(Tiếp theo kỳ trước)

 

Chương 6

Các Bài Đọc Kinh Thánh - Tin Mừng


Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành. (2Tm 3,16-17).

“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ”. (Hr 4,12-13).

Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về sức mạnh chữa lành của Lời Chúa - Lời Hằng Sống, Lời đó có sức mạnh biến đổi và chạm đến cuộc sống của ta qua việc chữa lành. Hiệu quả của sức mạnh mà Lời và đặc biệt Lời Chúa tác động đến cuộc sống của ta được mô tả một cách tuyệt đẹp trong quyển sách có tựa đề là Thánh lễ bằng hình ảnh (The Mass in Pictures)

Nhờ kinh nghiệm, chúng ta biết lời nói rất có sức mạnh. Nó có thể mang lại cho ta hạnh phúc hay thất vọng tột cùng. Hãy thử nhớ lại trong đời của bạn khi nghe ai đó chỉ trích bạn hay ai đó trở thành mục tiêu của lời chỉ trích. Hậu quả có thể rất thảm hại và đó là kinh nghiệm mà ai nấy đều lo sợ. Trái lại, chỉ một lời khen hay lời động viên thôi, dường như đó là tất cả những gì ta cần để đối mặt và vượt qua bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống. Người Do Thái tin rằng một lời không chỉ là âm thanh phát ra từ môi miệng nhưng còn sống động đến nỗi lời đó làm được mọi thứ. Bây giờ, nếu chỉ nghĩ đến những lời chỉ trích nhắm vào mình, bạn sẽ bắt đầu hiểu được tinh thần của người Do Thái. Liệu chúng có giống như những đầu đạn nhẹ nhàng lấy lòng bạn và thực sự làm bạn khó chịu không?

Nếu ta nhớ lại ý tưởng trên của ngươì Do Thái, tức là lời có thể tác động đến mọi thứ, thì một cách thức nhìn Kinh Thánh mới mẻ sẽ mở ra trước mắt ta. Ta bắt đầu thấy Kinh Thánh như một cuộc đối thoại giữa Chúa Cha và con người. Chính Thiên Chúa khơi mào cuộc đối thoại và nhờ Lời Ngài mà việc tạo dựng được hiện hữu. Thiên Chúa phán “hãy có ánh sáng” và đã có ánh sáng… Thiên Chúa phán “chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh chúng ta… và xảy ra như vậy”. Có lẽ bây giờ ta mới hiểu điều mà ta muốn ám chỉ khi nói rằng Lời của Chúa có sưc sáng tạo. Mỗi trang Kinh Thánh góp phần vào sự kì diệu của sự giảng dạy này bằng việc nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa là tình yêu.

Lời Ngài đối nghịch với lời được ví như viên đạn ngấm ngầm phá huỷ con người. Những lời này là những lời yêu thương mà Thiên Chúa trao ban chính mình Ngài, chia sẻ bí mật và tự biểu lộ cho ai biết lắng nghe. Vậy ta phải có thái độ gì trong khi lắng nghe Lời Chúa? Ta có thể tóm gọn ở đây một thái độ nên lắng nghe và đáp lại những gì Thiên Chúa nói với ta qua các bài đọc. Đó là lí do cho thấy thánh vịnh được hát hay đọc sau bài đọc I là rất quan trọng. Ta gọi đó là thánh vịnh đáp ca vì đây là một cách thế để đáp trả Lời Chúa.

Khi là một linh mục quản xứ ở Texas, tôi đã giảng dạy cho giáo dân những gì như tôi đang chia sẻ với các bạn đây: “Khi bạn nghe Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật, hy vọng chữa lành, hy vọng bạn sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, hy vọng Chúa sẽ đi vào cuộc đời bạn, để đáp ứng các nhu cầu của bạn”. Tôi khuyến khích họ chia sẻ với tôi kinh nghiệm của họ. Với thời gian trôi qua, tôi để ý mọi người sẽ gọi tôi vào các buổi chiều Chúa nhật để nói điều gì đại khái như sau: “Thưa cha, sáng nay con rất thất vọng khi đến nhà thờ, nhưng khi nghe Kinh Thánh, con đã được giải thoát khỏi điều đó và cảm thấy nhẹ nhõm”. Một phụ nữ khác ở trong xứ đã nói với tôi: "Thưa cha, con cảm thấy như thể con được nâng lên khỏi chiếc ghế trên một đám mây khi nghe các bài đọc Kinh Thánh hôm nay." Với tôi, đó là những kinh nghiệm bình thường của nhiều người vì Lời Chúa có sức mạnh như con dao hai lưỡi diễn tả chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu phán, ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra’ (Mt 4,4). Kinh Thánh sẽ biến đổi chúng ta, biến đổi lòng trí chúng ta. Như thánh Phaolô nói,  ‘Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo…’ (Rm 12,2). 

Khi ta đến nhà thờ, chăm chú nghe Lời Chúa là một mối phúc lành cho ta. Một lần nữa, khi là linh mục quản xứ, tôi tiếp tục mở một lớp Kinh Thánh vào các sáng thứ năm, học hỏi về chính các bài đọc trong thánh lễ; chúng tôi đọc chúng và dành thời gian để chia sẻ và suy gẫm cá nhân. Đây là một ý tưởng đẹp cho các Kitô hữu đang muốn bắt đầu những nhóm chia sẻ nhỏ.

Tôi cũng đã khuyến khích các linh mục chia sẻ các bài đọc với một nhóm giáo dân nhất định để lấy ý tưởng chia sẻ vào lễ Chúa Nhật. Bằng cách lắng nghe lời đáp trả của giáo dân, chúng tôi là những linh mục có thể đạt đến hiểu biết điều mà giáo dân đang trăn trở. Tôi rất thích các bài chia sẻ sáng Thứ Năm. Tôi thấy giáo dân có sự hiểu biết từ những năm sống đạo của họ trong ơn gọi độc thân, vợ chồng với nhau và cha mẹ. Một số bạn bè linh mục đã nói với tôi rằng giảng dạy với họ thật khó, và tôi hiểu được điều đó, nhưng khi mở lòng ra chia sẻ với giáo dân, chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn và dễ dàng có được những ý tưởng và ví dụ, để giảng dạy vào Chúa Nhật. Điều này quả là rất hữu ích cho sứ vụ của tôi.

 

 

        Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập