|
(Tiếp theo kỳ trước…) BÀI 32Chiên Thiên Chúa
“Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Lạy Chúa Giêsu, đây là một bài hát gợi hình, linh động và đầy sức mạnh đi kèm với nghi thức bẻ bánh. Bài ca này kết hợp hai biểu tượng trong Lễ Vượt Qua của người Do Thái: việc dâng tiến bánh không men bởi những nông dân và việc sát tế con chiên một tuổi không tì vết bởi những người chăn chiên. Trên bàn thờ bánh được bẻ ra và được tung hô là Chiên Thiên Chúa. Vào thời điểm xuất hành xưa kia, dân Itraen được ra lệnh sát tế chiên và bôi máu chiên lên cửa nhà của họ, để thiên thần có thể bỏ qua mạng sống của họ. Vào thời điểm xuất hành mới, trên đồi Canvê, máu thánh của Chúa, Chiên Thiên Chúa, tuôn trào từ thập giá để đánh dấu lên mọi nhà, mọi đường phố, thành thị và làng mạc với sự tha thứ vô bờ bến của Chúa. Nhờ máu của Chúa, “Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Lạy Chúa, lời tung hô “Chiên Thiên Chúa” đưa chúng con về đêm cực trọng nhất trong năm khi ngọn nến phục sinh được gán cho niềm vinh dự đặc biệt, bởi cây nến này tượng trưng cho ánh sáng phục sinh của Chúa. Vào dịp đó Giáo Hội công bố bài Exultet: “Đây chính là Lễ Vượt Qua, lễ hiến tế Con Chiên đích thực, là Con Chiên đã lấy máu đào thánh hiến cửa nhà người tín hữu”. Kể từ đó, trong vòng 50 ngày, nến phục sinh tiếp tục làm sống lại ký ức về một đêm của tất cả mọi đêm khi Chúa, như Con Chiên đã bị đem đi sát tế, Chúa đã sống lại từ cõi chết để chiếu toả ánh sáng cho nhân loại. Và sau khi nến phục sinh cháy hết, những lời của bài Exultet vẫn tiếp tục âm vang trong tai và trong cõi lòng của chúng con, giúp chúng con hiểu biết sâu sắc hơn về “Chiên Thiên Chúa”. Bẻ bánh là “Lễ Vượt Qua, khi Chúa Kitô, Con Chiên đích thực, bị đem đi sát tế, Chúa đã lấy máu đào của mình mà thánh hiến cửa nhà mọi tín hữu”. Nhưng khi chúng con suy niệm về điều này, xin tha thứ cho những suy nghĩ vô tâm của chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con nói điều này: Có phải con chiên thì yếu ớt và kém cỏi hơn so với con dê không? Nhưng bởi vì Chúa luôn luôn ở về phía của những kẻ yếu đuối và bị khinh khi, Chúa ưa thích và ủng hộ chiên hơn là dê trong ngày phán xét. Dê có thể tự xoay sở mọi sự. Chúng có tỉ lệ sống sót cao hơn chiên. Chiên có thể ngây dại hơn, dường như chúng là sinh vật yếu kém vì không thể tự mình vượt qua khó khăn. Chúng có thể mạo hiểm bước ra ngoài ràn nhưng lại không thể tìm ra lối quay về. Chúng có thể bị người ta đem đi xén lông và giết chết nhưng lại không thể cất lên tiếng phản kháng. Đối với môn đệ của Chúa – Phêrô, Chúa đã giao phó nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Chúa. Lạy Chúa, Chúa có xem chúng con như là những con chiên không? Chắc chắn Chúa không muốn coi thường chúng con, vì quả thật chúng con là những sinh vật vô dụng và ngu ngốc. Bởi vì chúng con như thế mà Chúa đã biểu lộ sự hiền dịu thiêng thánh dành cho chúng con bằng cách vác chúng con lên vai, thì thầm vào tai chúng con những lời an ủi và che chở. Nhưng chúng con lại muốn tự an ủi mình bằng những suy nghĩ ngỗ nghịch, nên chúng con cầu nguyện rằng xin Chúa đừng chấp nhất những bất kính của chúng con, vì Chúa thật là Con Chiên vĩ đại nhất trong tất cả con chiên! Lạy Chúa, đường lối của Chúa không phải là đường lối của chúng con. “Sự điên dại” của Chúa làm cho sự khôn ngoan của loài người phải hổ thẹn. Thay vì chọn lựa khôn ngoan và mạnh mẽ để hoàn tất công cuộc cứu độ, Thiên Chúa đã chọn lựa những con chiên cừu chậm chạm và yếu đuối. “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Amen
Lm. Phạm Đình Ái, sss chuyển ngữ (Từ tác phẩm Meditation on the Mass của Lm. Anscar J. Chupungco,osb) |