THÁNH LỄ CHỮA LÀNH CHÚNG TA

Dẫn nhập :


Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26, 26-28)

Tâm điểm niềm tin Công giáo của chúng ta là hy tế thánh lễ. Chúng ta quy tụ lại để cử hành Thánh Thể vốn là tâm điểm, là trung tâm của mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Nơi thánh lễ, mầu nhiệm cao quý của cuộc đời là biến cố chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được cử hành qua phụng vụ bí tích. Là người Công giáo, chúng ta phải có một nhận thức sâu sắc rằng thánh lễ mang một ý nghĩa lớn lao hơn những gì ngày nay chúng ta hình dung, vì quả thực thánh lễ là một sự chữa lành. Suy nghĩ về điều này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài suy niệm, cảm nghiệm và tình yêu của cá nhân tôi về thánh lễ giống như một sự chữa lành.

Giáo huấn truyền thống Công giáo về việc cử hành Thánh Thể như là bàn tiệc của Chúa và cũng như một cuộc hiến tế thì rất quen thuộc với nhiều người chúng ta. Công Đồng Vatican II tuyên bố: "Tại bữa tiệc ly, trong đêm bị trao nộp, Đấng cứu độ chúng ta đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể bằng chính Mình và Máu Người. Người làm việc này để các thế hệ sau đều ghi nhớ mãi hy tế thập giá cho đến khi Người lại đến và trao phó cho hiền thê yêu dấu của Người là Giáo Hội, cuộc tưởng niệm Người đã chịu chết và phục sinh: đó là Bí Tích Tình Yêu, là dấu chỉ của hợp nhất, là giao ước của đức ái, là bữa tiệc vượt qua mà ở đó Đức Kitô là lễ vật hiến tế để chúng ta được đầy tràn ân sủng, và bảo đảm cho chúng ta một tương lai huy hoàng rực rỡ."

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có một ý nghĩa đổi mới về thánh lễ xét như một công cuộc chữa lành. Cha Ted Dobson đã viết cuốn “Nói không dùng lời” (Say But the Word)  để nhấn mạnh đến sức mạnh chữa lành của Bí Tích Thánh Thể. Trong phần đầu của cuốn sách, ông viết rằng: việc chữa lành nơi thánh lễ đã là một phần trong truyền thống Công giáo chúng ta. "Vào những ngày đầu của các Kitô hữu thời sơ khai, Thánh Thể được xem là một bí tích của chữa lành và biến đổi, là nghi lễ mang đến cho người cử hành một ý nghĩa trọn vẹn. Ví dụ, qua cuốn sách nổi tiếng nhất “Thành Đô Thiên Chúa - The City of God” cũng như cuốn sách cuối cùng “Khảo Lược - Revisions” thánh Augustinô đã minh chứng cho hiệu quả chữa lành mà ngài nhìn thấy trong giáo phận của ngài, đó là kết quả khi giáo dân lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Tương tự, trong một tập sách nhỏ của nữ tác giả Barbara Shlemon, R.N., bà cũng nhấn mạnh đến sức mạnh chữa lành của Thánh Thể khi viết: "Mỗi khi chúng ta tham dự vào buổi cử hành thánh lễ là chúng ta đang ở trong cuộc chữa lành. Khi chúng ta tới gần bàn thờ và cầu nguyện "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh." Đây là lời cầu nguyện mà chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu Kitô có thể biến đổi những nhu cầu thể lý, cảm xúc và linh hồn của ta. Nếu chúng ta thật sự tin rằng Đức Giêsu hiện diện trong bánh thánh thì chúng ta phải tiếp nhận được sự toàn vẹn khi lãnh nhận Mình Ngài vào lòng." Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta ngày càng có một sự cảm nhận và hiểu biết hơn nữa về Bí Tích Thánh Thể như là một sự chữa lành, chữa lành thân xác và tâm trí cho tất cả mọi người.

Trong 5 năm qua, tôi đã hướng dẫn nhiều cuộc hội thảo cho các linh mục tại nhiều nơi trong nước. Khi thảo luận với họ, tôi đã nhấn mạnh những chiều kích của thánh lễ là những yếu tố của việc chữa lành. Khi một vị linh mục nhận ra những khía cạnh chữa lành trong Thánh Thể thì ngài lại chia sẻ cảm nhận ấy cho những người khác. Thông qua cuốn sách này, tôi sẽ bàn đến những phần chính yếu của thánh lễ và minh họa bằng khía cạnh chữa lành. Hy vọng rằng cảm nhận sự chữa lành trong thánh lễ có thể khơi gợi cho tất cả những ai đọc cuốn sách này, sau đó chia sẻ cho người khác những gì mình học và trải nghiệm được. Là người Công giáo, nếu càng ngày càng hiểu biết hơn và ý thức tham dự hơn vào thánh lễ, cũng như tập trung vào các khía cạnh chữa lành trong mỗi phần của thánh lễ thì chúng ta sẽ càng nhận thấy rõ quyền năng chữa lành của Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện cách phong phú. Một vị bác sĩ khi nghe thảo luận về những khía cạnh chữa lành trong thánh lễ đã chia sẻ với tôi rằng tham dự thánh lễ hằng ngày đã cho ông ta một ý nghĩa mới sau khi ông nhận ra rằng thánh lễ cũng là thời gian cho việc chữa lành. Ước mong các bạn cũng được chúc phúc như vậy!

 

Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập