|
BÀI 37 DQuyết định “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,22-25).
Điểm cuối cùng để giữ trong tâm trí khi lắng nghe một bài giảng đó là quyết định câu trả lời của chúng ta. Chúng ta sẽ hành động thế nào trên những lời được nghe trong bài giảng. Ví dụ, có thể bài đọc Tin Mừng trong ngày là về sự tha thứ và linh mục mở rộng về chủ đề đó. “Sự tha thứ, một lần nữa?” Vâng, sự tha thứ. Sự tha thứ là một trong những chủ đề chính của Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Nhờ việc nghe một bài giảng về sự tha thứ, người ta có thể nói: “Tôi không hiểu tôi phải tha thứ cho ai”. “Tôi không có ai để tha thứ”. “Tôi đã tha thứ tất cả những gì tôi cần phải tha thứ”. (Nghe những phát biểu như trên không phải là điều bất thường). Tuy nhiên, đó là một cơ hội mà chúng ta cần phải tha thứ cho người khác. Có lẽ chúng ta cần phải “mang theo” lời tha thứ trong tuần tới, cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vào trong một phạm vi mới của sự tha thứ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến. Sau khi Thánh Thần mạc khải, chúng ta có thể đưa ra quyết định tha thứ. Hãy tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Tôi có cần phải tha thứ cho một người nào đó mà tôi đã quên tha thứ không?” “Ai ‘đã dẫm vào ngón chân tôi’ tuần trước cần sự tha thứ?” “Có lẽ có một mối quan hệ trong cuộc đời tôi cần sự tha thứ?” Kinh nghiệm của tôi trong phòng chữa lành chứng minh cho tôi thấy luôn luôn có nhu cầu tha thứ. Hành động theo Lời Chúa trở nên sự chữa lành không những cho chúng ta mà còn cho những người xung quanh. Hãy suy nghĩ đến một lúc nào đó sẽ như thế nào nếu mọi người hành động một cách tích cực dựa trên một lời riêng được nghe trước tiên trong Tin Mừng và sau đó trong bài giảng. Chắc chắn sẽ có nhiều sự bình an trong mọi người khi sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô được sống. Khi chúng ta lắng nghe, chúng ta hãy “chờ đợi” để nghe một sứ điệp riêng; chúng ta hãy “mang theo” sứ điệp ấy với ta; và chúng ta hãy “quyết định” để hành động dựa trên lời đó. Tất cả những hành động này sẽ mang chúng ta vào trong tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu Kitô. Sau đây là một bài báo được viết bởi cha DeGrandis chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của ngài với anh em linh mục trong những bài giảng. Trong những chuyến du lịch của ngài, ngài nghe những báo cáo rất tích cực từ mọi người, vì nhiều người thực sự được truyền cảm hứng bởi những bài giảng. Tuy nhiên, những lời phàn nàn cũng được nghe rằng người Công giáo không thường xuyên nghe những bài giảng tốt và truyền cảm hứng. Vì thế, hai năm trước, ngài đã ngồi xuống vào một buổi chiều và viết vài điểm cho những bài giảng có tác động mạnh.
Bài viết này xuất hiện trong Tạp Chí Linh Mục (Priest Magazine).
Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)
|