Truyện Ngắn 

ĐỜI LINH MỤC 2


---//---

Rồi cậu cũng trở thành linh mục. Nhưng cậu không còn thường xuyên đến Nhà Hưu Dưỡng nữa, cũng vì bận rộn với công việc của một mục tử. Ngày chịu chức linh mục, cậu cảm nhận rõ những lời của cha cố Phêrô nói: “Đời Linh mục vinh quang lắm, được người ta ca tụng, tung hô. Nhưng đó không phải là mục đích của đời linh mục, cái chính là con có trung thành đến hơi thở sau cùng mỗi khi bị bắt bớ và chống đối hay không…”

***

Ai cũng khen cha mới trẻ, đẹp và giỏi nữa. Nhưng mỗi khi nhìn vào tấm gương của cố, cậu chẳng để tâm đến những lời khen đó. Bởi cậu nghĩ, ngày trước cha cố cũng được khen trẻ đẹp, tài giỏi đấy thôi. Nhưng rồi tất cả những lời khen qua đi, người ta quên luôn cả mặt cha cố, chứ đừng nói nhớ đến những công lao đã làm. Tất cả cũng vì tuổi già, vì những biến chuyển của cuộc đời, vì người giáo dân chỉ nhìn khách quan làm sao có thể hiểu được nổi niềm của những kẻ trong cuộc. Ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm trôi qua, sau mười ba năm dài đăng đẳng đi “cải tạo”, cha cố được trả tự do. Nhiệt huyết vẫn còn đó, tấm lòng vì đàn chiên vẫn còn đó. Nhưng dường như với tính cương trực nề nếp của một cha tuyên úy quân đội xem ra không phù hợp với cái não trạng “tư dọ độc lập” mà một số người vẫn tuyên truyền thế. Não trạng ấy xem ra đi ngược với lề thói cũ. Để rồi chẳng biết từ khi nào, người ta bắt đầu chống đối cha này, lên án cha kia, vì những lý do này, vì những lý do kia. Và rồi các linh mục ấy lần lượt trở về những căn phòng nơi nhà hưu này trong cô đơn của tuổi già.

***

Sau ngày cha cố bị nhồi máu cơ tim, sức khỏe ngài xuống thấy rõ. Cha không còn mạnh mẽ những bước đi hiên ngang nhưng ngồi xe lăn. Muốn đi đâu cũng phải có người đưa đi. Mà ai đâu rảnh để ở bên cha mãi. Người ta sinh cả chục đứa con, đến cuối đời cũng cô đơn một mình, vì chúng nó có con cái, có gia đình. Thân già này trước giờ một mình, đôi khi lầm tưởng, bám víu nghĩ rằng mình nhiều con cháu… nhưng giờ chỉ một thân một mình. Đời linh mục là vậy con ơi. Cha cố nắm tay cậu tâm sự. Ở cái nhà hưu này xem vậy mà cũng vui. Không có giáo dân thì cũng có anh em, cha này cha kia. Sáng sáng các cha cùng đồng tế dâng lễ với nhau nơi nhà nguyện ấm cúng. Điểm tâm xong thì lại lên phòng tập vật lý trị liệu, hỏi thăm nhau dăm ba câu, rằng cha khỏe không? Đêm qua có ngủ ngon không?... Tai tôi ù quá…đầu gối mỏi không đi được…

***

Bữa cậu có dịp về thăm cha cố, cha cười tươi, nói con bận lắm hả? Con tranh thủ hàng tháng về đây thăm bố lấy bổng lễ, rồi chạy về nhà thăm mẹ con, có tiền mua sữa cho mẹ… Lâu lâu con về thăm bố, bố có ít ý lễ không dâng, bố để dành cho con. Lễ thường chỉ có hai trăm rưỡi, ở đây thỉnh thoảng bố có lễ ba trăm, bố chia cho con… vừa nói cha vừa cầm tay cậu, miệng cười tươi. Dù rằng chưa bao giờ cậu gọi cha cố là bố, cũng chưa bao giờ nói rằng con nhận cha làm cha bố, nhưng suốt một thời gian dài cậu đi tu, cha cố luôn đồng hành, động viên, khích lệ, và lắm khi nghiêm khắc răn dạy. Với cậu, dù chưa bao giờ gọi cha bằng “bố” nhưng sâu thẳm trong lòng, cha cố thật sự là một người “người cha thiêng liêng” mà không ai có thể thay thế được. Bữa nay, cầm tay cậu, cha cố nói con về thăm bố, bố vui lắm, khi nào có dịp đi đâu ngang qua con ghé thăm bố. Lúc đó cậu muốn nói “dạ vâng, thưa bố!” nhưng sao lại không nói được. Cổ họng nghẹn ứ. Hai cha con đang nói chuyện, bỗng cha cố An-tôn phòng bên cạnh chống gậy đứng trước cửa phòng, nói vọng vào.

- Ai đây cha cố?

- Con tôi – cha bố cậu vui vẻ trả lời cách hãnh diện.

- Chắc là đến xin tiền chứ gì? – cha cố Antôn nói xong rồi lụ khụ chống gậy bỏ đi.

Nghe câu nói đó, cậu không trách cha cố An-tôn chút nào, càng thương cho thân phận các cha. Ngày còn làm chánh xứ, có người này người kia thăm hỏi, nhưng về hưu, tiền cũng không có, giáo dân dường như cũng không đủ thời gian để thăm nom, con cháu còn bận công ăn việc làm…vậy nên cái ý nghĩ con cháu, giáo dân đến thăm cha vì tiền cũng đâu có gì là lạ… Cậu nghĩ thế.

***

Ở cái nhà hưu này xem ra cũng tốt cho các linh mục. Vì Đức Giám Mục cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, lại có người chăm sóc cho các cha, và cũng gần bệnh viện. Nhưng việc nhiều cha cố ở chung với nhau cũng tạo nên một áp lực tâm lý vô cùng lớn. Bởi hầu hết các cha về hưu cũng ngoài 70 tuổi. Ai trong các ngài mang bệnh vì cả một đời hy sinh bản thân để phục vụ dân Chúa. Nhưng nay cha này bệnh, mốt cha kia đi Chợ Rẫy, qua tuần cha khác trút hơi thở…tiếng khóc đưa tiễn ngay phòng bên cạnh … rồi cũng tới lượt mình… rồi cũng dần dần theo nhau mà chết, mà trút hơi thở, mà về với Chúa! – Cha cố nói thế. Dẫu biết thân phận con người là thế, là sinh lão bệnh tử, nhưng nỗi sợ hãi trước cái chết ai mà tránh được. Vậy nên, dù có mạnh mẽ, dù có xác tín vào Chúa, các cha cố ở nhà hưu này vẫn phải chịu một nỗi sợ hãi “rồi cũng tới lượt mình, chẳng còn bao lâu nữa con ơi!”

***

Rồi cậu lại đi, lao mình vào công việc như một con thiêu thân với đầy lòng nhiệt huyết, của sức trẻ, của một tình yêu hăng say phục vụ như cha bố cậu khi xưa. Kỷ niệm hai năm ngày thụ phong linh mục, cậu cảm thấy mệt mỏi với chính công việc và bản thân mình. Cậu không thể lường trước được những trách nhiệm, khó khăn và thử thách mà một linh mục phải đối diện hằng ngày. Dâng lễ ngắn cũng nói cha dâng lễ hời hợt, chú tâm một chút người ta nói cha dâng lễ như ông già. Giảng vui một chút, nói cha làm mất đi ý nghĩa linh thiêng của thánh lễ, giảng buồn một chút nói cha ủy mị. Viết văn để chia sẻ, nói cha viết vô bổ, viết bài giảng thì người ta nói cha sống không thực tế… còn trăm ngàn cái lý luận khác nữa mà cậu phải tập lắng nghe, hy sinh và cố gắng sửa đổi bản thân. Những lúc mỏi mệt cậu nghĩ nhiều về cha bố. Gần 60 năm đời linh mục, cha bố cậu như gừng càng già càng cay. Cuộc đời ngài trải qua biết bao sóng gió lớn nhỏ, nhưng ngài vẫn bám vào Chúa với một lòng tín thác mạnh mẽ. Chợt nghĩ, mới có hai năm mà mình đã chán nản, thì làm sao có thể thi hành sứ vụ Chúa trao phó đến cuối cuộc đời. Cần tin tưởng phó thác vào Chúa… như cha bố đã làm và đã sống.

***

Mấy bữa nay công việc nhiều, đại hội, lễ lạc… cậu không có thời gian để thở. Tối vừa đặt mình lên giường cậu nghe tin cha cố đi cấp cứu. Lòng chợt thắt lại… Nhưng cậu không thể đến thăm trong lúc này bởi công việc còn dang dở. Sau những ngày lễ, cậu tranh thủ thời gian về thăm cha bố. Vừa mở cửa, cậu nhìn thấy cha bố gầy gò, nằm co ro trên giường bệnh. Hai mắt nhắm nghiền, tay nắm chặt chuỗi mân côi. Cậu đến bên, nắm tay bố. Bất chợt bố nắm tay cậu thật chặt, chặt như chưa bao giờ được nắm. Cậu nói vào tai cha cố: Bố có nhận ra ai không? Cha cố gật đầu rồi nói nhỏ: Con của bố chứ ai. Chưa kịp để cậu nói câu thứ hai, bố nói:

- Con cầu nguyện cho bố mau hết bệnh về nhà. Về bố lấy lễ đưa cho con…

Cậu lặng người trước câu nói của bố, rồi tự nói với lòng mình: “Bố ơi! Bố đâu biết rằng căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối. Bố đâu biết thời gian chỉ còn đếm từng ngày…vậy mà bố vẫn thương con, vẫn muốn  dành cho con tất cả những gì bố có. Bố ơi, con đến để thăm bố, vì tất cả tình yêu mà bố dành cho con, chứ không phải vì con đến để lấy tiền của bố…”

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập