SUY NIỆM 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Vào lúc 17g30 chiều thứ bảy Tuần Thánh, cộng đoàn giáo xứ suy niệm 14 chặng đàng thánh Giá ngoài trời.

Kính thưa cộng đoàn,

Để hiểu, cảm và thấu được tình yêu ấy, giờ đây, mỗi người chúng ta sẽ cùng với chính Chúa Giêsu đi lại hành trình thương khó của Ngài, để nhận ra tình thương vô biên của Thiên Chúa và nhận ra sự yếu đuối, bội nghĩa, bất nhân của con người, từ đó, lo sám hối, canh tân và biết đón nhận Thánh Giá trong cuộc đời của mình, luôn sẵn sàng vác lấy như Chúa Giêsu khi xưa, hầu có thể cảm thông, nâng đỡ những anh chị em đang gặp phải những khó khăn, đau khổ, thất vọng trong cuộc đời.

Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta can đảm, trung thành và dấn thân đi theo Chúa đến cùng lên đồi Canvê như Mẹ khi xưa. Amen.

(Cha chủ sự xông hương Thánh Giá. Đoàn kiệu bắt đầu tiến đến chặng thứ nhất).

Mỗi chặng : HÁT – ĐỌC LỜI CHÚA – SUY NIÊM – CẦU NGUYỆN – THỜ LẠY

NƠI THỨ NHẤT: CHÚA GIÊSU BỊ KẾT ÁN

Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 19, 14-16).

Một phiên tòa phi nhân, bất nghĩa, do thái độ nhát đảm, nhu nhược của vị quan luôn "sợ tiếng chửi, ăn mày tiếng khen" đứng lên để xét xử Người Công Chính.

Ông ta đã vì ham quyền, cố vị, sợ mất chức, nên đã đổi trắng thành đen khi chấp nhận thuận theo hiệu ứng đám đông để kết án tử cho Chúa Giêsu mà không hề biết việc làm của mình có công lý hay công bằng cho Ngài hay không!

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, vẫn còn đó những chuyện bất công trong nhiều lãnh vực. Người công chính vẫn bị trù dập, phỉ báng và đối xử bất nhân như một kẻ có tội, trong khi kẻ vô luân lại an nhiên lộng hành!

NƠI THỨ HAI: CHÚA GIÊSU VÁC THẬP GIÁ

.Tin Mừng theo thánh Gioan  (Ga 19, 16-17). 

Suy Niệm: Sau khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình qua phiên tòa ám muội, bất công và không hề có công lý, Ngài đã phải đón nhận thập giá và bắt đầu vác đi đến nơi hành quyết trong sự cười chê khinh bỉ của dân chúng.

Trong đời sống xã hội hiện nay, sự vô cảm, dửng dưng đã sản sinh ra biết bao con người lạnh lùng. Họ sẵn sàng cười đùa trên những giọt nước mắt của anh chị em em mình, tất cả do đồng tiền bạc bẽo, tình ái bất chính, quyền lực bất nhân chỉ đạo!

NƠI THỨ BA: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT

Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia  (Is 53,4-5).

Suy niệm: Tội lỗi, bất công, vô ơn bạc nghĩa là những thứ tra tấn tinh thần Chúa Giêsu mãnh liệt nhất! Cộng thêm sự đau đớn về thể xác do những nhát roi chí tử, những cú đá, xô đẩy không thương xót của những tên lính tàn bạo, đã làm cho Chúa Giêsu suy tàn và kiệt sức, nên Ngài đã ngã dưới sức nặng của cây thập giá. Tuy nhiên, vâng phục Thiên Chúa Cha và yêu thương con người, nên Ngài đã đứng dạy và tiếp tục vác lấy thập giá để đi tiếp con đường Chúa Cha muốn.

Trong đời sống gia đình và nơi xã hội, chúng ta vẫn thường xuyên trở nên nạn nhân của sự vô tâm, ích kỷ, hiềm khích hay những chuyện cáo vạ vu oan... làm cho tâm hồn chúng ta trĩu nặng, lương tâm không thanh thoát, và chúng ta đã bị ngã gục trước sự tra tấn thâm độc của chính anh chị em mình.

NƠI THỨ TƯ: CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ

.Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2,34-35).

Suy niệm:  Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu luôn im đậm dấu ấn của Mẹ Maria. Niềm vui, nỗi buồn của Con cũng chính là của Mẹ. Vì thế, Mẹ luôn xuất hiện bên cạnh Người Con Chí Ái của mình để đồng hành, nâng đỡ, an ủi Con Yêu Dấu chu toàn sứ mạng Thiên Chúa Cha đã ủy thác. Ôi, một mẫu gương sáng ngời về niềm tín thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa nơi Mẹ!

Trong xã hội hôm nay, người ta ưa sống hưởng thụ và tách biệt theo kiểu hạt nhân, "đèn nhà ai nấy rạng", tức là không biết quan tâm đến người khác.

Nhưng là Kitô hữu, chúng ta không được phép trở nên một hòn đảo xa lạ giữa đại dương mênh mông, nhưng luôn được mời gọi sống tinh thần liên đới để giúp nhau vượt qua đau khổ nhằm vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.

NƠI THỨ NĂM: ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU

 Tin Mừng theo thánh Máccô . (Mc 15, 21-22).

Suy niệm: Vác lấy thập giá của cuộc đời mình đã là một khó khăn, nhưng kề vai vác đỡ thập giá cho người khác lại là một hành động phi thường. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã có một con người can trường như thế, người đó là Simon người Kyrênê. Chính hành động can đảm của ông đã khắc lại cho hậu thế mẫu gương về lòng bác ái Kitô giáo, để muôn đời còn lưu dấu chính nhân.

Ôi thật xót xa cho Chúa Giêsu và chính chúng ta, một nỗi đau xé lòng khi "anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi"!

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, vẫn không thiếu những người sẵn sàng theo phò khi ta thành công. Họ luôn bề nịnh hót theo kiểu "đội trên đạp dưới", nhưng khi ta thất bại thì nào thấy ai?

NƠI THỨ SÁU: BÀ VERONICA LAU MẶT CHO CHÚA

Tin Mừng theo thánh Mátthêu  (Mt 25, 37-40).

Suy niệm: Một phụ nữ liễu yếu đào tơ thì làm sao có thể làm được những chuyện gì lớn! Đấy là những quan niệm khinh miệt người phụ nữ thời bấy giờ. Bà Veronica, với một trái tim đầy thương xót, bà đã không sợ đám lính mặt người dạ thú, nên đã tiến lại trước Chúa Giêsu và lấy khăn lau mặt cho Ngài, để Ngài khỏi bị mướt máu, hầu có thể tiếp tục hành trình.

Trong cuộc sống xã hôm nay, có quá nhiều người bị bỏ rơi ngay tại những khu phố phồn hoa đô hội hay nơi những xứ đạo toàn tòng, hoặc trong lòng cộng đoàn và đôi khi lại bị cô lập ngay giữa gia đình!

Khi gặp những hoàn cảnh đó, hẳn hình ảnh của bà Veronica lại hiện lên trong tâm trí và luôn hối thúc ta hãy làm một cử chỉ thân thiện, một lời nói yêu thương, một hành động bác ái, để vơi bớt đi tình cảnh sầu thương ai oán của anh chị em mình.

NƠI THỨ BẢY: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI

Lời Chúa trong sách Thánh Vịnh  (Tv 118, 12-13).

Suy niệm: Khi xuống trần gian, Chúa Giêsu đã trở nên con người giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài mang trong mình thân phận giới hạn của kiếp nhân sinh, vì thế, mất máu nhiều qua những trận đòn chí mạng và mồ hôi toát ra đầm đìa dưới sức nặng của cây thập giá, đã làm Chúa Giêsu ngã gục xuống đất lần thứ hai. Tuy nhiên, những khổ cực đó đã không đè bẹp được lòng thương xót của Ngài dành cho con người, vì thế, Ngài đã đứng dạy, tiếp tục hành trình.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhiều khi những đau khổ, khó khăn, thử thách ập đến, thay vì khám phá ra ý nghĩa và giá trị dưới cái nhìn cứu độ để kết hợp với lòng thương xót Chúa nhằm lấy tinh thần vươn dạy, vượt xa để tiếp tục tiến về phía trước, thì chúng ta lại ngủ yên trong vũng lầy êm ái của tội, hoặc than thân trách phận!

Trỗi dạy và đứng lên để tiếp tục tiến bước là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Cảm thông, tha thứ cho những thiếu xót của anh chị em mình là sứ điệp mà Ngài trao gửi cho mỗi chúng ta.

.NƠI THỨ TÁM: CHÚA GIÊSU AN ỦI CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM

LỜI CHÚA:  (Lc 23, 27- 28).

Suy Niệm: Các phụ nữ thành Giêrusalem nhìn thấy Chúa Giêsu máu me đầm đìa, chân lê từng bước, hơi thở hổn hển, là những người yêu mến Chúa làm sao cầm được nước mắt xót thương đến Ngài! Nhưng họ đã được Chúa Giêsu nhắc nhở: A (Lc 23, 27 – 28).

Trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó biết bao phụ nữ phải chịu cảnh đàn áp, bóc lột về sức khỏe, nhân phẩm; hay cũng không thiếu những phụ nữ cay cực khi có những ông chồng mất nết, những đứa con lăng loàn, và, cũng không thiếu những phụ nữ vô tâm với bổn phận và trách nhiện, nhất là có những người mẹ thú tính không có lòng thương xót đến chính những đứa con của mình, nên đã đang tâm vứt bỏ chúng qua hành động phá thai!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con khi nhìn vào cuộc thương khó của Chúa thì luôn biết ăn năn tội lỗi của mình và có lòng thương xót đến những người cô đơn, bất hạnh. Xin cho các bà mẹ nơi giáo xứ (giáo họ) và trên thế giới luôn ý thức thiên chức cao cả là làm mẹ trong vai trò diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Amen.

NƠI THỨ CHÍN: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ BA 

LỜI CHÚA: (Mt 11,28-30).

Suy niệm:  Đôi khi con người đối xử với nhau còn tệ hơn cả loài vật! Tại sao vậy? Thưa, chỉ vì ghen tức, ích kỷ và kiêu ngạo...

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là đối tượng để cho quân lính và những người thù ghét Ngài thỏa mãn những ác tâm. Tưởng chừng một con người với sức tàn hơi kiệt sẽ được họ nương tay và rủ lòng thương xót! Ai ngờ! Không những không thương, mà ngược lại, họ chửi bới, đánh đập Ngài cách tàn nhẫn không tiếc tay. Cộng thêm đường lên Gôngôtha quanh co, gồ ghề, sỏi đá, đã làm Chúa gục ngã một lần nữa trước sự ác tâm, thất đức của con người. Tuy nhiên, với chút sức lực còn lại, Ngài đã cố gượng và đứng dạy để đi đến nơi.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những con người mất nhân tính, không có lòng thương xót khi sẵn sàng chửi bới, đánh đập tàn nhẫn với ngay cả đấng sinh thành ra mình! Hay cũng không ít những người vô tâm khi cướp đi cả miếng cơm, gói mỳ của bà góa nghèo. Những lúc như thế, chúng ta đã gây nên đau khổ không những thể xác và cả tinh thần cho anh chị em mình, làm họ bần cùng và ngã quỵ trước sự bất nhân của ta.

NƠI THỨ MƯỜI: QUÂN DỮ LỘT ÁO CHÚA

LỜI CHÚA:  (Ga 19, 23-24).

Suy niệm: Một vị Thiên Chúa đầy quyền năng, giàu có, là Chúa Tể trời đất, ấy vậy mà giờ đây lại trở nên một người nghèo nhất trong những người nghèo! Nghèo đến độ không có mảnh vải che thân.

Ôi một vị Thiên Chúa tự hủy đến độ chấp nhận trở thành không có gì để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại cách trọn vẹn. Chúa Giêsu giờ đây trở thành trò cười cho những đối tượng thù ghét Ngài. Nhưng với những người tin và yêu mến, thì đây là lúc Thiên Chúa trở nên nghèo khó thực sự để cho con người được nên giàu có.

Ngày nay, Chúa vẫn còn bị người ta lột áo, phỉ báng, chêu cười nơi những người sống bên lề xã hội. Ngài chính là những cụ già bị con cái đối xử bất hiếu; những nạn nhân của các cuộc bạo hành, áp bức, bóc lột, buôn bán; hay những đứa trẻ mồ côi, hoặc những đứa trẻ đánh mất tuổi thơ khi phải sống trong những hang động của trộm cướp, mại dâm...

NƠI THỨ MƯỜI MỘT: QUÂN LÍNH ĐÓNG ĐINH CHÚA VÀO THẬP

LỜI CHÚA: (Ga 19, 17-18).

Suy niệm:  Nếu cao trào của thước phim chính là hồi kết, thì đỉnh cao của cuộc khổ nạn chính là lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Kịch tính hơn nữa chính là đôi chân đã từng đi đến với những người nghèo, những khu ổ chuột, những người bị loại ra bên lề; đôi tay đã từng thi ân giáng phúc; trái tim đã rung động trước nỗi khốn khổ của con người, thì giờ đây bị đóng chặt và đâm thủng do lòng độc ác của loài thụ tạo! 

Trong xã hội hôm nay, vẫn không thiếu những con người sống hết mình vì mọi người, nhưng phần thưởng của họ nhận được lại là sự vô ơn của chính những người thụ ơn họ.

Trước Thánh Giá Chúa Giêsu, và trong sâu thẳm nội tâm, mỗi người hãy ăn năn, sám hối vì đã nhiều lần ta vô ơn với Chúa khi sử dụng ơn thánh cách phí phạm, vô ích... Cũng đã biết bao lần ta vô ơn với những người làm ơn cho ta, trong đó phải kể đến các bậc sinh thành và dưỡng dục ta!

NƠI THỨ MƯỜI HAI: CHÚA GIÊSU TẮT THỞ TRÊN THÁNH

LỜI CHÚA:  (Ga 19,28-30).

Suy niệm: Thánh Giá được dựng lên, người bị treo trên đó lại là "Giêsu Nazaret - Vua dân Do Thái". Với tấm bảng đó, chúng ta thấy rất rõ ý đồ độc ác của nhóm người lãnh đạo Do thái! Họ chụp mũ cho Chúa Giêsu với những tội danh: phạm thượng, lộng ngôn, sách động dân chúng, lật đổ chính quyền..., để rồi bình chân như vại giết đi một Đấng hết lòng thương xót con người...

Ngày nay, trong xã hội đương thời, người ta vẫn thấy đây đó những cáo trạng bất công, được nhào nặn bằng những thứ tội không khác gì bản án mà người ta đã chụp lên đầu Chúa Giêsu khi xưa!

Trước thực trạng đó, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía sự thật, bảo vệ công lý, xây dựng công bằng, nhằm làm cho xã hội này biết yêu thương, liên đới và trung thực hơn, ngõ hầu không còn những cái chết oan uổng, bất công diễn ra trong thời đại hôm nay.

NƠI THỨ MƯỚI BA: THÁO XÁC CHÚA

LỜI CHÚA:  (Mt 27,57- 58).

Suy niệm Nếu cái chết đau thương nơi Chúa Giêsu trở thành niềm vui mừng của nhóm Pharisêu, Luật sĩ, Tư tế, phe Sađốc, Hêrôđê... và dân chúng vì đã loại trừ được Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời và xã hội của họ, thì nỗi đau khổ của Mẹ Maria dâng lên tột cùng khi hai tay ôm trọn thân xác bất động và bê bết máu của Con Chí Ái trong lòng. Lúc này, hơn bao giờ hết, lời tuyên sấm của cụ già Simêon: "Một lưỡi gươm sắc sẽ đâm thấu tâm hồn bà" lại một lần nữa lộ hiện rõ nét trên khuôn mặt được toát ra từ trong sâu thẳm cõi lòng Thân Mẫu. Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của con người, Mẹ Maria cũng đang chết trong tâm hồn khi hiệp thông trọn vẹn với Con Yêu Dấu trên hành trình cứu chuộc.

Trong các mối tương quan xã hội, giáo xứ và gia đình, nhiều lúc chúng ta thờ ơ, lãnh đạm khi có ai đó cậy nhờ đến sự giúp đỡ của ta trong lúc họ gặp hoạn nạn khó khăn. Một mặt vì sợ tốn của, mất thời gian, mặt khác vì sợ liên lụy đến thanh danh, tiếng tốt của mình. Những lúc như thế, chúng ta không có lòng thương xót như Mẹ Maria, mà ngược lại, lòng thương xót của Chúa bị giới hạn qua những lựa chọn ích kỷ của chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết đón nhận hai tiếng "Xin Vâng" như Mẹ. Xin Mẹ cũng dạy chúng con biết tha thứ cho những người làm hại mình, và xin cho chúng con vững tin vào lòng thương xót của Chúa như Mẹ khi xưa. Amen.

NƠI THỨ MƯỜI BỐN: TÁNG XÁC CHÚA TRONG

LỜI CHÚA:  (Ga 19,40-42).

Suy niệm:  Một con người đã làm biết bao chuyện phi thường: dẹp yên bão tố; hóa bánh ra nhiều; chữa lành bệnh tật; cho kẻ chết sống lại...; cũng chính con người ấy đã hứa cho những ai tin mình thì sẽ được sống đời đời..., giờ đây, chỉ còn nằm bất động như khúc gỗ, chẳng còn cứu nổi chính mình, thì làm sao cứu được người khác! Với bản án và cái chết như một tử tội, bị mai táng trong ngôi mồ lạnh lẽo thê lương đã làm cho biết bao người thất vọng! 

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết chết đi cho con người cũ là những sự kiêu ngạo, hiềm khích, bảo thủ, ích kỷ, hẹp hòi, bất nhân, vô luân... và sống trong tinh thần mới theo chân lý Tin Mừng là: hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhịn, bao dung, tha thứ, liên đới và yêu thương... để nhờ lòng thương xót của Chúa, chúng con được hưởng ơn cứu độ mà Chúa đã hứa cho những ai tin vào Ngài.

KẾT THÚC CỘNG ĐOÀN LÃNH PHÉP LÀNH, RỒI RA VỀ TRONG THINH LẶNG

                                                                                                            BMVTT

 

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập