Suy Niệm

CÁC MẦU NHIỆM MÂN CÔI

 

Hàng năm Hội Thánh dành hai tháng để kính Mẹ Maria: tháng năm và tháng mười. Vào tháng năm, Kitô hữu có thói quen kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa những bông hoa trong thiên nhiên. Vào tháng mười, Hội Thánh dâng lên Mẹ Thiên Chúa những đóa hồng mầu nhiệm, đó là những Kinh Kính Mừng.

Qua từng lời Kinh Kính Mừng đơn sơ, chúng ta cùng với Mẹ đi lại hành trình cứu độ của Đức Giêsu: bắt đầu từ biến cố truyền tin, sau đó đến hàng loạt những sự kiện như: Mẹ đi thăm viếng bà Êlisabeth, Đức Giêsu giáng sinh, Mẹ dâng con trong Đền Thờ, Mẹ và Giuse tìm con, Đức Giêsu chịu phép rửa, làm phép lạ tại Cana, giảng dạy, biến hình, lập Bí Tích Thánh Thể, cuộc thương khó, sống lại và lên trời. Chúng ta cũng được chiêm ngắm hình ảnh Mẹ trên trời cao vinh hiển, như là kết quả tất yếu của thái độ khiêm nhường Mẹ đã có khi tận hiến cả một đời cho Chúa. Từ biến cố Truyền Tin cho đến khi công trình ấy hoàn tất, nơi đó Đức Maria là người đã lãnh nhận một cách hoàn hảo ơn cứu độ Thiên Chúa đã hứa.

Khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời của sứ thần Gabriel nói với Mẹ: Bà đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà.” Sự bất trung đã khiến con người đánh mất ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ ngay từ khi được tạo dựng. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Ngài đã chọn Đức Maria để cộng tác với Ngài. Đây là một hồng ân tuyệt vời khiến cả thế nhân và thiên thần phải vui mừng vì Bà đầy ơn phúc.” Chính chúng ta cũng được thông dự vào ân phúc ấy. Thiên Chúa đã tỏ tình thương đối với con người một cách cụ thể nơi Mẹ Maria. Hơn nữa, qua Mẹ và nhờ Mẹ, con người từ nay không còn là loài thất sủng nữa, nhưng nhận được ân sủng dồi dào hơn cả trước khi con người sa ngã, nhờ Đức Giêsu, Con của Mẹ. Từ nay Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng với con người: “Đức Chúa Trời ở cùng bà.” Đây là niềm vui vượt trên mọi niềm vui, niềm vui vì có Thiên Chúa ở cùng. Chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời đã mang lại ý nghĩa cho sự hiện diện của con người trong cuộc sống này.

Hơn nữa, nếu ta để ý một chút về kết cấu các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, ta sẽ thấy hàm chứa trong đó một triết lý sống rất thâm sâu về cuộc đời. Cuộc đời là tổng hợp của những thăng trầm lẫn lộn: có các mầu nhiệm vui, lại còn có những mầu nhiệm mừng. Vui và mừng, có khác gì nhau không? Cái khác nhau nằm ở chỗ, ta chỉ có thể đi đến cái “mừng”, khi ta đã vượt qua được những “đau thương”. Khởi đầu là niềm vui, rồi đến một chút xán lạn hơn. Nhưng ta sẽ luôn phải đối diện với những đau thương trong cuộc đời mình. Nhưng nỗi đau không phải là điểm đến của con cái Chúa. Chúa Giêsu đến là để giúp ta vượt qua những điều ấy để hướng đến một niềm hạnh phúc lớn lao hơn trên Nước Thiên Đàng. Thế nên, đọc Kinh Mân Côi, ta được mời gọi đón nhận hết tất cả những biến cố xảy đến trong cuộc đời, cả vui lẫn buồn, với một niềm tin chắc chắn rằng nếu ta luôn giữ lòng trung kiên với Chúa, ta cũng sẽ được vui hưởng phúc Thiên Đàng với Ngài.

Giáo Hội cũng đã có kinh nghiệm này trong dòng lịch sử. Vào thế kỷ 16, Giáo Hội bị đe dọa bởi lực lượng hùng hậu của quân Thổ tại Lepante, trong lúc nguy khốn ấy thì Hội Thánh cầu nguyện xin ơn trợ giúp của Mẹ Thiên Chúa qua việc lần chuỗi Mân Côi. Kết quả là đạo binh tây phương đã chiến thắng ngày 07-10-1571. Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ Mân Côi để ghi nhớ biến cố lịch sử này. Năm 1917, Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ chăn chiên ở Fatima. Mẹ cũng đã mời gọi ba trẻ lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Mẹ còn nhắn nhủ mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để thế giới được an hưởng thái bình. Vào lần hiện ra cuối cùng, ngày 13-10-1917, Mẹ đã tự giới thiệu Mẹ là: Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.”

Chúng ta đừng xem việc đọc Kinh Mân Côi là một cách thức giết thời gian khi rảnh rỗi, lấp vào chỗ trống khi chờ đợi. Lần chuỗi Mân Côi cũng không phải chỉ là cách thức cầu nguyện dành cho người già, phụ nữ hay trẻ con. Có thể việc lặp đi lặp lại nhiều lần Kinh Kính Mừng sẽ làm chúng ta cảm thấy nhàm chán. Miệng thì đọc nhưng lòng cứ nghĩ ngợi những chuyện đâu đâu. Có người còn đọc nhanh thật nhanh những câu kinh, và đánh giá mức độ yêu mến của mình dành cho Mẹ bằng số lượng tràng hạt mình lần trong ngày. Điều Mẹ thật sự muốn là chúng ta cùng với Mẹ ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương thực hiện nơi Mẹ những điều lạ lùng. Qua chuỗi Mân Côi, ta được Mẹ dẫn đến với Đức Giêsu, ta cùng với Mẹ ca ngợi Chúa vì tình thương lớn lao Người đã dành cho toàn thể nhân loại. Nếu chúng ta suy niệm Kinh Mân Côi trong tinh thần ấy, ta sẽ thấy trong tâm hồn bừng lên một niềm vui và một niềm hy vọng mới. Bất chấp ta tội lỗi thế nào, Thiên Chúa vẫn muốn đến gần chúng ta, muốn chúng ta cộng tác với Người.

Chính những kinh nghiệm đức tin này càng thôi thúc chúng ta suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi theo cách thức mà Mẹ ước mong. Vì thế chúng ta đừng đeo tràng chuỗi Mân Côi chỉ như đồ trang sức, nhưng hãy dùng chuỗi hạt để suy niệm Kinh Mân Côi. Hãy biến cuộc đời mình thành hiện thân của chuỗi Mân Côi, hãy để những mầu nhiệm ấy được sống lại trong cuộc đời mình.

 

 

Tùy Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập