(Tiếp theo kỳ trước…)

       PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

      CHƯƠNG 10B

DÂNG LỄ VẬT

 

Nhiều người tin rằng việc dâng lễ vật, khởi đầu của phụng vụ Thánh Thể chỉ là phần phụ trong các nghi thức thánh lễ. Điều đó thật không đúng! Mọi phần của thánh lễ đều mang lại sự chữa lành. Bản thân đoàn rước dâng lễ vật là biểu tượng của việc tiến đến của chúng ta trước Chúa, không chỉ là thời gian để mang những tặng phẩm là bánh, rượu và hoa lợi (thuế thập phân), nhưng đúng hơn là thời gian để tái tận hiến cá nhân cho Chúa. Với cảm thức chắc chắn, chúng ta chọn Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc khi dâng hiến chính mình cho Người. Khi bánh rượu được dâng tiến, là chúng ta tiến dâng chính mình cùng với những của lễ này. Tiền bạc chúng ta đóng góp cũng là dấu hiệu của của lễ từ cuộc sống đời thường của chúng ta. “Làm bất cứ việc gì, dù trong lời nói hay hành động, hãy làm nhân danh Chúa Giêsu.” (Cr 3,17)

Khi chúng ta bước vào phần trọng tâm này của thánh lễ, một trong những ý hướng tôi xin gợi ý là chúng ta hãy dâng hình ảnh đã bị làm méo mó và đổ vỡ của chính chúng ta. Chúng ta có thể mang đến cho Chúa Cha bức tranh đầy những khiếm khuyết mà chúng ta đã được tô vẽ bởi những lời chỉ trích và bình phẩm của người khác để nài xin Người chữa lành. Chúng ta đang tìm kiếm chân lý về con người chúng ta thực sự là trước mặt Thiên Chúa - nghĩa là chúng ta đang tìm kiếm chân lý về con người chúng ta là trong thực tại tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Đó là tình yêu và sự chấp nhận của Chúa Cha mà chúng ta ước mong được cảm nghiệm trong suốt thời gian này, tình yêu chữa lành của Người. “Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu, vì thế Ta sẽ không ngừng mến thương ngươi. Ta sẽ xây dựng lại nơi ngươi; ngươi sẽ được xây dựng lại, hỡi trinh nữ của Israel.” (Gr 31,3)

Nhiều lần chúng ta chỉ biết được chính mình nhờ những gì người khác phản hồi cho chúng ta, có thể là điều tích cực, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cũng có thể là điều tiêu cực. Nếu chúng ta nhìn vào những mối tương quan ban đầu của chúng ta, nhất là đối với những người cha, người mẹ của chúng ta, nhiều lần chúng ta có thể nhận ra nguồn gốc của những thông điệp méo mó. Chúng ta cần nhớ rằng các bậc cha mẹ của chúng ta đã làm tốt nhất những gì họ có thể làm. Tuy nhiên, khi là một người mang trái tim tan vỡ, chúng ta không thể trao ban tình yêu cho người khác, thậm chí ngay cả với các gia đình của chúng ta. Với mức độ chúng ta trải nghiệm tình yêu, chúng ta cũng học biết yêu để có thể chia sẻ trở lại. Với mức độ chúng ta trải nghiệm tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, chúng ta cũng học biết yêu và đáp trả tình yêu. Hãy nhận biết kinh nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta trên núi Canvê và phương thế chúng ta được thúc đẩy để đáp trả lại.

Nếu một đứa trẻ không cảm nghiệm được tình yêu từ cha mẹ hay từ những người chăm sóc nó ngay khi nó còn 5 tuổi thì hầu như cuộc sống trưởng thành của đứa trẻ đó sẽ là sự tìm kiếm tình yêu. Vai trò trước hết của người cha là sự thông truyền cho con cái mình ý niệm về người đàn ông là người cha đầy tình yêu thương và sự trìu mến. Vai trò của người mẹ là thông truyền tình yêu và sự trìu mến của người phụ nữ cho đứa trẻ. Nếu chúng ta nhận thấy bản thân đang thiếu vắng tình yêu với những mối tương quan ban đầu này, có thể chúng ta cũng đang thiếu vắng tình yêu với những mối tương quan khác. Vì vậy chúng ta mang đến và dâng cho Chúa phần thiếu vắng ấy của chúng ta, đó là sự thiếu vắng tình yêu, sự trìu mến, sự tinh tế, sự thông hiểu, sự ấm áp và sự an toàn. Chúng ta tìm cách lấp đầy những thiếu vắng ấy bằng tình yêu của Chúa Giêsu.

Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta qua Tin Mừng “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Không có điều răn nào cao trọng hơn những điều răn này” (Mc 12, 31). Chúa Giêsu đang nói với những người Do Thái trong bối cảnh họ là những người đã nhận biết tình yêu là gì khi họ sống thành những gia đình mở rộng. Người Do Thái là một dân tộc sống thành những cộng đồng liên kết chặt chẽ với nhau trong mối tương quan họ hàng cũng như trong gia đình. Trẻ con có thể đi đến bất cứ nơi đâu trong làng để đón nhận tình yêu và sự quan tâm, điều này tạo nên trong chúng một tình yêu bản thân lành mạnh. Trong hầu hết các trường hợp, điều này thật xa lạ với kinh nghiệm của thế giới phương Tây hiện đại chúng ta. Thật khó để chúng ta yêu người thân cận như mức độ chúng ta yêu chính mình bởi vì nhiều lần, văn hóa hiện đại thiếu đi những phương thế để chúng ta phát triển sự đánh giá tốt về bản thân. Dĩ nhiên, điều này không hẳn đúng trong mọi nền văn hóa và tôi cũng không muốn đưa ra một phát biểu chung chung như thế. Tuy nhiên, chúng ta không thể cho đi cái chúng ta không có. Nếu chúng ta không yêu chính mình thì làm sao chúng ta có thể yêu những người thân cận của mình được! Nền tảng là sự chữa lành hình ảnh của chính mình. Khi chúng ta trải nghiệm được sự chữa lành nơi đó, chúng ta mới có thể yêu người khác nhiều hơn, cảm nghiệm tình yêu của họ và tình yêu của Cha trên trời của chúng ta.

Trở lại, khi chúng ta bắt đầu nghi thức này trong thánh lễ, tôi tin rằng hình ảnh của chính chúng ta là lĩnh vực đầu tiên chúng ta muốn dâng cho Thiên Chúa. Hãy mở lòng để hiến tế cho Người bất cứ lĩnh vực nào của chính mình đã bị huỷ hoại hoặc méo mó. Hãy mang đến cho Người bất cứ sự đổ vỡ nào để được chữa lành. Hãy nhớ : CHA TRÊN TRỜI MUỐN CHỮA LÀNH BẠN.

 

 

Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập