CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Đức Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do-thái

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca 2,41-52

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

Suy niệm:

Sau đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội lại hướng con cái mình chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, đây là một gia đình Thánh và chỉ có ba thành viên: Thánh Cả Giuse, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu. Giáo hội muốn đề cao tầm quan trọng của gia đình Nazarét năm xưa được xem như là gia đình mẫu mực. Nếu nhìn vào gia đình Thánh này, thì chúng ta nhận thấy đây là một gia đình không giàu có về mặt vật chất, không có vị thế trong xã hội. Gia đình Thánh năm xưa cũng gặp nhiều khó khăn và thử thách, phải tìm chỗ trọ để sinh Hài Nhi Giêsu, phải trốn tránh sự truy đuổi của người đời. Thế nhưng, gia đình Thánh này vẫn đứng vững trong đức tin, vì các thành viên trong gia đình luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa, luôn chu toàn bổn phận trách nhiệm và tuân giữ luật lệ. Các ngài chọn thánh ý Thiên Chúa làm phương châm sống cho gia đình và sống tình yêu thương, phục vụ và chia sẻ trong mọi hoàn cảnh của đời sống.

Thánh Giuse là người làm việc âm thầm và khiêm nhường, ngài đóng vai trò là cha nuôi, luôn chu toàn bổn phận chăm sóc và giữ gìn gia đình. Ngài được Giáo Hội gọi là người công chính, vì luôn biết lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Mẹ Maria là người hiền lành và đức độ, Mẹ luôn tận tình chăm sóc gia đình. Mẹ lo lắng nhưng chịu đựng, đau khổ nhưng trông cậy. Một Giêsu khôn ngoan, tuấn tú, và luôn vâng phục cha mẹ: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Từ hình ảnh gia đình Nazarét, chúng ta nhìn vào thực trạng các gia đình ngày nay. Chúng ta phải khách quan công nhận rằng gia đình hiện nay đã và đang trên mức báo động, đã bị xuống cấp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt nơi các gia đình trẻ. Vì nhiều yếu tố trong và ngoài xã hội ảnh hưởng, nó làm cho gia đình có nhiều xáo trộn. Phải chăng, các gia đình rơi vào tình trạng khủng hoảng, rạn nứt giữa vợ chồng và cha mẹ với con cái. Do các gia đình thiếu chiều sâu về đời sống cầu nguyện, thiếu giờ kinh tối, thiếu tham dự thánh lễ. Các bậc cha mẹ chưa ý thức đầy đủ tầm mức và ích lợi việc cầu nguyện tại gia. Vì cuộc sống ngày nay có nhiều mối tương quan, nhiều người còn khó khăn, lo cơm áo gạo tiền. Tất cả những thứ đó nó làm cho người ta mệt mỏi và căng thẳng. Từ đó, nó dẫn đến hệ luỵ không còn thời gian dành cho Chúa, dành cho gia đình, dành vợ chồng và con cái. Chính vì thế, các gia đình dễ dẫn đến việc đổ vỡ hạnh phúc.

Mẹ Giáo Hội với sự khôn ngoan nhắc nhở và hướng dẫn con cái mình hướng về mẫu gương gia đình Thánh Gia. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cổ vũ mạnh và đặt ra “Lễ Thánh Gia” nhằm thúc giục mọi người theo gương Thánh Gia Thất mà sống trên thuận dưới hoà để tạo lập những gia đình hạnh phúc. Chúng ta gọi gia đình Công giáo là “Hội thánh tại gia” (LG số 11). Vì thế, Công đồng Vaticanô II nói : “Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (MV số 47). Trong Tông huấn về gia đình “Familiaris Consortio”, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Gia đình là “trường học đầu tiên” dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua” (Gđ số 3). Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin cho các gia đình ngày nay luôn biết học mẫu gương gia đình Thánh Gia là một mô hình tuyệt vời trong các gia đình, các phần tử trong gia đình có được sự tôn trọng hợp tình hợp lý để tạo nên sự hài hoà trong các thành phần. Xin cho mọi thành viên luôn biết hy sinh và kiến tạo sự hợp nhất nên một trong gia đình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương nhân loại Chúa đã chấp nhận sống trong một gia đình đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn. Để chỉ cho loài người biết tầm mức quan trọng của đời sống gia đình. Chúng con thấy mình thật là hạnh phúc, vì được sinh trong một gia đình cũng có cha, có mẹ, tuy nhiên gia đình chúng con có đôi lúc gặp nhiều khó khăn và thử thách trong đời sống đức tin. Xin sai sứ thần đến gìn giữ, chở che và bảo vệ gia đình chúng con khỏi mọi điều nguy hại. Xin cho mỗi phần tử trong gia đình luôn biết sống theo mẫu gương gia đình Nazarét, luôn biết thi hành thánh ý Thiên Chúa, biết hy sinh, chịu đựng và sống tinh thần hiệp nhất, ngõ hầu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong gia đình chúng con. Amen.

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập