HY TẾ THÁNH THỂ 

HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ                                     

GÁNH NẶNG GIA ĐÌNH 

 

Thiên Chúa bắt đầu đi vào lịch sử của nhân loại ngay khi Ngài hứa ban một “giòng dõi người nữ” (St 3,15); và điều đó chính thức được thực hiện khi Ngài chọn và gọi Abraham… Khi đi vào dòng lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa đã tự để  mình dính vào cuộc thăng trầm của đời sống con người, nói một cách khác, Thiên Chúa chấp nhận gánh chịu những phiền lụy của dòng lịch sử; nhưng đồng thời cũng là cách Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn bản chất yêu thương của Ngài. Tình yêu bao hàm hiệp thông trong mọi chiều kích của cuộc sống. Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa không xa lạ gì với vận mạng khó khăn của con người, và yêu thương đến cùng cũng là hiệp thông trọn vẹn đến cùng.

Thánh Thể luôn là một cuộc hy tế. Đức Giêsu đã nhìn đau khổ như con đường diễn tả tình yêu, một tình yêu hy sinh đến độ trao ban mạng sống cho người mình yêu. Như hạt lúa được Chúa Cha gieo vào lòng đất, Đức Giêsu vui lòng đón nhận cái chết để trổ sinh cho Chúa Cha một mùa lúa mới dồi dào bông hạt. “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 23-24)

Đức Giêsu gánh chịu mọi đớn đau nơi thể xác và nỗi thống khổ tinh thần trong cuộc thương khó ví như người phụ nữ đón nhận cơn đau trong kỳ sinh nở để sinh hạ cho Chúa Cha một nhân loại mới. Khổ đau mang một ý nghĩa tích cực khi nó đem đến sự sống mới cho con người, “khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”.  (Ga 16, 21)

Cũng vậy, niềm vui trong gia đình là niềm vui khi đón nhận đau khổ để sinh ra sự sống mới. Con đường các gia đình được mời gọi phải đi là con đường tỏa sáng sự hiến dâng trọn vẹn của một tình yêu đến cùng. Con đường thập giá chính là con đường tình yêu mà Đức Giêsu đi qua. Gia đình cùng bước theo Đấng lòng mình yêu mến trên con đường đau thương này với tất cả trái tim của mình. Khi thiết định đời sống gia đình, Thiên Chúa đã muốn gia đình phải là tổ ấm, là bến bờ hạnh phúc, nhưng cuộc sống hiện tại đang càng trở nên phức tạp hơn: đâu đó vẫn còn biết bao góc khuất mang đến bất hạnh cho gia đình. Chồng có nỗi khổ của chồng, vợ có cái khốn khó của người vợ, ai cũng có vấn đề của riêng mình, ai cũng có những bận tâm riêng, ai cũng có những khó khăn vây bủa. Phải làm sao để cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn?

Trong bối cảnh đó, gia đình được mời gọi đến để chiêm ngắm và suy niệm chiều kích hy tế Thánh Thể. Mỗi dấu vết Đức Giêsu để lại trên đường thập giá là mỗi dấu vết tình yêu mà chúng ta được mời gọi để khám phá tất cả mọi chiều rộng, dài, cao, sâu, của mối tình cao cả này. Đó là một tình yêu vô cùng lớn lao đối với Chúa Cha và một lòng mến thương vô bờ bến đối với từng người chúng ta.

Khi gia đình biết đặt để Thánh Thể là trung tâm của đời sống, điều đó có nghĩa mọi thành viên trong gia đình chấp nhận đón nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau. Lúc đó những xung khắc giữa mẹ chồng và nàng dâu không còn nữa và người đàn ông sẽ yên tâm hơn khi xông pha giữa xã hội để mưu cầu hạnh phúc cho gia đình; lúc đó người chồng không sống ích kỷ đi tìm thú vui ở bên ngoài, nhưng biết cảm thông hơn với vợ ở nhà  và chăm sóc con cái cách tận tâm; lúc đó người vợ không còn quá đòi hỏi vô lối, nhưng sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho người chồng trong việc chăm sóc gia đình… Và lúc ấy, trong Thánh Thể, gia đình sẽ trở nên mái ấm đầy yêu thương và hạnh phúc vì được xây dựng trên hy tế tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trong Thánh Thể.

Như đã nói ở trên, Thánh Thể là chính Đức Giêsu mang nặng một con tim hiệp thông trong tình yêu. Đến với Thánh Thể, người ta sẽ cảm nhận nỗi đớn đau trên thân xác Chúa, nơi trái tim sâu kín của Người. Đến với Thánh Thể, mỗi người sẽ  cảm nhận thật sâu xa rằng Đức Kitô hiện diện nơi Thánh Thể ước muốn chịu tất cả những đau đớn trong thân xác và nỗi thống khổ trong trái tim Người vì tôi và cho tôi, như người bạn thân nhất mà Người thương mến.

Đức Giêsu đã không đến giữa nhân loại để giải thích về sự đau khổ nhưng Người đón lấy mọi khổ đau vào thân xác và tâm hồn của Người. Từ đây, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa không còn xa lạ với nỗi đau của kiếp người. Người hiểu và cảm thông với tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề. Từ nơi Thánh Thể, các gia đình hãy nghe lời mời tha thiết của Thánh Thể “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Lời mời vang vọng thật sâu trong lòng đụng chạm thật mạnh mẽ con tim của chúng ta.

Trong Thánh Thể, các gia đình nhận lấy một trái tim đồng cảm và đồng hành với mọi vấn đề của gia đình. Trong Thánh Thể, chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa đến nhận lấy mọi khổ đau của cuộc sống làm người để làm cho những đau khổ ấy được tràn đầy sự hiện diện của Người, để biến những đau khổ ấy thành ngôn ngữ diễn tả tình yêu, và làm cho những đau khổ ấy sinh hoa kết trái thiêng liêng nơi các tâm hồn. Các gia đình luôn phải đối diện trước những khó khăn và thách đố, nhất là trong xã hội vô thần và tục hoá. Trong bối cảnh đó các gia đình được mời gọi bỏ ách của mình để mang lấy ách của Chúa, hoặc đón nhận ách của mình bằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta và bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa. Ách của Chúa thì nhẹ nhàng, bởi vì tất cả những gì Chúa muốn làm là để phục vụ cho sự sống, để diễn tả tình yêu đến cùng dành cho chúng ta. Bình thường, ách thì phải nặng; nhưng khi đến học với Ngài, các gia đình không thể không yêu mến Ngài, vì người ta rất dễ yêu mến người “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Và chính lòng yêu mến Chúa làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa và nhẹ nhàng, làm cho ách của Ngài trở nên êm ái và gánh của Ngài trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô nói “trong tình yêu không có đau khổ; nếu có đau khổ, thì đau khổ đó đã được yêu rồi”.


Tuỳ Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập