Chuyên Đề

Ngày Tết

SUM HỌP GIA ĐÌNH

 

Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê có cơ hội về đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, người thân của mình và cùng nhau đón chào những điều may mắn của năm mới. Đó cũng chính là truyền thống hết sức ý nghĩa, là nét đẹp văn hóa mãi lưu truyền của dân tộc Việt Nam.

Dịp Tết, ta thường thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối tương quan tình nghĩa. Nếu không có những tương quan này, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Để có thể sống hạnh phúc ở đời, con người cần có những mối tương quan. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để có mặt trên đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia sẻ vui buồn… Trong tất cả các mối liện hệ, thì gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ có chiều kích sâu xa và bền vững nhất. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có mặt trên đời. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng nhất, vì từng thành viên thấy mình thuộc về nhau bằng một mối dây nối kết kỳ lạ, không sao chia cắt được. Dù có xa cách nhau, hay có nhiều điều khác biệt nhau, ta vẫn không thể nào thay đổi được một sự thật là mình có mối quan hệ ruột thịt với những con người nơi ấy. Ta có thay máu, lột da hay tẩy não cũng không thể làm cho mình trở nên một người khác hay tách mình ra khỏi mối liên hệ gia đình. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.

Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng Hai Tết, Giáo Hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp. Chính trong ý hướng đó bầu khí các ngày Tết, đặc biệt là ngày Mùng Hai người Kitô hữu Việt Nam đều muốn sống tình yêu gia đình với lòng biết ơn. Bởi thế mà bài hát “Đầu Xuân Cầu Cho Gia Đình” của nhạc sĩ Phanxicô đã trở nên rất quen thuộc đối với người Công Giáo khắp nơi, chắc hẳn là vì lời bài hát đã diễn tả đúng tâm tình và đi vào tâm thức của người Công Giáo Việt Nam trong tình yêu sum họp gia đình vào những ngày Tết đến: “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình ngất ngây với nguồn yêu mến, dâng đến lòng Mẹ Cha bông hoa là lòng biết ơn. Ngày đầu xuân dâng lên Chúa lời kinh của gia đình, mong ước đời an bình xin Ngài ban muôn ơn, cho người con yêu thương, cho những người mà con yêu thương”

Ai cũng mong Tết, ai cũng thích Tết. Cứ nhắc đến Tết là biết bao cảm xúc ngổn ngang chợt ùa về, không phải vì bánh mứt, hạt dưa; không phải vì cành mai, cành đào; cũng không phải vì lễ hội với quần áo đẹp… nhưng hương vị ấm áp của ngày Tết đó là vì lúc đó người ta được quây quần bên gia đình, tình cảm được vun đắp. Vì thế, Tết là thời gian đặc biệt để con cháu báo hiếu với ông bà cha mẹ, với tiền nhân. Ngày Tết, gia đình sum họp, dù đi làm ăn xa khắp tứ phương, ai ai cũng cố gắng về nhà để đoàn viên cùng mẹ cha, anh chị em, người thân, hàng xóm và gửi cho nhau những câu chúc thật ngọt ngào với hy vọng những gì tốt đẹp nhất sẽ đến trong đời ta và những người ta yêu mến.

Một người Việt trưởng thành, dù ở cương vị nào, với họ, quê hương, dòng họ vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc. Trở về quê hương là trở về với nguồn cội để có thêm động lực và ý chí phát triển sự nghiệp của mình. Vì thế phong tục về sum họp gia đình đầu năm đã thành một nét đẹp truyền thống. Tết đến, người trẻ làm ăn xa, dù ở phương trời nào họ đều ước ao về quê chúc Tết họ hàng, thắp nén hương thơm dâng lên tổ tiên của dòng họ trong ngày đầu năm. Việc làm này là sự tri ân và cũng là cách để tự dặn với lòng mình và răn dạy con cháu không bao giờ quên truyền thống và luôn hướng về cội nguồn. Tết là cơ hội tốt nhất để những người con trở về với tổ tiên với nguồn cội. Đó là dịp để ta biết và hiểu hơn về truyền thống dòng họ cũng như văn hóa bản địa của nơi mình sinh ra. Ngày nay, điều kiện kinh tế đã khá hơn, người Việt không phải chỉ ăn Tết mà đang chuyển sang chơi Tết. Dẫu vậy, dành thời gian về quê sum họp gia đình ngày Tết vẫn là những chọn lựa thiêng liêng để giúp ta ý thức biết mình là ai và mình từ đâu đến.

Trong thánh lễ Mùng Hai, ta cầu nguyện đặc biệt cho ông bà, cha mẹ và tổ tiên của họ. Là người con hiếu thảo, ta xin Chúa trả công bội hậu cho những đấng bậc đã sinh thành dưỡng dục ta nên người. Con cháu ước mong cha mẹ, ông bà sống lâu bên con cháu, trở nên những cây cao bóng cả cho con cháu nương nhờ. Đặc biệt mỗi người con, người cháu xin Chúa cho mình sống làm sao để xứng đáng với đạo nghĩa gia phong mà tiền nhân đã son sắt giữ gìn. Cũng vậy, ông bà cha mẹ nguyện xin Thiên Chúa ban cho con cháu hồn an xác mạnh, sống tin yêu Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.

Nơi khoảnh khắc giao mùa, người ta muốn quên đi tất cả những gì không hay của quá khứ, hớn hở đón chờ niềm vui bất ngờ của năm mới. Tết cho ta biết cái quý nhất trên đời là tình người và cái duy nhất có thể sưởi ấm nhân gian là sự yêu thương san sẻ. Tết nhắc ta về nguồn cội và thôi thúc ta đi vào không khí đoàn viên bên những người thân thương nhất, đó là khoảng thời gian đặc biệt mà mỗi người muốn dành cho Thiên Chúa, cho gia đình và cho tha nhân. Và hẳn trong bầu khí thiêng liêng giao mùa của ngày đầu năm mới, chắc ai ai cũng muốn dâng lên Thiên Chúa là chủ tể thời gian ban thêm một năm mới an lành; đồng thời cũng cầu xin Chúa ban cho bản thân, gia đình và mọi người được mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an.

 

 

Tùy Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập