Cha EYMARD với

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

 

Khi cuộc sống dương gian của cha Eymard gần chấm dứt, thì cũng như Thầy Chí Thánh, ngài đã phải đương đầu với biết bao khó khăn lớn lao và phải chịu biết bao đau khổ tủi nhục, đến nỗi những công lao ngài xây dựng trong bao năm qua, lúc đó hầu như bị tiêu tan hoàn toàn. Suốt đời ngài xả thân làm vinh danh Chúa trong Thánh Thể, giờ đây trước khi lìa trần, mọi công cuộc mà ngài xây dựng bằng mồ hôi và nước mắt hầu như bị sụp đổ tan tành dưới sức tấn công mãnh liệt của thế gian và hỏa ngục. Tháng tư, năm 1868, trước sự nghiệp hầu như đổ vỡ hoàn toàn, cha Eymard với tâm hồn can đảm và tin tưởng phi thường, ngài viết:“Lúc này tôi bị nghiền nát dưới sức nặng của thánh giá và mọi công cuộc của tôi giờ đây hầu như biến thành hư không”.

Nhưng nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không bị mục nát đi thì sẽ chẳng bao giờ trở thành cây để có thể trổ sinh hoa trái phong phú được.

Vì phải đương đầu với những khó khăn như vậy, nên sức khỏe của cha Eymard bị hao mòn và kiệt quệ dần. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của ngài quá kiệt quệ, anh em trong Dòng phải nài ép ngài về La Mure tĩnh dưỡng, với hi vọng khí hậu mát mẻ của miền núi có thể giúp ngài hồi phục sức khỏe phần nào. Hôm trước ngày rời Paris, cha Eymard bị những cơn phong làm co rút thân xác, khiến ngài phải đau đớn nhức nhối đến nỗi phải liệt giường suốt ngày. Trên đường về La Mure, ngài ghé lại Đền Đức Mẹ La Xa-lét (La Salette) ở Grờ-nốp. Cũng chính tại nơi đây, 34 năm về trước ngài đã dâng thánh lễ đầu tiên và trong ngày ấy, Chúa đã tuôn đổ xuống trên ngài biết bao ơn cao cả nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Giờ đây, một lần nữa, Đức Mẹ lại có dịp nâng đỡ người con hao mòn yếu nhược vì công cuộc của Thầy Chí Thánh. Cha Eymard phải cố gắng lắm mới hoàn tất được thánh lễ, nhưng sau đó thì ngài không thể cám ơn rước lễ được.

Chiều hôm ấy ngài cảm thấy dễ chịu hơn, nên lại tiếp tục cuộc hành trình về La Mure. Cuộc hành trình gian khổ càng khiến cho bệnh tình của ngài càng trở nên trầm trọng hơn, đến nỗi ngài bị bán thân bất toại và khi về tới nhà, vừa bước xuống xe là ngài bị ngất xỉu liền. Hai tu sĩ của ngài ở Paris hay tin đó, đã vội vã về La Mure để săn sóc cho ngài. Khi họ tới bên giường bệnh, ngài nói: “Làm gì mà anh em phải quá bận tâm  như vậy”.

Sáng ngày 1 tháng 8 năm 1868, sau khi lãnh Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân và Của Ăn Đàng, ngài thì thào: “Thôi, vĩnh biệt chị yêu dấu! Thế là xong, mọi sự đã hoàn tất”. Sau giây phút ấy, ngài không còn nói được nữa, nhưng nét mặt vẫn tươi tỉnh và mỉm cười với mọi người. Khoảng ba giờ chiều, ngài thản nhiên trút hơi thở cuối cùng trong tay Thầy Chí Thánh. Hôm ấy là thứ bảy, lễ thánh Phêrô bị xiềng xích và khi ngài thở hơi cuối cùng thì cũng chính là lúc bắt đầu Kinh Chiều của lễ Đức Mẹ là Nữ Vương các thiên thần. Nữ Vương Thiên Quốc đã dẫn dắt ngài tới chức linh mục, rồi từ Dòng Đức Mẹ đến Dòng Thánh Thể, giờ đây Mẹ lại dẫn đưa ngài từ ngai tòa Thánh Thể dưới đất lên chầu Con Chiên nơi toà Thiên Quốc đến muôn đời. Quả thực, như có lần ngài đã xác nhận: “Mọi ân huệ tôi nhận được đều qua Đức Mẹ”.

Trong khi trút hơi thở cuối cùng, mặt ngài bỗng tỏa ánh hào quang rực rỡ và đôi môi mỉm cười dường như muốn nói với mọi người xung quanh: “Tôi có ở bên anh em hay không, thì đâu có gì khác biệt. Anh em lại không có Thánh Thể luôn ở kề bên hay sao?”. Chiều hôm sau, lễ an táng được cử hành hết sức long trọng. Giáo dân khắp vùng lân cận tuôn đến kính viếng và tiễn đưa ngài tới nơi an nghỉ cuối cùng ở bên cạnh nhà thờ La Mure. Năm 1877, hài cốt ngài đuợc đưa về đặt dưới bàn thờ của nhà nguyện Co-pus Cris-ti (Corpus Christi) ở Paris.

Khi qua đời, cha Eymard được 57 tuổi. Dòng tu còn măng sữa của ngài dường như cũng muốn trút hơi thở cuối cùng với ngài. Nhưng hạt giống gieo xuống đất phải mục nát đi mới có thể phát sinh mùa màng phong phú được.

57 năm sau khi qua đời, ngày 12 tháng 7 năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong ngài lên hàng Chân Phước. Rồi ngày 9 tháng 12 năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh. Lễ kính ngài được ấn định vào ngày 2 tháng 8.

Ngày nay hàng triệu tín hữu khắp nơi tôn kính ngài như một VỊ ĐẠI TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ.


                            Lm. Dominic Nguyễn phúc Thuần, SSS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập