Thánh lễ chữa lành chúng ta…

NGHI THỨC ĐẦU LỄ

CHƯƠNG 1

THÁNH ĐƯỜNG LÀ NƠI CHỮA LÀNH

“Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện…” (Mt 21,13)

 

Các nhà thờ là nơi chữa lành. Những nghiên cứu nhân học cho chúng ta thấy rằng tất cả những ai có đức tin, thuộc bất kỳ một tôn giáo nào thì đều luôn có một nơi thánh thiêng dành cho họ. Đây không phải là nơi bình thường nhưng vượt lên trên cái bình thường. Thực ra, nếu như bạn nhìn vào những thành phố, thị trấn hoặc những ngôi làng cổ thì luôn luôn thấy ở đó có một nơi tụ họp chung thuộc về mọi người. Ví dụ điển hình là trong nền văn hóa Tây Ban Nha, đã có và vẫn thường có một quảng trường với một ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, giáo đường này là nơi tụ họp của dân chúng, là nơi thánh để tín hữu tụ họp lại và cùng nhau thờ phượng.

Ngày nay, khi bước vào những nơi thánh thiêng như các nhà thờ chẳng hạn, chúng ta có thể mong đợi, và nên mong đợi có được trải nghiệm về sự chữa lành. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa ra lệnh dân Chúa đi vào nơi thánh: Thế là hoàn thành toàn bộ công trình Đền Thờ của Đức Chúa do vua Salômôn thực hiện. Vua Salomôn đưa vào đó các vật thánh mà vua Đavít, thân phụ ông đã dâng: bạc, vàng, các vật dụng: vua đặt các vật ấy trong kho Nhà Thiên Chúa.” (2 Sb 5, 1). Đầu câu 11 của sách Samuel quyển thứ 2 cho chúng ta thấy cách thức để đưa hòm bia Giao Ước vào Đền Thờ như thế nào: Sau đó, các tư tế ra khỏi Cung Thánh. Quả thật, tất cả các tư tế có mặt đều đã được thánh hoá, không theo thứ tự ban nhóm. Các thầy Lêvi làm ca viên có mặt đầy đủ: Axáp, Hêman,  Giơđuthun, cùng với con cháu và anh em của họ. Họ mặc trúc bâu, mang não bạt, đàn sắt, đàn cầm, đứng phía đông bàn thờ; cùng với họ có một trăm hai mươi tư tế thổi kèn. Họ thổi kèn và ca hát, cùng nhau cất tiếng tung hô và ngợi khen Đức Chúa. Họ cất tiếng hát cùng với tiếng kèn, tiếng não bạt và các nhạc cụ khác, để tung hô Đức Chúa, “vì Chúa nhân từ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Vậy khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa. Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây. Quả thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ của Thiên Chúa.” (2 Sb 5, 11-14) Quyền năng của Thiên Chúa quá vĩ đại bao trùm hết các vị tư tế. Ngày nay cũng giống như thời xưa, Chúa cũng hiện diện với dân Người ở nơi thánh thiêng, đó là nhà thờ. Khi ý thức rõ được sự hiện diện của Chúa thì chúng ta bước vào để đón nhận. 

Đôi khi nhiều người trong chúng ta đang phải trải qua cảm giác suy sụp và xáo trộn trước khi bước vào nhà thờ. Nhưng khi đi vào một môi trường yên tĩnh bình lặng, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và dường như tất cả mọi căng thăng và lo lắng đều tan biến. Nhiều lần tôi cũng có những trải nghiệm tương tự như vậy, đặc biệt khi tôi bước chân vào thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm – một nhà thờ của dòng Tên nằm trên đường Baronne, ở New Orleans – Louisiana. Tôi đến thăm quan nhà thờ đó vào một ngày hè nắng nóng. Sự mát lạnh và sự yên tĩnh của ngôi nhà thờ đã nói lên một cách mạnh mẽ về sự hiện diện của Chúa đang chờ đợi chúng ta ở đó. Ở trong ngôi thánh đường này, ai cũng cảm nhận một cách rõ rệt sự tôn kính trang nghiêm, bởi vì trải qua nhiều năm nhà thờ này là nơi mọi người tụ họp và được lấp đầy bằng những rung động của đức tin và đức ái nhờ kinh nguyện của họ.

Điều thú vị phải lưu ý là trong một số giáo đường nơi mà dân chúng rất thành tâm sốt sắng, thì khi bước vào nhà thờ ấy, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự sốt sắng đó. Trái lại, nếu đi vào những nơi công cộng như là sân bay hay tòa nhà văn phòng, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị lo âu bối rối vì mọi người ở đó đang hối hả bước đi. Còn nếu bước vào thánh đường, chúng ta có thể cảm thấy bình an. Mới đây, có một người phụ nữ chia sẻ với tôi rằng khi cô ta trải qua quãng thời gian khó khăn trong cuộc sống, niềm bình an duy nhất mà cô cảm nghiệm được là khi cô đặt mình người Công giáo, cách này cách khác, hình như chúng ta đã quên kêu gọi mọi người đến với loại hình cầu nguyện cá nhân và thẳm sâu này mỗi ngày. Sự chữa lành tuyệt diệu sẽ xảy ra chỉ khi chúng ta hiện diện trong ngôi nhà thờ được bao trùm bởi bình an của Chúa.

Chúng ta khởi đi từ ý tưởng nhà thờ là nơi chữa lành. Bước chân vào nhà thờ có thể là một sự chữa lành. Tại một vài giáo xứ mà tôi đã từng giúp, nhiều người đã đến nhà thờ trước giờ lễ để cầu nguyện khoảng mười lăm, hai mươi, thậm chí là ba mươi phút. Tôi thấy việc cầu nguyện của họ đã tạo nên bầu không khí chữa lành cho tất cả những ai đến sau. Đối với những ai mà cuộc sống cho phép thực hành như vậy thì việc cầu nguyện trước thánh lễ thật hữu ích – cho chính họ, cho cộng đoàn và cho cả vị linh mục.

Như đoạn kinh thánh Cựu Ước từ sách Sử Biên Niên quyển thứ 2 được đề cập ở trên, chúng ta thấy rằng ở đâu Thiên Chúa hiện diện thì ở đó là nơi thánh thiêng và chữa lành. Vào những thời điểm như thế, vinh quang của Thiên Chúa trùm xuống trên Đền Thờ là nơi chỉ chứa đựng những biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không phải là sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể như chúng ta có bây giờ. Vậy thì hôm nay, làm thế nào để chúng ta ngày càng cảm nghiệm hơn sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính ngôi thánh đường của mình.

Khi bước vào nhà thờ, điều đầu tiên chúng ta làm là ghi dấu thánh giá trên mình bằng nước thánh là nước đã được làm phép nhân danh Hội Thánh để chữa lành và xua trừ ma quỷ. Nước đã chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu trên đồi Canvê. Chúng ta đã được rửa tội và tái sinh nhờ nước. Vì vậy, chúng ta hãy chúc lành cho chính mình và ý thức về điều chúng ta đang làm: “Nhân danh Chúa Cha ở trên trời, nhân danh Chúa Giêsu, người anh em của tôi, nhân danh tình yêu thương là Chúa Thánh Thần.” Cử chỉ đức tin đó, trong chính nó, cũng có thể là sự chữa lành. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra cho quyền năng chữa lành của Chúa! “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” (Mt 9, 29).

Ý thức một điều rằng tiến trình chữa lành đã sẵn sàng khi chúng ta bắt đầu tham dự thánh lễ cách xứng hợp. Chúng ta hiện diện cùng với đại gia đình của Chúa. Đây cũng là gia đình của chúng ta. Chúng ta là những chi thể của thân thể Đức Kitô và chúng ta liên đới với những người mà chúng ta cầu nguyện cho. Trong vòng mười năm nữa, chúng ta sẽ thấy được sự trưởng thành mạnh mẽ hơn nữa trong Hội Thánh, khi chúng ta biết liên đới với nhau trong cầu nguyện và tinh thần hiệp thông. Ngay bây giờ nó đang bắt đầu tiến triển rồi. Thông qua những phong trào quốc tế như Cursillo, “Canh tân Thánh Linh” (Charismatic Renewal), Điểm Hẹn Hôn Nhân, và những chương trình định hướng của các giáo xứ… Chúng ta ngày càng liên đới với nhau cả về đời sống nhân bản lẫn đời sống thiêng liêng. Bất kì sự chia rẽ nào trong quá khứ sẽ bị đẩy lui. Những chương trình này khuyến khích chúng ta tin rằng chúng ta thực sự là gia đình của Chúa. Chúng ta là những chi thể liên kết với nhau trong một thân thể của Chúa Kitô. Chúng ta là những người có đức tin cùng nhau quy tụ cầu nguyện trong một nơi thánh thiêng – nơi chữa lành. “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 20)


Học Viện Thánh Thể chuyển ngữ

từ tác phẩm “Healing Through The Mass” của Lm. Robert Degrandis, SSJ (Makati: St. Paul Publications, 1988)

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập