CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Suy Niệm Tin Mừng (Ga 20, 19-31) 

Chúa Giêsu phục sinh và hiện ra với các môn đệ nhiều lần nhưng không phải tất cả các ông đều nhận ra hay chấp nhận biến cố này. Nỗi ám ảnh về cuộc thương khó của Đức Giêsu khiến các môn đệ vẫn còn sợ hãi, các ông họp nhau nhưng các cửa đều đóng kín. Những lời Đức Giêsu nói trước khi đi vào cuộc thương khó về ngày Ngài sẽ chỗi dậy dường như bị quên lãng, hay thực tế đau thương khiến môn đệ khó tin vào lời tiên báo ấy. Trong lúc tâm hồn các môn đệ còn rối bời, lòng trí còn bất an và bầu khí đầy sợ hãi, Đức Giêsu hiện đến giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”  

Bình an phục sinh của Đức Giêsu cho các môn đệ sinh khí mới để tiếp tục sứ mạng được trao phó. Biến cố phục sinh của Đức Giêsu đem lại một khởi đầu mới cho sứ vụ của môn đệ. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh.” Các môn đệ là người chứng kiến sự việc ngay từ đầu, ra đi là để loan báo về cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Các môn đệ là những người đầu tiên lãnh nhận tin mừng Phục sinh và sứ mạng của các ông là chứng nhân cho những gì đã thấy và lãnh nhận. Được sai đi đồng nghĩa với việc đem theo sứ điệp của người sai đi. Để mang vác sứ điệp ấy, người được sai đi cần phải chấp nhận và sống điều mình loan báo. 

Tông đồ Tôma trong tâm trạng bất an đã mạnh mẽ lên tiếng đối lại các môn đệ khác khi họ nói cho ông tin vui phục sinh. Ông Tôma chưa được gặp gỡ Đức Giêsu phục sinh, chưa thực sự đón nhận bình an và ánh sáng phục sinh, ông muốn kinh nghiệm biến cố phục sinh theo cách của riêng mình. Có lẽ ông Tôma chỉ muốn đưa ra những yêu cầu dường như không thực hiện được để làm cớ không tin lời các môn đệ kia. Tuy vậy, Chúa chấp nhận những yêu cầu của ông khi Người hiện đến lần thứ hai và bảo Tôma rằng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.”

Tại sao môn đệ Tôma đòi được tận tay chạm vào các thương tích của thập giá? đòi hỏi của Tôma có thật sự cần thiết không? Gặp được Thầy Giêsu sống động đi lại, nói năng và ăn uống như người thường, chẳng lẽ lại không đủ tin Đức Giêsu đã sống lại sao?

Theo Tin Mừng Gioan, việc Thầy Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và con tim bị đâm thủng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về cái chết thể lý của một thân xác treo trên thập giá, nhưng đối với các môn đệ, đó là nội dung giáo lý trường kỳ của Đức Giêsu: dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn nói lên sự tự hiến yêu thương và diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi hiện ra, Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn, hẳn Đức Giêsu muốn nói với các môn đệ của Người, một điều gì đó xa hơn là điều khẳng định Người đã sống lại về mặt thể lý. Điều Ngài muốn biểu lộ là gì? Đó là tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn thắng, thể hiện rõ nét nơi các vết thương còn lưu lại trên thân mình phục sinh.

Các môn đệ và cả chúng ta cần cảm nhận cụ thể để tin vào điều này cách bền vững. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn nếu không đi đến cùng của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội dành để mừng kính Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta được mời gọi để chạm vào các vết thương của Chúa. Chúng ta không lạ với những vết thương trong đời, những vết thương là dấu chỉ của tình yêu, có những vết sẹo là kết quả của tha thứ. Kinh nghiệm của Tôma không chỉ là kinh nghiệm việc Thầy đã sống lại, nhưng còn là kinh nghiệm thiêng liêng khác: Những vết sẹo ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, của tình bạn đến hy sinh mạng sống, và của lòng thương xót tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đến ban bình an cho môn đệ, an ủi và hồi sinh họ trong Thánh Thần, để họ tiếp tục sứ mạng Chúa trao. Chúa còn tỏ mình ra cách đặc biệt cho Tôma, để ông thấy và tin, và còn để cho mọi người tin dù không thấy.

 Xin Chúa hãy đến soi sáng tâm trí chúng con, để nhờ ánh sáng phục sinh của Chúa, chúng con cảm nghiệm được bình an, niềm vui và hy vọng. Xin Chúa đụng chạm đến chúng con, đến những vết thương chưa lành, trong tâm hồn và nơi thân xác, để Thần Khí của Chúa chữa lành, đổi mới và thánh hoá, để chúng con cũng được chung phần vinh phúc của Đấng đã chết và sống lại vì chúng con. Amen

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập