Thứ sáu tuần Thánh 2021

Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ Giáo hội không cử hành Thánh lễ. Bầu khí chiều nay thật tĩnh lặng. Tĩnh lặng để suy niệm về mầu nhiệm Tử nạn của Chúa Giêsu. Tĩnh lặng để chiêm ngắm và tưởng niệm cái chết đau đớn của Chúa Giêsu trên thập giá. Chiều hôm nay, Giáo hội cử hành nghi thức suy tôn thánh giá.

Vào lúc 17g00 ngày 2/4/2021, tại nhà thờ tạm giáo xứ Khiết Tâm, TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU.

Chủ sự : Cha Đaminh Chức (dòng Thánh Thể)

Phụng vụ gồm 4 phần:

1 - Phụng vụ Lời Chúa

Sau Bài Thương Khó (Hát passio), Cha chủ sự Đaminh chia sẻ cùng cộng đoàn ý nghĩa Thánh Giá. Đối với người Do Thái xưa, thập giá là một hình phạt ô nhục. Nhưng nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô thập giá đã trở nên Thánh Giá tình yêu – niềm hy vọng của muôn dân. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi vác thập giá theo Chúa mỗi ngày, đó là biết hy sinh, chu toàn bổn phận, nỗ lực từ bỏ những thói hư tật xấu để ngày càng trở nên giống Chúa hơn.    

2 - Cầu nguyện trọng thể  (10 lời cầu của GH)

Đây chính là những lời cầu nguyện có tính phổ quát để cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ. Đây là những lời nhắc nhớ chúng ta về bổn phận cầu nguyện cho Giáo Hội và cho nhu cầu của Giáo hội trên thế giới đang chịu nhiều biến đổi, nhiều thử thách, nhất là những cám dỗ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đạo của giáo dân hôm nay

3 - Thờ kính Thánh Giá

Thánh Giá được Cha chủ sự rước từ phía cuối nhà thờ lên cung thánh. Cuộc rước có ba lần dừng lại mời gọi cộng đoàn thờ lạy: "Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian – Chúng ta hãy đến thờ lạy". Sau đó, Thánh Giá được đặt giữa cung thánh để qúy cha đến quỳ gối hôn kính, cộng đoàn qùy gối thờ kính.

4 - Rước lễ

Mình Thánh Chúa được các thầy rước từ nhà tạm sang bàn Thờ, cộng đoàn lần lượt lên Rước Lễ. Sau đó cộng đoàn thinh lặng ra về.

 

Ý nghĩa của nghi thức Suy tôn Thánh Giá:

Khi suy tôn thánh giá, vị linh mục xướng lên ba lần như sau: “Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian.” Cộng đoàn cùng đáp ba lần tương ứng: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Vâng, chúng ta sấp mình thờ lạy và hôn thánh giá, bởi vì nơi ấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nơi nào có sự hiện diện của Chúa thì nơi đó có tình yêu. Vì thế, thập giá có sự hiện diện của Chúa Giêsu đã trở thành biểu tượng của tình yêu Kitô giáo. Đó là một tình yêu trao ban, một tình yêu hy sinh đến tận cùng như lời thánh Gioan đã viết như sau: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua là con đường của tình yêu. Tình yêu mạnh hơn đau khổ. Tình yêu mạnh hơn sự xỉ nhục, khinh bỉ và loại trừ của người đời. Và tình yêu mạnh hơn sự chết. Vâng, Chúa đã đi đến tận cùng của tình yêu cứu độ. Chúa đã đi đến tận cùng mọi khổ đau của con người. Vì thế, Ngài rất dễ đồng cảm và yêu thương những ai đang đau khổ trong tâm hồn.

Mỗi lần nhìn lên thánh giá, chúng ta sẽ cảm nhận được những điều huyền diệu nơi thập giá tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu!

BMVTT

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập