người đã dành cho, tân linh mục còn đong đầy bằng những lời hứa thật là ngọt ngào… Nghe và ngẫm nghĩ về lời bày tỏ của tân linh mục, làm cho tôi nhớ đến không biết bao lời cám ơn của các tân linh mục khác cũng một cách nào đó tương tự. Nhưng điều này không quan trọng bằng sau đó cách sống, cách thực hành sứ vụ đã lãnh nhận như thế nào, để thiên chức này được nên trọn trong bất cứ hoàn cảnh nào? Dĩ nhiên, từ lời nói đến việc làm không có đơn giản và dễ dàng như có người đã nghĩ, mà là cả một đoạn đường đầy thách đố! Chính vì vậy trong chuyến công du đến hai nước Thái Lan và Nhật Bản vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã không ngừng nhắc nhở và mời gọi mọi người nhận biết hoàn cảnh của mình để mà sống làm sao cho phù hợp với di sản tổ tiên để lại trong hồng ân Chúa tặng ban cũng như bổn phận và trách nhiệm của mình. Giữa biết bao công việc phải thực hiện, lo toan, kể cả phải đối phó… thì điều căn bản, ưu tiên là luôn biết xây dựng hòa bình qua việc sống tình yêu thương, đặc biệt là đối với giới trẻ đang đầy tràn sức sống, nhiệt huyết, chẳng những thế còn phải biết quan tâm đến những người bị gạt ra ngoài xã hội về mọi mặt nữa... Đặt mối ưu tiên này, để rồi khi sống bác ái, yêu thương, ta mới có cơ hội làm cho hình ảnh của Chúa được hiện diện một cách sống động, đồng thời cũng là cách sự biểu lộ trung thành với sứ mạng của Đấng sáng lập Hội Dòng mà người tu sĩ đã khoác mầu áo lên. Dĩ nhiên ai cũng có những khó khăn của nó. Ai trên đường đời cũng phải trải qua những đoạn đường gian nan, thử thách…và có khi kéo dài cho tới chết! Không một ai có thể tránh né được sự nghiệt ngã này. Chính vì vậy, mà gương người đã đi trước luôn là một bài học vô giá để giúp cho ta vững tâm trên con đường bước tới hôm nay. Rõ nét là tại Giáo Hội Nhật Bản: Lịch sử Giáo hội Nhật Bản được biết đến nhiều trong thế kỷ XVII, giai đoạn được cho là một trong những thời điểm bắt đạo dữ dội nhất của lịch sử Kitô giáo. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên này gần như đã bị phá hủy hoàn toàn do các cuộc bắt đạo bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI, với việc đóng đinh 26 vị tử đạo vào năm 1597, và đỉnh cao vào thế kỷ XVII. Mặc dù vậy, một số Kitô hữu Nhật đã tìm cách để tồn tại và bí mật loan truyền đức tin cho các thế hệ tiếp theo. Các Kitô hữu tạo ra một biểu tượng, nghi lễ và ngôn ngữ mà những người bên ngoài cộng đoàn không thể hiểu được. Như thế, bắt đầu kỷ nguyên của kakure kirishitan, “Kitô hữu hầm trú”, sống âm thầm và gặp nhiều khó khăn. Để qua biết bao thời gian, Giáo hội Nhật Bản mới có được như ngày hôm nay, với những đóng góp to lớn khi có những vai trò quan trọng trong xã hội… Ngày xưa có khó khăn của ngày xưa, hôm nay có khó khăn của ngày hôm nay… nhưng đều có một điểm chung là mong muốn liên kết mọi người, thành một đại gia đình, gia đình của Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người, cũng như là Đấng đầy lòng thương xót. Và như tại xã hội Nhật Bản hôm nay, nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, hay bị các giáo phái khác lôi cuốn, bên cạnh đó cũng phải kể đến việc kết hôn với người không có cùng một niềm tin sâu xa…đã tác động không ít tới tầm quan trọng hiểu biết và sống đạo một cách nhiệt thành. Chắc chắn những điều kể trên không gói ghém hết ý nghĩa và giá trị của người môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô muốn vẽ lại cuộc đời của Ngài nơi cuộc sống của mình, đặc biệt là Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì như Đức Giêsu Kitô đã nhấn mạnh và quả quyết đối với những người muốn theo Ngài là “ Vác thập giá mình hằng ngày mà theo..” Sở dĩ có khổ hình thập giá theo sát và đè nặng nơi người môn đệ của Đức Giêsu Kitô là vì con người không chấp nhận con đường tình yêu mà Ngài đem đến! Mặc dù là phũ phàng đến như vậy, đến mức Ngài bị người ta hùa nhau đẩy Ngài lên thập giá một cách nhục nhã đến tột cùng, Ngài vẫn không đánh mất niềm tin mà Ngài đem đến cho con người, vì chỉ có tình yêu thương mới cứu độ con người, nhờ vậy mà qua đó nhiều người đã có cơ hội nhận ra lẽ sống đích thự lẽ sống đích thực của đời mình. Với Đức Giêsu Kitô cuộc đời của Ngài đẹp như thế thì huống hồ là con người chúng ta đầy tham, sân, si! Do đó, để luôn trung thành với bổn phận và sứ mạng đã nhận lãnh, ta phải luôn luôn lấy gương Đức Giêsu Kitô mà soi qua việc tự hỏi: Hôm nay, ngay bây giờ, trong giây phút này, với công việc đang đối diện đây…tôi có nên giống như Đức Giêsu Kitô không? Hỏi như thế, để nếu như có lỡ tôi đi lạc đường thì tôi có dịp mau mắn quay đầu trở về trước khi quá muộn! Hỏi như thế, để nếu giả như tôi có bước trật thì tôi biết đường mà điều chỉnh lại để đi cho đúng trước khi đi quá đà!!! Luôn có một tâm tình cố gắng không ngừng, thì tôi mới hy vọng làm tròn lời cám ơn, cũng như lời cam kết mà ngày xa xưa đó tôi hay một cách nào đó đã mạnh dạn bày tỏ trước mặt mọi người… Và còn hơn thế nữa, tôi không phụ lòng Thiên Chúa đã đặt trong tay tôi những nén vàng để sinh lời, khi tôi trở thành một tay thợ gặt lành nghề trong cánh đồng lúa của Đức Giêsu Kitô giữa thế gian hôm nay. Và tôi không xấu hổ trước hồng ân mà Đức Giêsu Kitô đã tặng ban cho tôi qua muôn người mà tôi không ngừng đối diện với muôn mầu muôn vẻ trong cuộc sống này. Thiên Quang sss
|