Ăn chơi mùa tháng giêng

Ngày xưa ông bà cho tháng giêng là tháng “ Ăn chơi ”, để rồi ngày nay sau khi mùa xuân về, nhiều người đã dựa vào đó mà tha hồ ăn với uống!

Chủ trương này có đúng như nhiều người nghĩ không? Đừng nghĩ gì xa xôi, cứ nhìn trước mắt, nhìn vào ngay chính bản thân mà tự hỏi “ Mình đã có gì để mà ăn chơi chứ?” Nếu như chỉ dừng lại làm theo như nhiều người nghĩ thì thử hỏi sau một tháng ăn chơi này người mình sẽ như thế nào? Chắc là sẽ vào bệnh viện gấp, vì với thức ăn đầy hóa chất như hiện nay, cộng với môi trường không trong sạch, bản thân lại không có vận động! Chẳng lẽ ông bà lại khuyến khích con cháu sa vào điều tệ hại này hay sao? Đó là chưa kể đến chuyện cứ ăn cứ chơi thì “ Đến núi cũng phải lở!”

Thực ra, ông bà ta thuộc loại dân chơi thứ thiệt, chứ không phải thuộc loại tầm thường như chúng ta thường nghĩ! Ăn chơi làm sao để có được niềm vui tuyệt vời, nguồn hạnh phúc bất tận trong cuộc đời, chứ không chỉ là để thỏa mãn tính ích kỷ hay theo ý riêng của mình. Dân tộc chúng ta là dân tộc lúa nước, định canh, định cư, cho nên làm bất cứ một nghề gì, cũng đều nhất thiết phải có thời gian nghỉ ngơi tích cực, dài ngắn khác nhau, tùy theo mùa vụ cụ thể để bù lại thời gian lao động cực nhọc “ một nắng hai sương”, “ Đầu tắt mặt tối”, đặc biệt sau những ngày mùa lao động rất vất vả lo toan đủ điều trong cuộc sống, như câu ca mà người ta thường nói “ Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Bởi vậy, bước vào tháng giêng là thời điểm nhàn rỗi, ông bà ta liền lợi dụng dịp này để tổ chức cái gọi là “ lễ lạc hay còn gọi là lễ lạt ”. Gặp nhau trong “ lễ hội ” là có chén chú chén anh, trong lễ hội  chén chú chén anh đó cốt yếu là nhằm đến đời sống tinh thần, phát triển đời sống tâm linh, chứ không chỉ là của những người lười biếng, ngại vất vả, thích nhậu nhoẹt, ăn uống theo cách hàm hồ thô tục như có một số ít người nhắm đến! Chính vì vậy, mà giúp cho đời sống của con người trong cuộc sống trong làng xóm “ tối lửa tắt đèn có nhau” luôn biết sống trân trọng, tế nhị, hòa nhã, tốt đẹp với nhau, và loại trừ những cái xấu nhỏ mọn, sự ích kỷ, điều hẹp hòi...

Nhờ có sự nhận biết này mà làm cho vai trò của con người trong xã hội mỗi ngày một tốt đẹp thêm lên, nói cách khác là ông bà đã tận dụng mọi thời khắc của cuộc sống để giúp con người trau dồi cũng như phát huy chức năng cao quý của con người, chứ không hề đơn thuần là dừng lại ở thói ăn chơi, cờ bạc, rượu chè “ mút mùa! ”. Thời gian “ xả hơi ” này quả là cần thiết và hợp lý, không đến mức độ phế bỏ, trễ nải mọi việc trong đời sống.

Nói điều này trong cuộc sống hôm nay sẽ có người cho là quê mùa, lạc hậu hay nói văn hoa hơn là “ Xưa rồi Diễm ơi!”, giờ mà cứ bám lấy nó thì làm sao tiến bộ được? Đúng là như thế, nhưng mà điều căn bản, cái nền tảng mãi mãi nó là như thế, nếu có thì nó chỉ thay đổi cách áp dụng mà thôi. Bởi vậy, cứ tưởng cái văn minh tiến bộ hôm nay là nhất, không còn gì hơn nữa mà đã vội vàng phủ nhận hết mọi chuyện, nhất là công việc đầy ý nghĩa của ngày xưa! Cho nên một cách nào đó, hôm nay mới có những chuyện làm cho nhiều người không thể nào ngờ nó lại có thể xảy ra được!

Mới đây, vào sáng ngày 26,12,2016  tại số nhà 73D, đường Nam Cao phường Tân Phú, quận 9, TP. HCM, một người đàn bà là bà cô bên chồng vì tranh chấp đất đai và ghét nhau trong việc cạnh tranh trong buôn bán, đã bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu của người cháu dâu cho hả dạ, cho bõ ghét... Nếu giả như người cháu dâu không phát giác kịp thời..., thì khi có người đến ăn nhằm phải chất độc này, tai họa sẽ đến như thế nào?

Chuyện giữa hai người, chỉ là việc hận thù nhỏ: tức tối vì mất mối lợi.

Suy nghĩ hạn hẹp: Bỏ một gói nhỏ thuốc chuột vào một nồi bún riêu được bán cho khoảng gần 100 người ăn, phải bỏ đi, phải hư đi....

Nhưng kết quả sau đó sẽ là gì? Có phải là hận thù sẽ nguôi ngoai; có phải là chỉ nổi bún riêu không xử dụng được; có phải là sáng hôm đó người cháu dâu bị mất thu nhập, bị lỗ vốn??? Mà đâu có ngờ sẽ có người chết nếu ăn phải, nếu không đến nỗi chết người nhưng sẽ có biến chứng, biến chứng nặng cuộc đời rồi sẽ ra sao? Biến chứng nhẹ sẽ kéo dài từ ngày này qua ngày khác, làm ảnh hưởng đến bản thân, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và cuối cùng sẽ kéo theo biết bao tai họa khác mà xã hội sẽ phải gánh lấy...

Hơn nữa, người bị hại là ai? Người đó có liên quan gì đến mình không? Và trước việc làm đó, hình ảnh của bản thân bị hoen ố, gia đình cũng bị vạ lây và nhất là ảnh hưởng đến dòng họ nữa!!! Đừng nói gì xa xôi, ngay trước mắt, khi thấy mẹ bị bắt, “Đứa con gái bà Điệp đang học lớp 11, lực học rất giỏi, đã buồn rầu, khóc rất nhiều, chạy sang nhà bị hại để xin lỗi. Và người bị hại đã xin bãi nại nhưng không được”, chị Tuyết trầm ngâm. Người bị hại bãi nại, nhưng về mặt xã hội đâu có đơn giản trước hành động này! Ngoài ra, người con ấy lại phải đi về một nơi mà người con không hề muốn để tránh nghe tiếng xấu về người mẹ của mình!.. Rồi mai mốt lớn lên, làm sao có thể xóa được điều “ xấu xa ” này khi cuộc đời còn lắm thử thách, gian nan...

 Nghe và nhìn, tôi thấy xót xa làm sao! “ Trả lời với PV Khám Phá, chị Tuyết nói: “Con bé cứ chạy qua nhà tôi khóc, xin lỗi thay cho mẹ, xin tôi bãi nại đừng để mẹ phải đi tù. Tôi bật khóc nghĩ tới giây phút cô Điệp phải tù tội thì tội cho gia đình cô, bởi ngày trước nhờ cô cho công việc phụ bán bún tôi mới có thu nhập nuôi gia đình… Nếu biết sự việc lớn thế này tôi đã không dám báo công an”.

Như vậy, cho thấy nếu chỉ lo cho riêng mình với cái nhìn hạn hẹp, chất chứa những điều xấu, điều ác ở trong lòng dù chỉ là một chuyện nhỏ xíu, vụn vặt thôi... nhưng tác hại của nó sẽ chẳng thể nào ngờ được!!!

Qua đó giúp cho ta biết đừng bao giờ để lòng thù hận cho dù là một điều nhỏ bé, mà hãy thay vào đó là những điều tốt đẹp, mặc dù điều tốt đẹp làm mãi vẫn như muối bỏ biển! Với sự kiên trì của ta cùng với mọi người, cuộc sống này sẽ có được một ngày đầy tràn niềm vui, không còn sự muộn phiền hay sự hận thù!

Bởi vậy, môt cách nào đó, nhắc nhở mỗi người chúng ta trong mùa xuân này, hãy để ý: ăn chơi cho đúng kiểu là làm lợi cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người.

Ăn chơi mà không biết qua đó để trau dồi nhân cách, đạo đức trong tâm hồn, hay bị hướng theo sự lệch lạc, sai trái thì thật là một thảm họa!

Cuộc đời hôm nay có rất nhiều khó khăn và thử thách. Bước vào năm mới ai cũng mong muốn được những điều may mắn, tốt lành. Cầu xin, mong muốn những điều kể trên thật là đúng, là tốt, nhưng mà không chỉ ngồi đó chờ nó tới, mà trước hết ta phải sống, phải thực hiện y như thế. Một khi ta đối diện và vượt qua chúng ta mới trân trọng gìn giữ cũng như giúp người khác có được điều quý báu ấy... thì lúc đó sự tốt lành mới có trong cuộc sống này.

Do đó, trong cuộc sống ta cần phải ý thức và nhận biết về cuộc sống của ta là để làm gì? Nhất là đối với gia đình và xã hội, chứ đừng trả lời theo kiểu lý sự cùn là tôi có tự do muốn làm gì thì làm, không động chạm đến một ai là được!!!

Để được như vậy, ta hãy nhìn lên Chúa là mùa xuân, lắng nghe và sống theo Lời Ngài dạy trong sự trợ giúp của Ngài, nhờ vậy, trọn cuộc đời này chúng ta luôn biết bước đi trên những nẻo đường quang minh chính đại.

Chúa chính là mùa xuân con mong chờ. Cho con đẹp tuổi thắm niềm mơ. Chúa chính là mùa xuân con mong chờ. Cho con đẹp tuổi xuân ngàn ước mơ.”

Thiên Quang sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập