|
GIÁNG SINH AN BÌNH “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14)
Lời tựa trong Tin Mừng của Gioan đã chiếu rọi một ánh sáng rực rỡ, một ánh sáng chỉ có thể đến từ mặc khải của Thiên Chúa. Điều đó trước hết cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thành một trong chúng ta, chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống của con người, như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta, nghĩa là Ngài đã từ địa vị siêu việt của Thiên Chúa mà đi vào tương quan với vũ trụ vật chất giống như chúng ta. Ngài đã làm người, nghĩa là Ngài đã từ vĩnh cửu của Thiên Chúa đi vào lịch sử con người. Nhưng biến cố vĩ đại ấy lại được diễn ra trong một trình thuật rất âm thầm, đơn sơ và nghèo khó, đó là sự hiện diện của “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12) ở giữa chúng ta, Hài Nhi đó chính là Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa toàn năng chọn lựa hai con người nhỏ bé và nghèo hèn làm bố làm mẹ của mình đã là một chuyện khó hiểu. Nay Ngài lại chọn cho mình một chốn sinh ra không như những gì một Đấng Quân Vương cần phải có. Sao Thiên Chúa lại có thể biến mình thành một nhân vật nhỏ bé và tầm thường đến thế, khi Ngài đích thực là Chúa Tể của muôn loài. Vị trí của Ngài là cõi trời cao thẳm, nơi các Thiên Sứ phải phủ phục tôn thờ, sao lại trở nên bạn hữu với những mục đồng thấp kém và vô danh, làm con một đôi vợ chồng nghèo đến nỗi không tìm được một quán trọ để tránh rét tránh mưa? Vinh hạnh gì đâu chuyện bị người ta xua đuổi, bị người ta ruồng rẫy khi mình đến và chịu biết bao nhiêu lầm than là vì họ. Thiên Chúa đã đến đây rồi. Ngài không còn xa lạ với chúng ta nữa. Ngài không còn là một Thiên Chúa ở đâu đó xa lắc xa lơ trên không trung nhưng đã trở nên một con người có hình hài tay chân như bao người khác. Ngài đã đến gần con người, để con người có thể đụng chạm đến Ngài. Một Thiên Chúa siêu hình đã tự biến mình trở nên hữu hình với cái tên Giêsu thật gần gũi. Nếu Đức Giêsu đã chấp nhận tất cả để đến tận nơi rốt cùng của xã hội thì có điều gì bất trắc trong lòng chúng ta mà Ngài tránh né. Nếu chỉ vì chúng ta, Thiên Chúa đã chấp nhận cảnh bị xua đuổi, bị loại trừ, thì có điều chi khó khăn từ nơi chúng ta mà Ngài không muốn sẻ chia. Không biết con người trong nhân loại có cảm nghiệm được điều đó không? Mỗi người chúng ta có hạnh phúc khi biết rằng chính vì bản thân tôi mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chẳng từ điều chi, kể cả ngôi báu, để đến đồng lao cộng khổ với mình không? Con người mọi thời luôn khao khát bình an, không ai trên cõi đời này lại không muốn có một cuộc sống bình an hạnh phúc. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy, cuộc sống hằng ngày lại đầy những bất ổn và lo lắng. Muốn hạnh phúc, phải có bình an. Nhưng phải tìm bình an ở đâu? Mầu nhiệm Giáng Sinh cho ta biết điều chúng ta tìm kiếm. Bình an chính là được Thiên Chúa ở cùng. Qua sự kiện Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa muốn nói với nhân loại rằng: Họ hoàn toàn được Thiên Chúa yêu mến; con người không bị quên lãng, nhưng là những thụ tạo được Ngài yêu thương, săn sóc và mang đến ơn cứu độ. Trong mầu nhiệm giáng sinh, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế làm người để nối lại tình nghĩa giữa trời và đất. Con người bất hòa, hận thù và giết hại lẫn nhau, là vì trước hết con người đã quay lưng lại với Thiên Chúa và trở thành kẻ nổi loạn phá đổ công trình tạo dựng của Ngài. Mà hậu quả của điều đó là đánh mất sự bình an. Một khi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, thì đồng thời con người cũng loại trừ lẫn nhau. Muốn có cuộc sống bình an, trước hết, phải quay về với Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Thậm chí không phải chúng ta đã quay về, nhưng là chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Giáng sinh là cách thức Thiên Chúa tìm đến với con người. Ngài đến không phải như một quan án xét xử, nhưng Ngài đến với một hình ảnh của Hài Nhi bé bỏng, để cả thế giới này nhìn thấy mà nhận ra rằng bản thân mình đã được Thiên Chúa xót thương: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,10-12) Chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho tất cả mọi người, Kitô hữu và không phải Kitô hữu, người tin lẫn người không tin. Vì ân sủng và lòng thương xót của Hài Nhi Giêsu, Chúa chúng ta được thể hiện cho tất cả mọi người. Với cuộc sinh hạ của Con Thiên Chúa, nguồn mạch niềm vui, hạnh phúc, bình an phát sinh được tràn đầy cho tất cả, sao cho mỗi người được múc ra từ đó và làm dịu mát cơn khát của họ. Vì vương quốc bình an mà Hài Nhi Giêsu ban tặng được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương. Mừng lễ Giáng Sinh chính là mừng Chúa Giêsu đi vào trần gian để đem lửa tình yêu từ trời xuống cho con người. Lẽ dĩ nhiên, ai trong chúng ta lại không biết yêu thương! Nhưng do tội lỗi, tình yêu của chúng ta còn quá hạn hẹp và vị kỷ, do đó tình yêu con người cần đến tình yêu của Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ thanh luyện và đổi mới.
|