(Tiếp theo kỳ trước…)

CHƯƠNG 5

Lời tổng nguyện

(Lời nguyện nhập lễ)

Chúng ta dâng lời cầu nguyện

“Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Đức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người.” (Thứ Năm Tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly)

“Chúng ta dâng lời cầu nguyện” là lời mời gọi của vị chủ tế mời gọi cộng đoàn bước vào việc cầu nguyện mở đầu thánh lễ, hay còn gọi là lời nguyện nhập lễ (lời tổng nguyện). Khi linh mục giang tay cầu nguyện là lúc linh mục quy tụ hay “góp nhặt” những lời cầu nguyện và tất cả mọi nhu cầu của cả cộng đoàn tín hữu để dâng lên Chúa. Linh mục diễn tả công khai “chúng ta dâng lời cầu nguyện” là ngài đang muốn nói “ngày hôm nay chúng ta hãy chia sẻ sự trào dâng của đời sống cầu nguyện, hãy thu thập và dâng những lời cầu nguyện của chúng ta lên cùng Thiên Chúa là Cha.” Có một sức mạnh nơi lời cầu nguyện của cộng đoàn trước Thánh Thể, đặc biệt khi những người hiện diện đã cầu nguyện suốt tuần và giờ đây chung phần tham gia cầu nguyện chung.

Về cá nhân, tôi muốn hỏi bạn rằng “Bạn đã cầu nguyện hàng ngày hay chưa? Bạn đã đi vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu hay chưa? “Và khi anh cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, cầu nguyện với Chúa Cha, Đấng ngự nơi bí ẩn và Cha ngươi, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, sẽ thưởng công cho ngươi.” (Mt 6, 6). Bạn đã bao giờ ở với Chúa hàng ngày chưa? Thánh lễ này có phải là sự trào dâng cho mối tương quan, cho sự kết hợp với Chúa hay không?” Nếu bạn đã ở với Chúa qua việc cầu nguyện hàng ngày thì trong thánh lễ bạn đang cho đi nhiều hơn là lãnh nhận bởi vì bạn đang cho đi sự trào dâng của tác động của Chúa Thánh Thần mà bạn đã lãnh nhận qua việc cầu nguyện hàng ngày. Nếu một người không ở với Chúa qua việc cầu nguyện hàng ngày thì người đó chỉ chủ yếu để lãnh nhận mà cho đi rất ít. Điều lý tưởng là chúng ta không chỉ đến để nhận, nhưng còn là để cho đi.

Thời gian cầu nguyện là cách để thánh lễ nối dài trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Có ba chân kiềng cho đời sống cầu nguyện. Chân kiềng thứ nhất là cầu nguyện chung, tức là lời cầu nguyện của cả cộng đoàn. Một minh họa cho điều này là tự bản chất của thánh lễ hoặc trong các nhóm cầu nguyện nơi việc thờ phượng và chúc tụng mang tính cộng đoàn. Đó là thân thể của Đức Kitô, là dân Thiên Chúa cùng nhau quy tụ để cử hành trong sự hiệp nhất và tình liên đới.

Chân kiềng thứ hai là cầu nguyện nhóm nhỏ. Tại Hàn Quốc, có một nhà thờ nọ có số thành viên lên tới ba trăm ngàn người. Vị mục tử nơi đây tiết lộ bí mật đó là nhờ việc gặp gỡ cầu nguyện hàng tuần trong từng nhóm nhỏ, thường là tại nhà một thành viên nào đó. Bạn đã có nhóm chia sẻ chưa? Bạn có gặp gỡ một, hai, ba, bốn người hay nhiều người hơn trong suốt tuần, hay bạn có gặp những người bạn cùng cầu nguyện không? Phải chăng đời sống cầu nguyện của bạn không chỉ hệ tại nơi toàn thể cộng đoàn mà còn ở trong nhóm nhỏ hơn? Hình thức cầu nguyện trong nhóm nhỏ hơn như thế thật cần thiết. Thật vô cùng quan trọng khi chia sẻ với nhau về niềm tin Kitô giáo của mình.

Lẽ dĩ nhiên, chân kiềng thứ ba là việc cầu nguyện cá nhân. Là những linh mục, những thừa tác viên và là những người dạy dỗ trong Giáo Hội, chúng ta cần khuyến khích giáo dân cởi mở hơn về hình thức này, mời gọi họ đi sâu vào cầu nguyện cá nhân. Hầu hết chúng ta đều xem tin tức hàng giờ mỗi ngày. Chúng ta dành thời gian đó để nghe ngóng những sự kiện đó đây trong ngày. Cần khuyến khích mọi người gắn kết với việc cầu nguyện hàng ngày, dành thời gian trong ngày để ở với Chúa ...

Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ có cậu con trai mắc chứng chậm phát triển đã mười tám tuổi. Chồng chị ta lại rất ghen ghét với người con này. Một ngày nọ chị đã kêu gào lên với Chúa vì những vấn đề đang xảy ra trong gia đình của mình. Về sau chị bắt đầu có cảm nhận là Chúa đang mời gọi chị dành thời gian thinh lặng với Chúa mỗi ngày. Kể từ đó chị dành ra một khoảng thời gian thinh lặng mỗi ngày để cầu nguyện, để đọc Kinh Thánh, để phản tỉnh những gì chị đã đọc. Qua một tiến trình vài tuần lễ, chị bắt đầu nhận ra sự thay đổi trong gia đình mình và sau cùng, tình cảnh của gia đình chị đã được hàn gắn một cách tốt đẹp. Bạn luôn luôn có thể trở thành người chuyển cầu cho gia đình của mình; bạn có thể là đường ống dẫn, là kênh dẫn để thông chuyển quyền năng chữa lành của Thiên Chúa đến gia đình bạn ...

Ba chân kiềng của việc cầu nguyện là cộng đoàn, nhóm nhỏ và cá nhân. Khi linh mục đọc “chúng ta dâng lời cầu nguyện”, là chúng ta đang chia sẻ sự trào dâng đời sống cầu nguyện mà ta có được với Chúa trong tương quan cá nhân, trong những nhóm nhỏ và giờ đây là trong toàn thể cộng đoàn. Chúng ta thiết tha dâng lời khẩn nguyện. Có một sức mạnh rất lớn nơi Thân Thể của Đức Kitô mang lại sự chữa lành cho toàn bộ thân thể. Hãy tự hỏi bản thân nếu bạn tin vào sự chữa lành nơi lời cầu nguyện thì hãy bắt đầu với việc cầu nguyện cá nhân.

Khi linh mục đọc “chúng ta dâng lời cầu nguyện”, ngài không chỉ đang mời gọi chúng ta cầu nguyện trong thánh lễ, nhưng còn là cầu nguyện trong toàn bộ đời sống của chúng ta. Với đôi tay giang rộng, ngài đọc “chúng ta hãy sống một đời sống cầu nguyện chân thành.” Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nói rằng kinh nguyện phụng vụ nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện cá nhân và đời sống cầu nguyện cá nhân nuôi dưỡng kinh nguyện phụng vụ. Điều đó thật đúng.

Khi chúng ta nghe lời mời gọi cầu nguyện của vị chủ tế, là ngài đang gói gém tất tất cả nhu cầu, tất cả lời cầu nguyện của chúng ta và cầu nguyện như chính Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 

Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập