Truyện Ngắn 

GIÁ TRỊ CỦA CẦU NGUYỆN

---//---

Cộng đoàn có bao giờ nghe đến tên Đền Bà Chúa Kho chưa nhỉ? Đây là một ngôi đền rất nổi tiếng ở Bắc Ninh, và may mắn là con cũng có dịp tham quan ngôi đền này. Đó là một ngôi đền trên quả đồi, và thờ một bà được gọi là Bà Chúa Kho. Điểm kỳ lạ là hằng ngày, nhất là vào những ngày đầu năm âm lịch có rất đông người đến đây để cầu xin. Nhưng lạ hơn nữa đó là thay vì cầu xin sức khỏe, bình an… thì họ lại đến để vay vốn. Nghĩa là những người làm ăn mà không có vốn, họ đến đây để nhờ người viết sớ và xin vay vốn ảo. Và sau đó thì phải lên đền để tạ lễ. Và tạ lễ thật hay ảo cũng tùy vào từng trường hợp. Và để được bà Chúa Kho nhận lời, họ phải nhờ những người viết sớ và cầu khẩn dùm, kèm theo lễ vật hậu hĩnh để thể hiện lòng thành.

Chúng ta tạm dừng lại ở đây, không bàn nhiều về niềm tin của người khác. Nhưng điều mà con muốn cộng đoàn dừng lại đó là cách thức chúng ta cầu xin một điều gì đó.

Rất nhiều người trong chúng ta, thậm chí là những người sống đạo lâu năm cũng chưa biết Thiên Chúa là ai và cách thức cầu xin như thế nào cho đúng với thánh ý Thiên Chúa cũng như giá trị của Cầu nguyện là gì?

Thật vậy, từ thời cổ đại Hy lạp, người ta cũng thờ nhiều thứ thần. Và họ nghĩ rằng để thần ban phước, họ phải cúng tế cho thần thứ này thứ kia. Nếu không cúng thì thần giận, bỏ đi chỗ khác và sẽ không ban phước nữa. Não trạng ấy phần nào giống não trạng của những người đi xin khấn ở Đền Bà Chúa Kho. Nghĩa là họ đến đền không phải tôn thờ mà họ chỉ đến để thương lượng một điều gì đó, có qua có lại. Tôi cúng cái này cho thần, thì thần phải ban cho tôi thứ này thứ kia, tôi dâng nhiều, thì phải ban cho tôi nhiều.

Nói đến đây, con chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta ngồi đây cũng đối xử với Chúa của chúng ta như thế. Nghĩa là chúng ta cứ nghĩ chúng ta dâng cúng nhiều thì sẽ được ban ơn nhiều. Chúng ta đến với Chúa để thương lượng một điều gì đó chứ không hề có tâm tình con thảo, tôn thờ Thiên Chúa.

Vậy đâu là cách thức cầu nguyện đúng nhất và giá trị của sự Cầu Nguyện là gì?

  1. 1.    Trước hết, Chúa của chúng ta là Cha chứ không phải là vị thần đáp ứng mọi đòi hỏi của chúng ta.

Nếu như các tôn giáo khác, hoặc những tín ngưỡng dân gian, người ta thường kính sợ vị thần của họ vì họ sợ bị phạt, sợ không được ban phước lành. Nhưng Chúa của chúng ta hoàn toàn khác. Ngài không là vị thần xa cách, nhưng Ngài chính là Cha. Thánh Phaolô đã khẳng định: Nhờ Thần Khí mà chúng ta kêu lên Abba – cha ơi! (Rm8, 15).

Vì thế, đến với Chúa, chúng ta phải có tâm tình con thảo. Tôi đến trước là để gặp gỡ Cha của tôi và đến vì tình yêu mà Cha đã dành cho tôi. Và chúng ta thấy đấy, tình yêu là tự nguyện, tình yêu là hy sinh. Chúa Giêsu vì tình yêu nên tự nguyện hy sinh ban cho chúng ta chính sự sống của Người. Đến lượt chúng ta cũng thế, chúng ta tự nguyện dâng hiến cho Chúa là vì tình yêu chứ không phải để có qua có lại như cách thức mà người ta thường làm.

 

  1. 2.    Kế đến, không ngại làm phiền, quấy rầy Thiên Chúa.

Nghĩa là Thiên Chúa gần gũi và luôn đồng hành với con người. Vì xuyên suốt lịch sử Dân Israel nói chung và cuộc đời của mỗi người chúng ta nói riêng, chúng ta luôn cứng đầu cứng cổ mà nhiều lần than trách, hờn giận Thiên Chúa, nặng hơn là thờ tà thần mà chối bỏ Thiên Chúa.... Và cứ như thế, hết lần này đến lần khác Chúa đã ra tay cứu vớt chúng ta qua ân sủng của Ngài.

Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa dạy chúng ta phải kiên trì trong cầu nguyện. Cụ thể là kể dụ ngôn về bà góa quấy rầy ông quan tòa bất chính Lc 18, 1-8, Chúa nhấn mạnh và dạy cho chúng ta bài học về sự kiên nhẫn trong cầu nguyện. Ông quan tòa là người bất lương mà còn bị khuất phục bởi sự quấy rầy của bà, huống hồ chi Thiên Chúa là Cha giàu lòng tình yêu và thương xót.

Nói đến đây, con có một kinh nghiệm thiêng liêng, và việc con được trở thành linh mục cũng là nhờ vào việc lải nhải suốt ngày với Chúa. Nhờ ngày mới lớn, con ao ước đi tu làm linh mục, nhưng lúc đó con sức khỏe kém và lực học kém. Con đã cầu xin Chúa, cứ mỗi khi lần 10 kinh Mân Côi là con lại nói với Chúa như một cái máy: Xin cho con mau trở thành tu sĩ linh mục của Chúa. Con cứ cầu xin như thế trong vòng 15 năm, và cuối cùng điều đó đã trở thành sự thật.

Vâng! Thưa cộng đoàn, đó là trường hợp của con, và con đã được Chúa nhận lời, nhưng, phải công nhận một điều là rất nhiều người trong chúng ta, có người cầu xin Chúa rất nhiều, và lâu năm nhưng dường như Chúa quên mất chúng ta rồi. Nhiều khi cầu xin mãi không được, chúng ta bị lung lay đức trông cậy. Đúng không cộng đoàn? Vậy nếu chúng ta cầu xin mãi mà không được, thì chúng ta phải làm gì đây?

  1. 3.    Thưa, nếu cầu xin không được thì phải nhìn qua lăng kính Phục Sinh.

Trích sách Hípri có nói: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.” (Hr 5, 7).

Vậy mà, thưa cộng đoàn! Chúa Giêsu có thoát chết không? Thưa Chúa vẫn phải chết. Chết bị treo giữa trời với đất, chết trần truồng… Thế nhưng thư Hípri xác quyết: “Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Hr 5, 7-8).

Vâng! Đây là mấu chốt cho câu trả lời của chúng ta. Có thể suy diễn rằng, trong thân phận con người, Chúa của chúng ta cũng sợ chết chứ. Bằng chứng là Người từng xin rằng:“Nếu được, xin cho con đừng uống chén này!” (Mt 26, 39a); nhưng ngay sau đó: “Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha.” (Mt 26, 39b); Và chính vì vâng theo ý Cha, nên Đức Giêsu đã được ban thưởng gấp trăm ngàn lần lời cầu xin. Người đã được Thiên Chúa cho sống lại, được trở thành trưởng tử trong số những kẻ chết sống lại và tặng ban danh hiệu là Đức Chúa. (x.Pl 2, 6-11)

Thật vậy, những biến cố, sự việc trái ý, gây ra biết bao đau khổ cho chúng ta: nào là nợ nần, bệnh tật, gia đình mâu thuẫn, cha mẹ con cái bất hòa, làm ăn thua lỗ… chúng ta cầu xin Chúa cho những điều tồi tệ đó qua đi. Nhưng những lời cầu xin đó chưa hẳn là điều Chúa muốn. Đôi khi qua những sự dữ, Chúa muốn thanh luyện chúng ta. Bởi vì ngay Con của Ngài mà còn phải vác thập giá và phải chết, huống chi chúng ta. Quan trọng là Chúa không để chúng ta chết luôn, nhưng sẽ cho chúng ta sống lại nếu chúng ta giữ vững niềm tin đến hơi thở sau cùng.

Vì thế, hãy nhìn những biến cố đau thương qua Lăng Kính Phục Sinh. Hiện tại, đời sống của tôi, gia đình tôi đang bế tắc, đang đối diện với cái chết. Đó là hình ảnh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tan tác. Đừng dừng lại dưới chân thập giá để rồi khóc thương, để rồi bế tắc, để rồi tuyệt vọng, để rồi mất lòng cậy trông. Hãy hướng mắt nhìn về ngày Chúa nhật Phục Sinh. Ngày mà Chúa của chúng ta chiến thắng tử thần, phục sinh khải hoàn.

Nói tóm lại, mục đích của cầu nguyện là chúng ta sống tinh thần con thảo, chứ không phải để xin xỏ hoặc để thương lượng với Chúa một điều gì đó như nhiều người thường làm. Khi sống tâm tình con thảo như thế, chắc chắn Chúa đã cứu vớt chúng ta cũng như Ngài đã cứu vớt Đức Giêsu, Con của Ngài.

Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta cứ liên lỷ tín thác, và kiên nhẫn đợi trông. Nếu thời gian qua đi mà vẫn chưa thấy Chúa hành động thì có nghĩa là Chúa đang muốn chúng ta trải qua những gian khó đó, để nên thánh trong bậc sống của mình. Cuối cùng, những ai trung thành đến hơi thở sau cùng như Đức Giêsu sẽ được ban thưởng phúc Thiên Đàng.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập