Ngày 02/11

“Thiên Chúa luôn để nỗi buồn sầu trong một tâm hồn đau khổ để nó có thể dẫn tâm hồn ấy đến với Thiên Chúa. Thế rồi, khi tâm hồn đã tìm được khoảng khắc khuây khỏa nơi một người bạn của Thiên Chúa, Ngài sẽ biến nỗi buồn sầu ấy thành một niềm khao khát hướng về Ngài hơn nữa, để qua đó Ngài luôn là tâm điểm duy nhất trong tâm hồn họ.” (Gửi cho Mme Lepage, tháng 11 năm 1865).

Nỗi buồn sầu mà Cha Ê-ma nói đến ở đây là một phương tiện khác Đức Chúa Nhân Lành thường dùng để giữ các môn đệ yêu quý gần với Ngài hơn. Rất kỳ lạ là khi gặp thử thách, theo bản năng, chúng ta luôn tìm kiếm niềm an ủi và sự khuây khỏa nơi những người bạn và cả nơi những người tìm đến để an ủi chúng ta. Nếu họ là những người bạn của Thiên Chúa và biết rõ về đường lối của Ngài, họ sẽ khuyến khích chúng ta đón nhận tất cả những nghịch cảnh bằng sự kiên nhẫn và vui tươi. Sự phó thác đầy yêu thương của chúng ta là điều giúp chúng ta có thể đi theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa để đến bước kế tiếp, ở đó nỗi buồn sầu sẽ được biến đổi thành lòng đói khát cái kinh nghiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa.

Kinh Thánh miêu tả Thiên Chúa như ‘một Thiên Chúa ghen tương’ không theo nghĩa Ngài sợ sẽ mất một điều gì đó nếu chúng ta chuyển lòng trung thành của mình sang những người khác. Hơn thế, tình yêu luôn cho đi của Ngài quá mãnh liệt đến nỗi Ngài muốn trao cho chúng ta ơn ích tròn đầy mà không hao hụt chút nào. Ngài muốn là trung tâm đời sống của chúng ta để tất cả ơn phúc của Ngài có thể đổ tràn trên cuộc đời của chúng ta. Khi điều này bắt đầu xảy đến, Thiên Chúa biết rằng chúng ta sẽ tự động trở thành những chứng nhân và sứ giả của Ngài về tình yêu và làm cho tình yêu của Ngài lan rộng đến những người khác. Vì, giống thánh Gio-an chúng ta cũng có thể nói: “Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã đụng chạm, Lời sự sống… Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1, 1-4), và như thế một chứng nhân thì luôn được thúc đẩy ra đi vì nó xuất phát từ chính kinh nghiệm cá nhân của mình.

Tuy nhiên, nếu đạt được khả năng sống với nỗi buồn sầu và việc tước đoạt khỏi các vật dụng làm thỏa mãn chúng ta thì có thể coi là mức độ cao của việc chết đi cho cái tôi của mình. Và ưu thế này thì thích hợp cho những chọn lựa có ý thức được thực hiện trong ân huệ của Thiên Chúa, ngay khi nó phải trả giá rất đắt cho Cái Tôi. Ưu thế này sẽ lớn lên như kết quả của việc chấp nhận hàng ngày tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, vì chúng ta càng mở lòng để đón nhận ý muốn đầy yêu thương và khoan dung của Thiên Chúa, thì chúng ta càng tin tưởng vào Ngài, thì kế hoạch của Ngài càng tăng thêm ơn ích cho chúng ta.

Khi bàn về lời mời gọi mà chúng ta nhận được để trở nên những kẻ đi theo Ngài, Đức Giê-su nói rằng trước tiên chúng ta nên ngồi xuống và tính xem cái giá của tình môn đệ, cũng giống một ông vua đến chiến trường với 1000 quân thì trước tiên phải tính toán kỹ lưỡng xem có thể thắng được sức mạnh của 20.000 quân hay không. Nếu không thể ông ta nên tìm cách để cầu hòa. Tương tự, một người muốn xây nhà trước tiên phải bảo đảm rằng ông ta có đủ tiền để hoàn tất kế hoạch theo dự tính; bằng không ông vừa nên cắt giảm dự tính vừa tìm cách kiếm thêm kinh phí (Lc 14,28-33). Như vậy, trong hành trình theo Đức Ki-tô để tìm kiếm mối tương quan thân tình và sâu xa hơn với Ngài, chúng ta nên tỏ tường ngay từ đầu là chúng ta có sẵn sàng trả trọn giá tình môn đệ của chúng ta hay không. Điều giúp chúng ta luôn tin tưởng là sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ đi ngược với lời của mình.

          Lm. Erasto Fernandez, sss

Bạch Dương, sss chuyển dịch.

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập