(Tiếp theo kỳ trước…)

BÀI 9

Hương trầm

 

Trước đây trong những Thánh lễ trọng thể, Giáo Hội đã sử dụng rất nhiều hương trầm, nhưng từ khi canh tân phụng vụ đến nay, việc dùng hương trầm trong các nghi thức được giảm bớt rất nhiều. Lý do là Công đồng Vaticanô II muốn đơn giản hoá việc cử hành các nghi thức phụng vụ.

Tuy nhiên, việc sử dụng hương trầm vẫn chưa bị loại bỏ. Mặc dù không bắt buộc nhưng hương trầm vẫn được sử dụng trong những phần quan trọng của các nghi thức phụng vụ, như: thanh tẩy và tôn vinh bàn thờ lúc đầu lễ; thể hiện sự tôn kính đặc biệt đối với Sách Thánh; lúc dâng lễ vật: không chỉ xông hương lễ vật mà cả vị tư tế và tất cả cộng đoàn.

Trong các nghi thức của thời Cựu Ước, hương trầm được dùng thường xuyên để tôn thờ Thiên Chúa. Thường những lễ vật được xông hương sẽ trở thành hiến vật được dâng tiến. “Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương” (Xh 30:1). “Quả thật, từ Đông sang Tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân” (Ml 1:11). Khi thi hành nhiệm vụ tế lễ của mình trước nhan Thiên Chúa, ông Dacaria đang đốt hương tại hương án thì sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với ông (Lc 1:9-11). Ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông dâng cho Hài Nhi Giêsu những món quà như vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2:11). Nhiều tác giả thời Giáo Hội sơ khai đã nhìn nhận việc dâng hương như một hành động của việc tôn thờ thần tính nơi Đức Giêsu Kitô.

Được dùng trong Thánh lễ giống như dấu chỉ của lòng tôn kính, hương còn có tác dụng thanh tẩy: hương tốt có mùi thật thơm! nó thanh tẩy uế khí bằng cách toả ra hương thơm làm phấn chấn lòng người. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay một số các bạn trẻ thường tụ họp nhau vào một buổi tối nào đó để thưởng thức trầm hương được đốt ngay ở giữa căn phòng. Trầm hương còn giúp tạo ra một bầu khí thân thiện, ấm áp và nó cũng làm cho người ta dễ dàng thinh lặng để hồi tưởng lại những ký ức xa xưa.

Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong Kinh Thánh đề cập đến khói hương đó là Thánh vịnh 141,2. Giống như đám mây đang bay, tác giả Thánh vịnh cầu nguyện: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141:2).

Đây chính là ý nghĩa được Giáo Hội đưa vào cho việc xông hương lễ vật và bàn thờ: “Vị tư tế có thể xông hương lễ phẩm đặt trên bàn thờ, sau đó thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ phẩm và lời cầu nguyện của Hội Thánh ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa.” (Quy chế Tổng quát sách lễ Rôma, số 75).

Như chúng ta đã thấy, với những lý do chính đáng như trên, nên Giáo Hội đã giữ lại việc dùng hương trầm trong Bí Tích Thánh Thể.


Tác giả: Lm Jean-Yves Garneau,sss. 

chuyển ngữ: Lm Px. Nguyễn Bạch Dương,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập