THÁNH THỂ

DẤU CHỈ PHỤC SINH VÀ LỜI MỜI GỌI LÊN ĐƯỜNG

 

Trong đêm bị trao nộp, hẳn tâm trạng của Đức Giêsu xao xuyến khôn nguôi vì Ngài biết mình sắp phải đi vào cõi chết. Dù các môn đệ không cảm nhận được nỗi lòng và tâm trạng của Thầy, nhưng ý thức rằng mình sẽ phải ra đi, phải bỏ lại các môn đệ thân yêu, Đức Giêsu đã tận dụng hết giây phút ngắn ngủi này để nhắn nhủ các ông những lời sau hết. Đây sẽ là những lời quý giá nhất, đúc kết lại toàn bộ những gì Ngài đã nói với các ông trong suốt những ngày tháng qua và đây cũng là hành vi mong ước cuối cùng mà Đức Kitô muốn thực hiện cho các môn đệ đó là việc Ngài lập nên Bí Tích Thánh Thể.

Đức Giêsu vẫn một lòng yêu các môn đệ và yêu mến con người. Ngài không muốn có khoảng cách với con người. Ngài ban cho các môn đệ quyền năng truyền khiến bánh và rượu trở nên Mình và Máu thánh Ngài. Ngài căn dặn họ hãy làm việc này mà nhớ đến Ngài. Với Bí Tích Cực Thánh ấy, Đức Giêsu  vẫn có thể mãi mãi ở bên con người và chờ đợi con người đến với mình. Hai bên có thể tiếp tục tâm sự với nhau, nói chuyện với nhau. Sức mạnh và sự sống của Chúa vẫn có thể được thông truyền cho những ai cần và chạy đến với Ngài. Khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, rõ ràng Đức Giêsu đã tỏ lộ một mong ước vô cùng to lớn là được ở bên con người.

Tuy vậy, Bí Tích Thánh Thể phải được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống của chúng ta. Như tất cả các lần hiện ra với các nhân chứng, Đức Giêsu luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh và cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Cử chỉ này có ý nghĩa trọng đại cho đức tin của chúng ta vì sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá. Đức Giêsu chịu đóng đinh và Đức Giêsu phục sinh cũng là một, nhưng cũng rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài đều không nhận ra. Tuy Đức Giêsu đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc thương khó mãi mãi gắn bó với Ngài: đó là những vết thương, những dấu đinh ở chân tay, vết đâm ở cạnh sườn… Điều này mang lại cho chúng ta tràn đầy niềm vui và hy vọng, vì lòng thương xót, ơn tha thứ và ơn chữa lành được bày tỏ trong cuộc thương khó và cái chết của Chúa, mãi mãi tồn tại nơi Đức Kitô phục sinh và trong Thánh Thể.

Tuy nhiên, khi Đức Kitô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp với các môn đệ, các ông vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra Ngài. Điều này chứng tỏ, Ngài vẫn là Ngài trước đó, nhưng đã đi vào một cách thế hiện hữu khác hẳn, vượt qua bình diện thể lý “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em! Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Các môn đệ sợ hãi là bởi vì các ông không thể tưởng tượng nổi một người thân yêu – thầy mình - đã chết, đã được chôn táng, và mọi sự đã diễn ra được mấy ngày rồi; vậy mà giờ đây lại thấy Ngài xuất hiện ngay trước mặt.

Chính vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Kitô phục sinh hiện ra cách tỏ tưởng hoặc chỉ thích tìm kiếm dấu lạ Thánh Thể vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không thấy Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao vì Phúc cho những ai không thấy mà tin (Ga 20, 29). Vì thế khi chầu Thánh Thể hay suy niệm Mầu Nhiệm Thánh Thể, đôi khi chúng ta cứ đòi hỏi Chúa hiện ra cách hữu hình, phải chăng điều đó đã là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới - sự sống Phục Sinh lại có thể hiện hiện trong sự sống này được. Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa Phục Sinh ngang qua những dấu chỉ Lời Chúa và Thánh Thể, như kinh nghiệm của hai môn đệ trên Emmau trở về “Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Dấu chỉ “bẻ bánh” là Bí Tích Thánh Thể. Điều này cho thấy hành vi “bẻ bánh” trong cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là trong Bữa Tiệc Ly, gắn liền với ngôi vị của Ngài và đã ăn sâu vào tâm trí các môn đệ, đến độ, khi nhìn thấy cách thức Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng, là họ nhận ra Ngài ngay. Nhưng với khung cảnh của trình thuật Emmau, chúng ta thấy dấu chỉ này đã xảy ra ngoài đời thường. Vì thế, dấu chỉ “bẻ bánh” còn là bữa ăn hằng ngày, nơi đó chúng ta nhận ra ơn huệ Thiên Chúa; và ơn huệ lương thực đã loan báo cho chúng ta ơn huệ Lương Thực đặc biệt là chính Đức Kitô.

“Bẻ bánh” còn là dấu chỉ tình thương nhưng không, tình thương hiến dâng, tình thương hi sinh; vì thế, sự hi sinh trong đời sống là một dấu chỉ “bẻ bánh”, qua đó chúng ta làm chứng về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Sự hiện diện làm cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, có hướng đi; sự hiện diện cuốn hút chúng ta, đến độ chúng ta có thể hi sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn ơn gọi của mình, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

Chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ “bẻ bánh”, trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để đến và kết hợp với Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, trong thinh lặng của tâm hồn để có thể kín múc sự bình an. Đứng trước biết bao ngã đường dẫn ta đi khắp chốn, ta được dọn sẵn con đường của Giêsu, đường đưa về sự sống.

Đức Giêsu sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Hơn nữa, nơi Nhiệm Tích Thánh Thể, Đức Giêsu bày tỏ mong ước ấy mãnh liệt hơn nữa khi liên lỉ mời gọi các môn đệ hãy ở lại trong Ngài như Ngài ở lại trong Chúa Cha. Ở lại trong Ngài thì các ông mới sinh hoa kết trái, tựa như cành nho phải gắn vào thân nho. Một mối tương quan gắn bó khăng khít và chặt chẽ với Ngài là nền tảng của đời sống người môn đệ. Sẽ chẳng nơi đâu, người môn đệ tìm thấy cho mình một căn tính và chỗ dựa, ngoại trừ một đời sống gắn kết liên lỉ với Thầy Giêsu. Gắn kết với Đức Giêsu Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài sẽ ban cho họ Thần Chân Lý - Đấng sẽ đến và làm đổi mới từng người trong các ông. Ở lại với Đức Giêsu, các ông sẽ đủ sức vượt qua được những trở ngại trên đường đời mà không mảy may sợ hãi điều chi. Thiết thân với Đức Giêsu nơi Thánh Thể, người các tín hữu sẽ tìm thấy được con đường dẫn đưa đến sự sống, đến với Chúa Cha.

Đức Kitô Phục Sinh trước khi về Trời, Ngài để lại lệnh truyền cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” Hãy ra đi, chứ đừng ở yên một chỗ. Ra đi là một động thái tích cực, là khởi hành, là lên đường, là ra khỏi thế giới cũ kĩ và nhỏ hẹp của mình. Ra đi là dứt bỏ với cái cũ, là hướng về một cái gì đó mới hơn, toàn bích hơn, hoàn thiện hơn. Ai gắn kết đời mình với Giêsu thì sẽ luôn nghiệm thấy rằng mình luôn được mời gọi để không ngừng lên đường, tiếp tục dấn thân tiến bước. 

Tùy Phong, sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập