THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

NƠI NƯƠNG NÁU CHO CÁC GIA ĐÌNH

 

Xã hội ngày nay coi trọng bạc tiền hơn tình nghĩa. Người ta đặt tất cả những giá trị trên cán cân lợi ích. Cái gì có lợi cho mình, cái ấy mới được xem là điều cần theo đuổi. Rốt cuộc, những tư lợi ấy đã dẫn họ đến chỗ tự phá hủy bản thân, gia đình tan vỡ và tất cả các tương quan khác cũng gãy đổ .

Quay trở lại câu chuyện gia đình đầu tiên của nhân lại được trình thuật trong Sáng Thế Ký: Sau khi bà Evà nghe lời dụ dỗ của con rắn, hái trái cấm đưa cho chồng và hai người cùng ăn, mọi sự rắc rối bắt đầu xảy ra. Tương lai của họ giờ đây chỉ là một màu đen u ám và vô định. Màu đen ấy đến từ những tương quan đổ vỡ giữa họ với Thiên Chúa, với muôn loài và với nhau. Ađam chẳng những không nhận tội, còn đùn đẩy cho vợ mình: “chính người phụ nữ mà Ngài đã ban cho con để ở cùng con, chính cô ta đã bảo con ăn”. Sự thật tuy đúng là như thế, nhưng “sự nên một” mà Thiên Chúa đã tạo ra giữa hai người đã bị ông chia cắt. Một thời, ông đã xem bà Evà như “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Vậy mà giờ đây, ông chẳng những không dám đón nhận lấy thiếu sót của nàng, còn vạch mặt chỉ tên, đổ hết trách nhiệm cho nàng; lại còn trách cả Chúa là do Chúa đã dẫn nàng ấy đến với ông nên ông mới khốn khổ thế này. Tình cảm vợ chồng gắn bó keo sơn đã bị những ích kỷ và hèn nhát của con người làm cho vụn nát. Câu chuyện chưa kết thúc, sách Sáng Thế còn thuật lại cho chúng ta câu chuyện về hai người con trai của họ là Cain và Aben. Chỉ vì ganh tỵ với em, Cain đành tâm ra tay sát hại chính em ruột của mình. Tình huynh đệ ruột thịt đã bị cắt đứt. Một gia đình hiệp nhất đã bị chia năm xẻ bảy, tất cả là do sự kiêu ngạo, tham vọng và ích kỷ của con người cùng với những thúc đẩy thấp hèn của bản thân.

1. Hàn gắn đổ vỡ bằng trái tim hiền lành và khiêm nhường

Đức Giêsu đi vào trần gian mang nơi mình sứ mạng cứu độ nhân loại và hàn gắn những đỗ vỡ trong tương quan với Thiên Chúa và với nhau. Khi đến trần gian Đức Giêsu đã chọn tính cách của một người hiền lành: “Hãy đến với Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Thế nào là một con người hiền lành và khiêm nhường theo cách sống của Đức Giêsu? Đó là người mang nơi mình một con tim nhân hậu, và hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Người hiền lành là người có một nội tâm mạnh mẽ, là người có một niềm tin vững vàng vào những giá trị tốt lành của cuộc sống.

Nét hiền lành của Đức Giêsu cũng được Thánh Matthêu dùng lời của ngôn sứ Isaia để diễn tả: Người không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”(Mt 12, 19-21). Thánh Matthêu dùng đoạn văn trên để loan báo rằng Đức Giêsu sẽ là người đem công lý của Thiên Chúa đến toàn thắng trong cung cách của một người hiền lành. Sự hiền lành của Đức Giêsu không phải là nhu nhược hay nhát đảm. Sự hiền lành ấy là một cung cách sống hữu hiệu để làm chứng và thực thi công lý của Thiên Chúa. Công lý ấy chính là tình yêu đến quên mình, yêu đến chết vì người mình yêu. Vì thế đối với những vấn đề tranh cãi, mâu thuẫn, ngỗ nghịch, chia rẽ….. đang xảy ra trong các gia đình, Đức Giêsu ước muốn giải quyết các vấn đề ấy bằng chính sự hiền lành và khiêm nhường để đưa công lý của Thiên Chúa đến toàn thắng.

2. Tha thứ bằng trái tim thương xót

Đức Giêsu không đến để kết án hay luận tội nhưng Ngài đến để làm cho mọi người nhờ tin vào Ngài mà được cứu độ. Đức Giêsu ghét tội nhưng lại rất quí mến tội nhân. Con tim của Đấng được Cha sai xuống trần chạnh lòng thương đối với con người tội lỗi. Ngài biết rằng không ai đau khổ và bất hạnh như người phạm tội. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với con người một lời cho tất cả: “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thửa, nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương” (Gr 31,3)

Tình yêu đến cùng ấy được tỏ lộ trên thập giá. Nhìn lên và chiêm ngắm Thánh Tâm bị đâm thâu, chúng ta hãy để cho những giọt máu và nước tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu tắm gội tâm hồn chúng ta. Ngài đã trao hiến và trao cho đến tận cùng tình yêu của mình. Hãy để cho tình yêu Ngài thu hút chúng ta, và lôi kéo chúng ta lên cao với Ngài như lời Ngài phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chính Trái Tim bị đâm thâu là hình ảnh thu hút và lôi kéo chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm những lần mình sa ngã phạm tội làm mất lòng Chúa, làm tổn thương tha nhân, và làm mất phẩm giá của chính mình, và như một hệ quả tất yếu, chúng ta nhận thấy cuộc sống của mình còn ngổn ngang, khắc khoải, đau khổ, và không có được bình an, hạnh phúc tròn đầy. Từ kinh nghiệm riêng tư ấy, các gia đình cần đến Chúa và tình yêu thương xót của Ngài biết bao như lời Chúa đã hứa thửa xưa: “Người vẫn yêu thương và Người yêu cho đến cùng” (Ga 13,1).

Thái độ của con người là nhìn nhận mình thiếu sót tội lỗi để từ đó biết tin tưởng phó thác. Nếu Ađam và Evà biết nhận mình có lỗi và tin tưởng vào sự tha thứ từ trái tim thương xót của Thiên Chúa, chắc hẳn ông bà không đánh mất hạnh phúc và gia đình của ông bà sẽ được chúc phúc. Như thế, sám hối khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm vẫn là bước đi quan trọng trong một tiến trình hàn gắn những rạn nứt trong gia đình. Thánh Tâm Chúa sẽ là lò lửa thương xót thánh hóa để các thành viên gia đình nhận biết mình và nhận biết trách nhiệm của mình.  

3. Một quả tim mới

Gia đình được liên kết với nhau bằng một mối dây yêu thương không tách rời, nơi đó các quả tim thổn thức chung một nhịp đập. Thế nhưng cũng có lúc gia đình hết rượu nồng yêu thương như đôi bạn trẻ trong tiệc cưới Cana, từ đó dẫn đến những hờ hững lạnh nhạt và bất tín trong hôn nhân. Những thách đố  khó khăn theo ngày tháng của cuộc sống hôn nhân bào mòn trái tim vợ chồng và con cái, những con tim ấy trở nên những ốc đảo xa lạ và trở nên khô cứng. Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa đến hứa “sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. (Is 36, 26-27). 

Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là quả tim mới, quả tim bằng thịt được ban cho mỗi người chúng ta. Nhờ Thánh Tâm Chúa Giêsu và dưới tác động của Thần Khí, trái tim còn chai đá của chúng ta sẽ được biến đổi nên giống Trái Tim Chúa, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Trái tim mới sẽ sống động mỗi ngày nhờ Thánh Thần dẫn dắt đi “theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Thiên Chúa và đem ra thi hành”. Việc tuân giữ Lời Chúa lại là nền tảng cho gia đình. Khi ấy, các gia đình sẽ trở nên chứng nhân cho Chúa khi biết sống chan hòa yêu thương, niềm vui và tín trung đến trọn đời.

Không ở đâu và nơi nào, gia đình tìm được nơi nương náu vững chắc và an bình hơn Thánh Tâm dịu hiền của Đức Giêsu, vì từ nơi Trái Tim Người nguồn suối ân sủng tuôn trào sẽ thánh hóa các gia đình, nuôi dưỡng và giúp các gia đình sinh hoa trái thiêng liêng dạt dào phong phú như thánh vịnh 127 mô tả 

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Xion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,
được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ítraen vui hưởng thái bình

 

Tùy Phong,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập