Cây cầu 15 tỉ đồng xây xong để "làm cảnh", dân vẫn lội suối

Được đầu tư tới 15 tỉ đồng, nhưng sau khi hoàn thành xong phần thân cầu, người dân ở Hòa Bình vẫn phải lội suối qua lại mỗi ngày, còn cây cầu xây xong để làm cảnh do đường dẫn lên cầu không có.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo UBND huyện Kim Bôi, nhanh chóng đầu tư đường dẫn lên cầu bắc qua suối Rộc, xã Kim Tiến (huyện Kim Bôi) để đảm bảo việc khai thác đồng bộ cây cầu, giúp người dân qua lại không phải lo lắng mỗi khi mưa lũ tràn về.

 Theo tìm hiểu, cây cầu bắc qua suối Rộc (xã Kim Tiến) do Công ty TNHH xây dựng dịch vụ Huy Hà (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) thi công với mức đầu tư 15 tỉ đồng từ nguồn vốn của nhà nước và vốn đối ứng của địa phương. Cây cầu được thi công và hoàn thành vào năm 2016.

Tuy nhiên, cây cầu chỉ xây xong phần thân cầu rồi dựng lại để đó, còn đường dẫn lên cầu không được nhà thầu triển khai xây dựng, dẫn đến cây cầu đến nay vẫn chỉ "để ngắm", nằm phơi mưa nắng suốt 2 năm qua. Cứ mỗi khi mưa lũ tràn về, nước dâng cao là người dân xã Kim Tiến phải liều mình lội qua suối hoặc chịu cảnh cô lập, còn cây cầu 15 tỉ đồng vẫn đứng đó... làm cảnh.

Ông Quách Đình Vận, Chủ tịch UBND xã Kim Tiến, cho biết, cầu xóm Cháo rất quan trọng bởi nó nối liền đường 12B từ thị trấn Bo đến thác Mặt Trời (huyện Kim Bôi), phục vụ việc đi lại của hơn 1.000 hộ dân xã Kim Tiến và khai thác du lịch cho địa phương.

"Sau khi hoàn thành phần thân cầu vào năm 2016, đến nay đường dẫn lên cầu vẫn chưa được làm xong là do UBND huyện thiếu kinh phí đầu tư. Trước đây, khi chưa xây dựng cầu, người dân phải đi qua suối Rộc bằng đường ngầm tràn, dù đã xuống cấp nhưng các phương tiện đi lại vẫn an toàn. Từ ngày làm cầu mới, đường ngầm tràn bị phá bỏ một đoạn, người dân phải bắc cầu tre qua suối khiến việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là các em học sinh nhỏ vẫn phải hằng ngày đến trường"- ông Vận nói.

 Cũng theo ông Vận, việc xây cầu để "phơi mưa nắng" suốt 2 năm qua gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sự phát triển xã hội của địa phương. "Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và của UBND tỉnh Hòa Bình, hiện phía nhà thầu đã bắt đầu thi công trở lại và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018 này"- ông Vận thông tin thêm.

https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/cay-cau-15-ti-dong-xay-xong-de-lam-canh-dan-van-loi-suoi-c46a1000155.html

Một vài suy nghĩ:

Đọc bài báo kể trên có lẽ không một ai tin là có thật! Vậy mà lại quá đúng như thế. Sở dĩ có chuyện cười ra nước mắt đầy nghẹn ngào này theo lý giải của ông chủ tịch là “là do UBND huyện thiếu kinh phí đầu tư!”

Từ sự việc làm cho nhiều người phải ngậm ngùi kể trên, làm cho ta những người kitô hữu nhớ lại Lời Chúa đã dạy là phải biết tính toán như trong việc xây nhà, hay khi đem quân đi giao chiến: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.( Lc 14,28-32) 

Không nói gì đến chuyện xa xôi, chúng ta đang bắt đầu bước vào tháng 11, tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Với tháng này, chúng ta cần phải làm gì?

Phần lớn là chỉ biết xin lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, nội ngoại và những người thân yêu. Thử hỏi có mấy người nhớ tới các tín hữu, đúng như Giáo Hội mong muốn ?

Xin lễ cầu nguyện như thế nào? Chắc chỉ được một lễ, hai lễ hay hơn một tí nữa và ta nghĩ như vậy là quá đủ rồi, không còn cần gì thêm nữa!

Nếu thế thì tại sao Giáo Hội lại phải dành cả một tháng và mời gọi làm các việc lành phúc đức chỉ cho các linh hồn?

Ngoài ra, ta cầu nguyện như thế nào, bởi vì cầu nguyện không phải là cho xong, cho qua…mà trong đó còn có cả phần cầu nguyện cho chính ta nữa, đúng như câu ca mà ông bà đã nhấn mạnh “ Gieo cái gì sẽ gặt lại cái ấy”. Do đó, trước hết ta phải nhớ là không biết các linh hồn như thế nào, nhưng kẻ thủ đắc đầu tiên là chính ta chứ không có một ai khác.

Vì thế, ta không có cảm nhận việc ta làm thật sự thì làm sao ta có được những ơn ích như ta hằng khao khát? Cho nên, không có thì lấy gì để mà cho đây? Mà cho không thật lòng, không có tâm tình thì làm sao ta mong đón nhận được ơn Chúa tặng ban?

Biết rõ nguyên tắc này, ngoài ra không có một sự du di nào…thì ta phải cố gắng bao nhiêu có thể, chứ đừng bao giờ làm nửa chừng…để mà đổ lỗi cho tại thế này thế kia giống như tình trạng chiếc cầu cần thiết kể ở trên, để cuộc đời theo Chúa của ta không ở trong tình trạng dang dở!.

Thiên Quang sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập